Kỳ quặc ngôi làng “nói không với đàn ông” ở Kenya

Umoja được biết đến là một vùng đất hẻo lánh ở Kenya - nơi tồn tại chế độ mẫu hệ, đàn ông không được cho phép sinh sống ở đây.

15.1175

Ngôi làng này được thành lập cách đây 25 năm bởi bà Rebecca Lolosoli, được biết đến là nơi ẩn náu an toàn cho phụ nữ và các bé gái, nạn nhân của tình trạng lạm dụng, bóc lột trong gia đình cũng như xã hội của người Samburu, ở miền bắc Kenya.

Bà Rebecca, đã từng là người dân của bộ tộc Samburu, hiện tại là tộc trưởng của ngôi làng chỉ dành riêng cho phụ nữ Umoja này. Chứng kiến ​​những cảnh tượng bạo lực thường xuyên xảy ra khi còn là một đứa trẻ, bà biết rằng những tập tục lạc hậu của Samburu đang lạm dụng và bóc lột phụ nữ. Vì vậy, bà đã bắt đầu lên tiếng phản đối những tập tục này, đứng lên bảo vệ và ủng hộ những phụ nữ góa bụa, trẻ mồ côi và những nạn nhân bị hãm hiếp.

Thái độ thẳng thắn của Rebecca đã khiến bà gặp rất nhiều phản đối. Khi lên tiếng bảo vệ những người phụ nữ bị lính Anh hãm hiếp, bà đã bị đàn ông trong làng đánh đập trước sự thờ ơ của chồng. Vì vậy, vào năm 1990, bà đã lãnh đạo một cuộc di cư dành cho phụ nữ và từ đó hình thành ngôi làng Umoja như ngày nay. "Trong hơn 50 năm, những người lính Anh tập kết gần khu vực của chúng tôi. Họ mặc quân phục màu xanh hòa cùng với lá cây và bất thình lình lao ra hãm hiếp phục nữ đang thu thập củi, rồi cười đùa như thể đó là một trò đùa cợt”, bà Rebecca chia sẻ.

Rebecca đã cùng với 16 người sống sót sau quá trình di cư và tạo nên một cộng đồng để bảo vệ lẫn nhau, thành lập ngôi làng trên những đồng cỏ khô. Umoja cũng có nghĩa là sự thống nhất trong tiếng Swahili. Bây giờ ngôi làng không những có thể tự duy trì mà còn phát triển mạnh mẽ. Phụ nữ bắt đầu làm đồ trang sức và hàng thủ công, mở làng văn hóa thu hút khách du lịch để tự trang trải cho cuộc sống bản thân và gia đình. Họ cũng đã góp sức để xây dựng một trung tâm y tế, trường học, quỹ lao động và các công trình khác. Khu vực này dễ gặp hạn hán, vì vậy cư dân của ngôi làng giảm thiểu tối đa việc dựa dẫm vào gia súc. Họ thường nuôi gà theo chuồng để vừa làm nguồn thực phẩm vừa kiếm thêm lợi nhuận.

"Đàn ông bị cấm không được sống trong làng, nhưng có thể vào làng nếu họ cư xử và tuân thủ các quy tắc của phụ nữ," Rebecca nói. "Mục tiêu của chúng tôi là cải thiện sinh kế cho phụ nữ do nghèo đói tràn lan và chống lại các vấn đề cực đoan, bóc lột mà phụ nữ đang gặp phải ngay trong cuộc sống gia đình.”

Hiện tại, làng Umoja đang phát triển không ngừng nhưng đây không phải là một quá trình dễ dàng. Rebecca giải thích rằng họ đang bắt đầu lập kế sinh nhai với các cửa hàng nhỏ bán bột ngô và đường, nhưng kết quả mang lại không khả quan. Sau hai năm thất bại, họ quyết định thử bán đồ lưu niệm truyền thống cho khách du lịch. Thừa nhận những nổ lực không ngừng của ngôi làng, chính quyền Kenya đã tiến hành sắp xếp tour du lịch Quốc gia Maasai Mara, biến nơi đây thành một địa điểm thăm quan và người dân có thể bán các sản phẩm du lịch tại đó.

Ngay từ khi Umoja được thành lập, Rebecca đã nhiều lần được bầu làm chủ tịch, hiện tại bà vẫn đang đảm nhận vị trí này. Bà cũng là chủ tịch Maendeleo Ya Wanawake (MYWO) của địa phương, tổ chức phi lợi nhuận hoạt động để cải thiện cuộc sống của phụ nữ ở Kenya. Trong năm 2010, Rebecca đã nhận được Giải thưởng Lãnh đạo toàn cầu từ Voices Vital, vì những hoạt động phi lợi nhuận vì nhân quyền cho phụ nữ. Ở tuổi 53, bà là một nữ doanh nhân thành công và tiếp tục làm việc không mệt mỏi để chống lại những hủ tục trong văn hóa của Kenya.

Rebecca cho biết trở ngại lớn nhất của họ chính là những người đàn ông. "Những người đàn ông đang ghen tị với thành tích của chúng tôi. Samburu là một xã hội gia trưởng mà phụ nữ và trẻ em đều là phái yếu. Họ không có quyền đưa ra quyết định hoặc sở hữu tài sản riêng.” Umoja là một ví dụ của chế độ mẫu hệ thành công, nâng cao vị thế phụ nữ trong xã hội. Ngôi làng được xây dựng để hướng đến mục tiêu chung, thoát khỏi những hủ tục bóc lột và bạo hành đối với phụ nữ.

Nga Đặng

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]