Làm gì để “cứu” tuồng?

SKĐS - Được đánh giá là một trong những bộ môn nghệ thuật sân khấu độc đáo của Việt Nam nhưng nghệ thuật tuồng lâu nay đang có dấu hiệu mai một.

15.564

Được đánh giá là một trong những bộ môn nghệ thuật sân khấu độc đáo của Việt Nam nhưng nghệ thuật tuồng lâu nay đang có dấu hiệu mai một. Thực tế phản ánh, sân khấu tuồng tại nước ta thời gian qua khá trầm lắng vì nhiều lý do khác nhau. Bởi thế, bài toán bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng đang trở nên nan giải với chúng ta hơn bao giờ hết.

Chìm dần theo sự phát triển của xã hội

Tuồng vốn là một loại hình nghệ thuật sân khấu mang tính cổ điển khá độc đáo của Việt Nam.

Điều đặc biệt trong nghệ thuật tuồng đó là phải có những đào kép chính xuất sắc và kịch bản hay mới thu hút được người xem, cho dù khán giả chỉ là những người dân bình thường hay những người có địa vị cao trong xã hội. Trong nghệ thuật biểu diễn tuồng, từng động tác diễn xuất, từng câu chữ ca từ của người diễn viên khi thể hiện đều được bình phẩm ngay bởi tiếng trống chầu đặt trước khán giả. Và nghệ thuật tuồng vì thế mang tính gần gũi, kết nối. Tuồng luôn mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc.

Chủ động “đưa tuồng xuống phố” là cách hữu hiệu để “cứu” bộ môn nghệ thuật sân khấu này.

Tuồng độc đáo là vậy, nhưng trải qua thời gian, xã hội ngày càng phát triển và hiện đại với nhiều loại hình văn hóa không ngừng được mở ra, nghệ thuật tuồng bỗng bị rơi vào quên lãng. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, xã hội ngày càng phát triển, đặc biệt  khi các loại hình nghệ thuật mới của thế giới du nhập vào Việt Nam thì công chúng, nhất là giới trẻ đã đón tiếp những “luồng gió mới” ấy một cách nồng nhiệt. Người trẻ hiện nay có người không biết đến nghệ thuật tuồng, hoặc có biết thì cho rằng tuồng đã lỗi thời, không thể cảm thụ. Trong mắt giới trẻ hiện nay chỉ là các thể loại âm nhạc đương đại như: dance, hiphop, rock, ballad... Bởi lẽ thế, khi khán giả còn “mơ hồ” và thiếu mặn mà với tuồng thì điều tất yếu, bộ môn nghệ thuật này cứ xa rời trong đời sống, với những thế hệ tương lai là khó tránh khỏi.

Thuốc nào để “cứu” tuồng?

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến nghệ thuật tuồng ở nước ta dần trôi vào quên lãng. Thực tế phản ánh đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên tuồng ở nước ta ngày càng ít đi. Trong khi đó, các nghệ sĩ trẻ đến với tuồng lại chưa đáp ứng được nhiều yêu cầu của bộ môn nghệ thuật sân khấu vốn mang tính bác học và hàn lâm.

Bên cạnh các yếu tố đó còn là năng lực cảm thụ tuồng của khán giả. Tuồng vốn là loại hình nghệ thuật với âm nhạc, ca từ, cách diễn xướng bác học nên khán giả cũng phải là những người có năng lực trong việc cảm nhận cái hay, cái đẹp mới thấu hiểu hết được giá trị của tuồng. Chính vì thế, đôi khi khán giả dù rất muốn tiếp cận với nghệ thuật tuồng nhưng cũng đành ngậm ngùi quay lưng bởi tâm lý “không hiểu gì”.

Thực tế, nhiều năm qua, một số nhà hát nghệ thuật truyền thống đã tiến hành phục hồi và cho tiến hành dàn dựng các trích đoạn tuồng cổ, đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo mang tầm quốc gia nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu tuồng nhưng vẫn chưa thật sự mang lại hiệu quả.

Để giúp tuồng “bén rễ” với thế hệ trẻ, các chuyên gia cho rằng chúng ta cần tiếp tục đưa nghệ thuật tuồng vào chương trình giáo dục, mở rộng các hoạt động nghệ thuật tuồng với công chúng. Một yếu tố cũng rất quan trọng để “cứu tuồng”, đó là chúng ta phải có các chính sách đãi ngộ, bồi dưỡng, nhuận bút, thù lao thích đáng cho nghệ sĩ, diễn viên tuồng để các nghệ sĩ chuyên tâm với nghề, giữ và phát triển nghệ thuật tuồng.

Một cách làm khác, đó là, nhiều năm qua vào tối cuối tuần tại khu vực quảng trường 2/4 (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa đã tổ chức chương trình “tuồng xuống phố” thu hút sự theo dõi của đông đảo công chúng, cho thấy nghệ thuật tuồng vẫn có nhiều đất sống. Và mới đây nhất, từ đầu tháng 7, để “cứu” tuồng, TP.Đà Nẵng đã triển khai thí điểm biểu diễn tuồng ngoài trời phục vụ công chúng trong và ngoài nước. Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh là đơn vị thực hiện chương trình này. Vào tối chủ nhật hằng tuần tại phía đông cầu Rồng khán giả lại được sống trong không khí của nghệ thuật tuồng. Theo đó, Ban tổ chức giới thiệu nghệ thuật vẽ mặt nạ tuồng; cách hóa trang trong nghệ thuật tuồng; chương trình biểu diễn hát tuồng, nhã nhạc cung đình, dân ca Việt Nam và cả quốc tế. Hướng đi “đưa tuồng xuống phố” của Khánh Hòa và TP.Đà Nẵng nhằm đưa nghệ thuật tuồng đến gần với công chúng, khơi dậy tình yêu nghệ thuật truyền thống trong du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, đó là sự chủ động để bảo tồn, phát huy các giá trị của nghệ thuật sân khấu tuồng trong xã hội hiện đại.

Quỳnh Hương

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]