Lặng người nghe chị em kể chuyện... ung thư vú

Lần đầu tiên có những người phụ nữ lên tiếng kể những câu chuyện của mình bằng những bức ảnh.

15.6028
Đó là câu chuyện về cuộc sống, đối mặt và chiến đấu với căn bệnh ung thư vú hiểm ác để giành giật sự sống một cách dung dị nhất và đời thường nhất.


1. Tôi là Lê Thị Ngọc Anh, sinh năm 1976 tại Thanh Hóa. Tháng 5/2012, tôi vui sướng nhận bằng Thạc sĩ bên cạnh người thân và bạn bè. Vì nghĩ chả mấy khi ra Hà Nội nữa nên tôi quyết định đi khám bệnh. Tôi cũng không nghĩ rằng mình lại mạnh dạn và bước vào phòng siêu âm vú.

Và rồi bác sĩ bảo tôi có một khối u, ranh giới và bờ của khối u thì không rõ ràng, bác sĩ cũng nhận định rằng khối u ấy không rõ ràng và khuyên tôi nên đến các bệnh viện chuyên khoa để khám lại. Tôi run sợ và khóc luôn trên bàn siêu âm.


Cuối tháng 6/2012, sau khi khám hết bệnh viện này, phòng khám nọ, tôi nhận tin mình bị ung thư vú độ 2 tại bệnh viện K Hà Nội. Gần 1 tuần sau, tôi mổ tại bệnh viện K cơ sở 3. Ca mổ kéo dài 1 tiếng 15 phút. Tôi hụt hẫng khi tháo vết băng và thấy mình chỉ còn một bên ngực.

Lần đầu tiên truyền hóa chất, tôi chuẩn bị tâm lý tóc mình sẽ bị rụng. Ngày thứ 15, 16 của đợt truyền hóa chất, tôi khẽ cào tóc và thấy tóc bắt đầu rụng, tôi thoáng mừng vì tóc mình rụng ít. Nhưng đến ngày thứ 19, tóc tôi đã rụng hết.

Nhìn thấy tôi như vậy, các con tôi rất sợ. Chị em đi trước khuyên tôi nên đội tóc giả đến khi con đi ngủ để chúng không ghê sợ mình. Nhưng rồi tôi quyết định gần gũi con, nói với con rằng: "Mẹ bị bệnh nên tóc mẹ rụng. Mẹ hết bệnh rồi tóc mẹ sẽ mọc lại."

Dần dần các con tôi cũng hiểu rằng mẹ bị ốm và chúng rất quấn mẹ, mỗi khi mẹ ở viện về, mỗi khi mẹ mệt mỏi. Đấy là động lực to lớn giúp tôi chiến đấu với căn bệnh ung thư vú này.

2. Con trai út của tôi có thói quen sờ ti mẹ đi ngủ, có hôm giật mình nó hỏi: "Thôi chết rồi, một cái ti của mẹ đâu rồi?" Tôi dỗ cháu rằng, mẹ bị bệnh bác sĩ cắt của mẹ, bao giờ mẹ hết bệnh ti lại mọc. Nhiều hôm buồn cười khi con tôi cứ hỏi: "Sao ti mẹ mọc lâu thế?"



Con trai út còn rất hay trêu tôi, con mách mọi người là mẹ rụng hết tóc. Nhiều hôm còn hét toáng lên dọa mẹ: "Mọi người ơi, lại đây mà xem có bà trọc đầu này." Nhưng người khác hỏi thì cháu lại giấu, chỉ nói mẹ bị ốm. Tôi thấy vui mừng vì con mình cũng biết bảo vệ và yêu thương mẹ theo cách của nó.

Hai năm điều trị bệnh với 8 đợt chuyền hóa chất giờ đây tóc tôi đã mọc lại, tôi thấy kiểu tóc ngắn này cũng khá hợp với khuôn mặt của tôi. Tôi tự tin không phải đội tóc giả mỗi khi đến trường. Tôi sống vui hằng ngày và chưa bao giờ tôi nghĩ đến mình là người có bệnh. Tôi nghĩ cuộc sống có nhiều niềm vui đang cần tôi. Tôi vui vẻ thì mọi người xung quanh tôi cũng vui vẻ. Vậy tôi cứ cười mà bước tiếp thôi.

3. Tôi là Đào Thị Huệ, quê ở Vũ Thư, Thái Bình. Cha mẹ tôi mất đã lâu. Hai người anh trai và em trai tôi cũng không còn. Giờ chỉ còn một cô em gái tên là Hoa.


Tôi phát hiện mình bị u xơ tuyến vú từ năm 2005. Ban đầu là do tôi thấy mình có hạch nên đi bệnh viện kiểm tra. Nghe bác sĩ nói là bị u xơ lành tính, tôi cũng yên tâm mà uống thuốc và đi khám định kỳ theo chỉ định của bệnh viện. Trong một lần khám, bác sĩ bảo sẽ chuyển tôi lên bệnh viện trung ương, vậy mà tôi còn chẳng biết nó ở đâu, chữa bệnh gì.

Nghe tin, em tôi khóc òa lên, bởi chính nó mới biết đó là bệnh viện K, là bệnh viện ung thư, còn tôi lúc ấy chỉ cười. Năm đó chính tuổi đẻ của tôi là 64 tuổi.

Cùng năm đó, tôi phẫu thuật cắt hai bên vú. Được thông báo là không phải truyền hóa chất, chỉ cần phải uống thuốc nội tiết tôi vui vẻ trở về. Được một thời gian, tôi sút cân rồi thấy mình đau nhức, tôi đi khám thì đã biết bệnh di căn vào xương.

Sau đó tôi "chuyển nhà" tới Bệnh viện, tính đến nay đã được hơn hai năm. Tất cả vật dụng cá nhân, quần áo, đồ đạc đều được gói ghém trong mấy thùng giấy để ở đây.


"Ngôi nhà chung" tại Bệnh viện của bà Huệ

Hai năm điều trị ở bệnh viện, cũng nhiều đêm tôi khóc thầm. Nhiều khi tôi đau rời rụng chân tay nhưng tôi luôn cố gắng tự động viên chính mình cho qua những cơn đau. Gặp được những chị em cùng cảnh như mình, tôi luôn cố gắng giúp đỡ, động viên họ. Nhiều chị em nhờ có những câu hỏi của tôi mà đã ổn định được tinh thần để mà chữa bệnh.

Có những người 82, 94 tuổi mà họ vẫn mơ ước sống để chữa bệnh. Thế nên chị em chúng tôi sẽ cố gắng vượt lên chính mình để vượt qua bệnh tật.

Từ ngày vào bệnh viện, tôi thấy viện còn vui hơn ở nhà. Rất nhiều người đều hỏi sao tôi có thể cười vui cả ngày như vậy. Có lẽ chính việc phải vật lộn với tật nguyền từ nhỏ đã giúp tôi tỉnh táo và giữ tinh thần như vậy. Tôi nói: "Phải cười, phải hát để cho qua cơn đau." Tôi vẫn phải sống vì tôi còn một nguyện vọng là đưa được hài cốt liệt sĩ của anh tôi tại TPHCM trở về nhà.

4. Sáng ngày 20/12/2012 (âm lịch), trước khi về quê ăn tết, Hương đi khám bệnh khi bên ngực trái của mình xuất hiện một cục nhỏ. Sau khi làm các xét nghiệm, chụp X-quang kết quả sinh thiết, bác sĩ bảo mình có một khối u ác tính và cho biết mình bị mắc ung thư vú. Thực sự là mình đã ù hết tai không còn nghe được điều gì tiếp theo nữa.

Hương chụp ảnh cùng các em lúc về quê ăn Tết khi đã biết mình bị bệnh ung thư vú

Nước mắt lăn dài và mình khóc nghẹn lên không thể nín được suốt trên dọc đường về nhà. Nhưng tới tối khi gặp gỡ với bạn bè, mình vẫn nở nụ cười sung sướng được. Đây là bức ảnh chụp tối ngày hôm đó, ngày Hương nhận được kết quả mình bị ung thư vú.

Hương soi mình trong gương với kiểu tóc mới

Hương chưa bao giờ để tóc ngắn cả và luôn tự hào về mái tóc dài của mình. Ngày 15/1 (Tết) trước ngày bước vào viện điều trị, Hương đã quyết định đi cắt tóc ngắn. Nhìn những ngọn tóc rơi xuống đất, lòng mình giấy lên một nỗi buồn không thể tưởng tượng nổi khi nghĩ tới cảnh tóc mình cũng sẽ rụng như thế khi truyền thuốc, rụng… rụng hết.

Như thế sẽ không tết tóc được, không cần phải chải đầu nữa. Lòng buồn nhưng mình vẫn tươi cười trò chuyện với anh thợ cắt tóc và còn chụp lại bức ảnh này để không bao giờ quên cái thời khắc và ngày đáng nhớ ấy!

Giờ thì mình đã quen với mái tóc ngắn, vẫn thấy mình giống ngày xưa và cho dù đầu không có tóc Hương vẫn thấy mình rất xinh tươi.

5. Tôi là Nguyễn Thị Ngọc, sinh năm 1965 tại Hải Phòng. Năm 18 tuổi, khi học Đại học năm thứ nhất tôi đã bị tai nạn phải cưa mất một chân. Do bị nhiễm trùng nên chân tôi bị cưa đi cưa lại 4 lần.

Kiểu tóc "ngầu" của chị Ngọc

Bác sĩ bảo không lắp chân giả được vì mòn cụt của tôi quá ngắn. Tôi vẫn quyết tâm đến viện, luyện tập liên tục suốt 4 tháng, máu và nước mắt tuôn theo mỗi bước chân đi nhưng cuối cùng tôi cũng tự đi được trên chiếc chân gỗ.

Ngày 12/5/2008 sau khi khám sức khỏe ở bệnh viện K, tôi nhận được kết quả mình bị ung thư vú độ 2+. Sau đó 10 ngày tôi được chỉ định mổ, tiếp theo là hóa trị, xạ trị suốt thời gian 9 tháng.

Do tác dụng của hóa chất, tóc tôi bắt đầu rụng dần, chỉ còn lơ thơ vài cái. Tôi đã yêu cầu ông xã cạo trọc đầu cho tóc mọc lại sẽ đều hơn. Nhìn thế này trông tôi có vẻ "ngầu" hơn.

Đã 5 năm từ sau lần phát hiện đầu tiên, tế bào ung thư vú giờ đã di căn vào xương khiến xương cốt tôi đau nhức. Để không bị suy sụp về sức khỏe, tôi ép mình phải tuân theo một chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý. Mỗi buổi sáng, tôi cùng ông xã dậy sớm đạp xe quanh hồ Tam Bạc để rèn thể lực. Một tuần tôi đi tập Yoga 3 buổi, còn lại thì tập ở nhà. Yoga cho tôi sức khỏe và sự tĩnh lặng trong tâm hồn.

Thời gian đầu tập các môn thể thao này khá là khó khăn nhưng tôi không cho phép mình lười nhác cũng như không cho phép mình gục ngã. Bạn phải cứu lấy sức khỏe và tự chăm lo cho bản thân trước khi trông chờ vào người khác.


"Tôi bị cụt chân, bị căn bệnh ung thu hiểm ác nhưng bù lại tôi có một người chồng tuyệt vời và là mẹ của hai đứa con ngoan"

Từ sau khi bị cưa chân và bị ung thư vú, tôi trải qua nhiều công việc khác nhau như làm thợ may, học uốn tóc, buôn bán quần áo ở chợ Ga, và bây giờ thì tôi làm ở bộ phận chăm sóc khách hàng của Nokia ở Hải Phòng. Tôi hài lòng với công việc hiện tại và luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt công việc.

Tôi bị cụt chân, bị căn bệnh ung thu hiểm ác nhưng bù lại tôi có một người chồng tuyệt vời và là mẹ của hai đứa con ngoan. Năm năm rồi tôi bị bệnh ung thư nhưng tôi đã sống rất vui vẻ và yêu đời. Cảm ơn anh luôn bên em trong những lúc em bế tắc nhất, cảm ơn tất cả những người thân của tôi. Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi được sống, được làm việc và được yêu thương.

Những bức ảnh ghi lại những giây phút đau đớn nhất nhưng cũng lạc quan nhất và luôn tràn đầy hi vọng của những người phụ nữ đầy nghị lực này. Đó là tiếng nói của người trong cuộc gửi đến cộng đồng với khao khát cháy bỏng, phụ nữ Việt Nam sẽ được phát hiện sớm căn bệnh cũng như sẽ không bao giờ phải trải qua cuộc chiến không cân sức này.

AloBacsi.vn
Theo Thảo Nguyên - Lao Động
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]