Lão nghệ nhân 103 tuổi miền sơn cước

15.5846

Ông Y K’rang sinh năm 1909, người dân tộc M’nông, có thể thổi và chế tác hàng chục loại nhạc cụ khác nhau của Tây Nguyên như kèn bầu (Mboát), Rlẹt, M’bló, Ting, Nung, Wao Kleng…

Ông Y K'rang sống tại buôn Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đăk Nông. Căn nhà gỗ xộc xệch đang xuống cấp với những mảnh ván chắp vá, tấm tre ghép lại với nhau, đủ để nằm ngủ và nơi nhóm lửa sưởi ấm, đun nước, nấu cơm… Những đồ dùng hàng ngày được treo khá lộn xộn, riêng những nhạc cụ gói rất kỹ trong túi vải màu đen. Còn loại nhạc cụ Mboát có kích cỡ to nên ông phải dùng vải để cuốn lại cho khỏi dính bụi.

Nghệ nhân Y K'rang biểu diễn kèn bầu. Ảnh: Tây Nguyên.

Ở tuổi 103, giọng nói nghệ nhân Y K'rang vẫn còn khỏe, đặc biệt khá sành sỏi tiếng Việt mà nhiều người cỡ tuổi như ông rất hiếm người biết. Ông nói: “Tôi có cái duyên, đến với nhạc cụ từ rất nhỏ. Ngẫu nhiên học được từ người dân tộc Mạ ở Lâm Đồng, tôi đã say mê tìm tòi các loại nhạc cụ cho đến bây giờ".

Ông cụ cũng nói rằng nhờ thừa hưởng năng khiếu của ông bà xưa, ông đã biến những bài hát, dân ca, bài chiêng cổ thành âm nhạc, thổi cho vui nhà vui cửa, hay giúp vui trong các lễ hội của buôn làng…

Hiện ông sở hữu trên 10 loại nhạc cụ khác nhau như kèn, chiêng, sáo, kèn bầu… Trong các lễ hội văn hóa của địa phương, ông chinh phục những người nghe bằng tài sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc và chế tác nó.

Ông cụ 103 tuổi với chiếc kèn tự chế tác. Ảnh: Tây Nguyên.

Theo đánh giá của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Đăk Nông, hiện nay ông Y K'rang được xem là “bảo tàng sống” về nhạc cụ dân tộc. Ông sử dụng những vật dụng tự nhiên như thanh tre, ống nứa, trái bầu, sừng trâu… làm thành nhạc cụ. Trong đó Mboát có cấu tạo phức tạp nhất, là một loại đàn bầu 6 ống bằng ống tre nứa gắn với trái bầu. Hoặc kèn làm từ sừng trâu, sáo dây, sáo ống… rất đơn giản.

Tuổi gần đất xa trời, ông lão lo lắng về nỗi không có người kế tục. “Hiện nay hầu như không có ai có thể thổi nhiều loại nhạc cụ như tôi. Lớp trẻ bây giờ, hiểu các bài ca, điệu múa đã khó huống chi nói đến chuyện biểu diễn cho người ta nghe", ông nói và giải thích thêm: "Nếu muốn biểu diễn thì phải hiểu, thuộc các bài chiêng, các bài hát dân ca dân tộc. Còn bây giờ hiện đại rồi, nhạc cụ dân tộc mất dần…”. 

Tây Nguyên

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]