Cây bách bệnh: Thần dược miền sơn cước?

(SKGĐ) Bất chấp cái nắng cháy da của vùng đất gió Lào, những ngày này nhiều người dân thuộc thị xã miền núi Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh vẫn tay xẻng kéo nhau lên núi tìm đào cây bách bệnh, loại cây đang được xem là “thần dược” nơi đây.

15.5696
 

Một cây trị trăm bệnh?

Thời gian gần đây, người dân ở Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh rộ lên tin đồn về cây bách bệnh, hay còn gọi là cây mật gấu, mật nhân, được cho là có thể trị được nhiều loại bệnh như bệnh gan, bệnh xương khớp, tiêu hóa… và còn là loại thần dược̣c “ông uống bà khen”.

Để tìm hiểu sự tình, chúng tôi đã ngược về nơi được cho là nguồn gốc của tin đồn - Phường Đức Thuận, Thị xã Hồng Lĩnh. Sau một lúc hỏi han chúng tôi mới tìm được nhà anh Thành, một trong những người đầu tiên của thị xã miền núi này đi đào cây mật nhân về bán. Anh cho biết: “Trước đây tôi cũng chưa từng nghe nói đến cây này. Nhưng tháng trước ông Hợi, hàng xóm sang nói chuyện và chỉ cho biết cây này, rồi nhờ đi đào về, ông mua lại cho.

Nghe tên lạ nhưng sau khi được xem ảnh thì tôi nhớ ra là hồi nhỏ đi trâu trên núi tôi nhìn thấy nó suốt nên nhận lời. Lúc đầu giá mỗi cân chỉ vài ba chục. Sau đó, nhiều người biết tác dụng của cây nên giá tăng vùn vụt, 100.000 đồng/kg rồi lên 200.000 đ/kg thậm chí có thời điểm tăng lên 500.000 đồng/kg, nhưng giờ thì ít người mua nên lại rớt giá còn 50.000 đồng/kg”.

Lý giải lý cho sự giá giảm nhanh đến “chóng mặt” anh cho rằng: “Do mới chỉ người dân Hồng Lĩnh và một số người sành thuốc quý biết nên bị ép giá chứ nếu có nhiều người ở vùng khác biết mà tìm mua thì giá lại tăng vùn vụt. Với một phần nữa là người dân đi đào nhiều quá…”.

Đang trò chuyện thì bà Vui nhà đối diện cũng là một trong những “đầu nậu” lớn chuyên buôn cây bách bệnh xen vào: “Giờ chú mua thì rẻ rồi chứ trước đây một cân rễ cây bách bệnh lúc cao điểm có giá 300- 500.000/đ mà không có bán. Có những lúc, khách Hà Nội về nằm chờ cả tuần cũng chỉ mua được vài chục cân.

Cây này là loại thảo dược quý, chữa được nhiều bệnh lắm, từ xương khớp đến tăng cường sinh lực cho nam giới, muộn con đều chữa được, bên Nga, Malaysia có giá 3-4 triệu đồng/kg. Chú muốn mua thì phải chờ xem chiều nay người ta đi về có đào được hay không còn nếu không chờ được thì để lại số điện thoại hôm sau có tôi gọi ra mà mua”.

Thấy tôi có vẻ nghi ngờ bà này liền chạy về nhà và đưa ra tờ giấy về những thông sưu tầm được ở trên mạng. Theo đó, cây bách bệnh hay còn gọi là cây mật nhân tiếng Lào là Thô Than, tiếng Campuchia là An To gung sar, còn tên khoa học là Euy Coma thuộc họ Thanh thất, cây gỗ mềm, mọc thắng đứng, chiều cao 2-3m, vỏ và thân màu vàng ngà, cành lá kép hình lông chim, có lông ở mặt dưới lá. Cây chỉ có trong tự nhiên, phân bố ở vùng núi miền Trung, Việt Nam và một số vùng ở Malaysia và Indonesia.

Tất cả các bộ phận của cây đều được dùng để chữa bệnh, nó có thể chữa một số bệnh như: rối loạn tiêu hóa, đau lưng, đau xương khớp, viêm gan do virus, tiểu đường, suy giảm sinh lý nam giới, muộn con, ngăn ngừa khối u, phòng lão hóa… Bà Vui cho biết: “Cách dùng khá đơn giản. Lá và vỏ phơi khô, tán thành bột, làm viên bằng hạt đậu xanh, ngày uống 4-6 g chia làm 2 lần, nấu nước uống hoặc ngâm rượu (tỷ lệ 200 g ngâm với 1 lít rượu, ngâm trong 7 ngày). Chỉ cần chú ý sử dụng đúng liều và không nên uống khi đói”.

Chỉ là “nghe nói…”

Để kiểm tra thông tin chúng tôi vào một trang tìm kiếm, khi gõ “cây bách bệnh” hay “cây bá bệnh” thì chỉ 0.14 giây đã cho ra 4.480.000 kết quả về cây này. Tuy nhiên, gần như chỉ là thông tin truyền nhau chứ tuyệt không thấy cơ quản chuyên môn nào có trách nhiệm lên tiếng về tác dụng cũng như cách dùng loại cây này.

Nhiều người dân nơi đây còn cho biết, sau khi nhiều người ở phường Đức Thuận biết được tác dụng của cây này, tin đồn lan ra các phường khác, người người nô nức kéo nhau lên rừng tìm thảo dược thần kỳ này. Một cán bộ Phường Đậu Liêu cho hay: “Cách đây hai tháng, thấy người ta khảo nhau là cây mật nhân này chữa được bách bệnh nên nhiều người ở phường cũng tay cuốc, tay xẻng kéo nhau đi đào. Có nhiều người đào được cả tạ một ngày nhưng cũng có người về tay không. Chúng tôi cũng chưa nghe cơ quan chuyên môn nào nói về tác dụng của loại cây này nhưng nghe nhiều người đã dùng bảo chữa được nên tôi cũng mua 1kg về nhà ngâm rượu uống. Rượu ngâm mật nhân có vị rất đắng, uống vào lưỡi gần như không còn cảm giác nhưng có nhiều người bây giờ đi đâu cũng cầm theo loại rượu này và chỉ uống rượu ngâmm cây mật nhân không uống loại khác”.

Tác dụng của cây mật nhân này chưa biết đến đâu nhưng hiện nay có khá nhiều người đã mua và ngâm theo công thức trên. Nhiều người cho biết khi đi đào loại cây này tuy có vất vả nhưng với những người quen địa hình lại có cách đào nên mỗi ngày cũng đào được vài chục kg đem về bán.

Không phải là viagara như lời đồn

Có nhiều lời đồn thổi quanh tác dụng của cây này nhưng tiếp xúc với hầu hết cánh mày râu của địa phương này đều nhận được những câu khuyến khích như: loại này uống vào thì sung lắm, chả khác dùng viagara. Tuy vậy, khi tra trong sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” do GS.TS. Đỗ Tất Lợi biên soạn được Nhà xuất bản Y học phát hành năm 2003, trang 412 thì được biết: “Như tên gọi của cây, đây là vị thuốc chữa được rất nhiều bệnh (bách là trăm). Vỏ dùng chữa để chữa bệnh ăn uống không tiêu, đau mỏi lưng. Quả dùng chữa lỵ, tại Campuchia người ta dùng để chữa ngộ độc và say rượu, trị gan. Vỏ phơi khô tán bột, ngâm rượu hay làm thành viên uống, ngày uống 4-6g. Lá dùng chữa ghẻ, lở ngứa”. Trong sách không hề nói đến tác dụng tăng hưng phấn trong chuyện chăn gối hay điều trị yếu sinh lý.

Trao đổi thêm với BS.CKII. Dương Đăng Hiền - Giám đốc Bệnh viện Đông Y Hà Tĩnh, ông cho biết: “Có thể khẳng định đây là cây thuốc quý của Việt Nam nhưng hiện bệnh viện chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về tác dụng của cây này. Trong danh mục những cây thuốc dùng để chữa bệnh cho bệnh nhân thì bệnh viện cũng chưa đưa cây này vào làm thuốc chữa bệnh. Đây là loại cây dùng nhiều ở Lào, cây này ngâm rượu thì có rượu có màu xanh giống như mật, vị đắng, tính hàn. Cây mọc ở rừng thưa, dưới tán cây lớn, toàn bộ cây từ rễ, thân, lá, vỏ đều dùng để chữa bệnh. Tác dụng chữa đại tràng và một số bệnh thông thường như xương khớp, đau lưng là có thật; còn việc nó có chữa được bệnh gan hay có tác dụng kích thích trong chuyện chăn gối thì chưa có tài liệu khoa học nào nghiên cứu. Người dân không nên dùng bừa bãi vì có thể có tác dụng phụ”.

Dù vậy, BS. Dương Đăng Hiền vẫn khẳng định: “Đây là một vị thuốc quý, sau này có thể dùng để chiết xuất làm thành viên nang để trị thêm nhiều bệnh khác. Hiện cây mật nhân chỉ mới có trong tự nhiên và với tình trạng khai thác bừa bãi như hiện nay thì rất dễ bị cạn kiệt, thậm chí tuyệt chủng. Vì vậy cần sự quản lý từ cơ quan chức năng và hình thành các dự án trồng và bảo tồn loại cây này”.

Lưu Thành

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]