Lão nghệ nhân với độc chiêu nghề “đậu”

Ở tuổi thất thập cổ lai hy, lão nghệ nhân Dân gian Trần Hữu Nhơn ở thành phố Huế đang là người sở hữu ngón nghề "đậu" của thợ kim hoàn mà có lẽ ở Việt Nam không ai làm được.

15.6019

Với đôi tay tài hoa của mình, ông Nhơn là người đạt được nhiều thành công trong nghề. Giờ đây, khi ở tuổi xế chiều, ông vẫn cặm cụi với công việc để tạo ra những tác phẩm mà theo cách lý giải của ông "làm để cho con cháu đời sau". Trong sâu thẳm đôi mắt của ông là những trăn trở về nghề bởi nghề "đậu" bây giờ không có truyền nhân.

Nghệ nhân Trần hữu Nhơn bên bức tranh chữ Hán do chính tay ông làm

Nghề độc

Trong căn nhà mang phong cách kiến trúc kiểu Tây tại số 58 Đào Duy Anh - TP Huế, ông Nhơn có đầy đủ bộ sưu tập Bằng chứng nhận sản phẩm thủ công tiêu biểu quốc gia, Giấy chứng nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, Danh hiệu nghệ nhân Thừa Thiên Huế… ông còn là tộc trưởng tộc kim hoàn Huế do các nghệ nhân kim hoàn bầu.

Thợ làm kim hoàn được chia làm ba dạng khác nhau: Trơn, chạm và đậu. "Trơn" là dạng tạo hình có tính chất cơ bản mà người thợ kim hoàn nào cũng phải trải qua và làm được. "Chạm" là dạng dùng một vật nhọn để khắc vẽ lên sản phẩm. "Đậu" là kỹ thuật dùng vàng bạc kéo thành chỉ để tạo hình tác phẩm. Ông Nhơn đã chọn nghề "đậu" để đeo đuổi.

Ông Nhơn cho biết: Bố tôi mất lúc tôi lên bốn tuổi, mẹ tôi đã gửi tôi sang nhà ông ngoại, ở đó tôi được học nghề từ người cậu ruột - một chủ xưởng bạc ở làng Minh Hương (xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, Thừa Thiên-Huế). Và ông bắt đầu nghề từ đó.

Học nghề từ người cậu là Hoàng Tấn Ích được hơn bốn năm, ông Nhơn quyết định lên thành phố học hỏi thêm để mở mang kiến thức và nâng cao tay nghề. Ông xin làm tại tiệm vàng Vĩnh Mậu, một trong những tiệm vàng có tiếng và tập trung thợ giỏi nhất ở Huế lúc bấy giờ.

Sau khi tay nghề đã cứng, ông xin chủ ra làm riêng và mở cửa hàng kinh doanh vàng bạc mang tên Vĩnh Long.

Ông cho biết, "hơn 60 năm làm nghề, ông có hàng trăm tác phẩm tinh xảo được nhiều người đón nhận và đánh giá cao. Nhưng với ông, tác phẩm tượng Phật Bà Quan âm và Chùa một cột là hai tác phẩm mà ông tâm đắc nhất". Trong đó tác phẩm tượng Phật Bà Quan âm giành giải Nhì trong Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam, do Bộ Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức vào năm 2008.

Riêng tác phẩm Chùa một cột ông Nhơn cảm thấy buồn và rất tiếc. Đây là tác phẩm được mời tham gia triển lãm trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Khi làm nó tôi có cảm hứng mạnh mẽ, tấm lòng tôi hướng cả về Thủ đô mến yêu, tự hào về dân tộc trường tồn, thịnh vượng. Nhưng do tuổi đã cao nên ông không thể hoàn thành để triển lãm vào đúng dịp Đại lễ.

Có nhiều người từ nhiều nơi đến xem bức tranh tượng Phật Quan âm và ngỏ ý mua với giá hàng chục ngàn đô la nhưng tôi đã từ chối, đơn giản bởi vì tôi đã mất hàng tháng trời làm bằng thủ công mới hoàn thành được bức tranh đó. Không những thế nó là "đứa con tinh thần" đã mang lại cho tôi niềm vui và sự may mắn nhiều năm mà tiền bạc không thể mua được - ông Nhơn cho biết.

Và nỗi lo thất truyền

Ông Nhơn trăn trở: Nghề "đậu" đang đứng trước nguy cơ thất truyền, không chỉ riêng ở Huế mà cả toàn quốc, bởi ngoài ông ra giờ chẳng còn ai làm được. Ngay cả hai người con trai của ông là anh Trần Quang Tuấn và Trần Quang Minh đang nối nghiệp ông làm nghề kim hoàn nhưng ngón nghề thợ "đậu" tuyệt kỹ của cha, các anh vẫn chưa nắm bắt hết được.

Ông khẳng định, nghề kim hoàn truyền thống không có nhiều lý thuyết hay bí quyết gia truyền như nhiều nghề khác.

Mới đây, anh Trần Quang Tuấn, người con trai thứ bảy của ông Nhơn đã hoàn thành bức tranh "Bồ Đề Đạt Ma", làm bằng chỉ bạc tạo hình rất ấn tượng. Nhưng theo ông Nhơn kỹ thuật để làm ra tác phẩm này của anh Tuấn còn cậy nhiều vào cha. "Tuy nhiên đây là tín hiệu tốt để nó có thể thay tôi "nối dài" tuổi thọ nghề "đậu" - ông Nhơn nói giọng phấn khởi.

Cả đời ông gắn bó với nghề kim hoàn đã làm biết bao tác phẩm về các di tích lịch sử hay danh lam thắng cảnh của các địa phương khác nhưng chưa có tác phẩm nào nói về quê hương mà mình sinh ra. "Chính vì vậy tới đây, tôi sẽ tiếp tục thực hiện tác phẩm chùa Thiên Mụ như để cảm ơn mảnh đất kinh kỳ này đã đưa tôi đến với nghề" - ông Nhơn nói.

Ngọc Thụ - Việt Vĩ

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]