Lẩu nấm gà không chỉ ngon miệng

0

Thịt gà trống tuy bổ nhưng là thực phẩm dễ “động phong” nên những người tăng huyết áp, hội chứng mãn kinh, phong thấp… không nên dùng

 

Lẩu nấm gà với nguyên liệu chủ yếu là thịt gà và một số loại nấm sẵn có là món ăn bổ dưỡng cho nhiều người. Món này còn có tác dụng phòng và trị một số bệnh như suy dinh dưỡng, còi xương, thiếu máu, tăng huyết áp, tim mạch…

Hay đau đầu: Nên ăn gà mái

Vì sao lại khẳng định lẩu nấm gà bổ dưỡng và có nhiều tác dụng phòng, trị bệnh? Vì theo các nhà dinh dưỡng học, ngoài những chất albumin, chất béo, thịt gà còn có các vitamin A, B1, B2, C, E, calci, phốt pho, sắt… cung cấp nhu cầu dinh dưỡng, các nguyên tố vi lượng và các acid amin thiết yếu cho sự phát triển, giúp cơ thể con người dễ hấp thu và tiêu hóa tốt hơn. Thịt gà cũng rất tốt cho não bộ và còn có tác dụng làm giảm stress.

Lẩu nấm gà được nhiều gia đình ưa chuộng. Ảnh: HỒNG THÚY
Hàm lượng protein và phức hợp của amino acid trong thịt gà có ảnh hưởng tích cực đến não bộ, làm phấn chấn tinh thần, giảm sự lo lắng, cải thiện huyết áp và nhịp tim, tăng cường trí nhớ… Theo bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam, cứ trong 100 g thịt gà ta có chứa 199 Kcl; 20,3 g protein; 13,1 g chất béo… Theo sách Nam dược thần hiệu, thịt gà mái có tác dụng chữa băng huyết, xích bạch đới, lỵ, ung nhọt, là thực phẩm bổ âm cho tì vị; bổ khí, huyết…

Tuy nhiên, cần chú ý thịt gà trống tuy bổ dưỡng nhưng là thực phẩm dễ “động phong” nên những người âm hư hỏa vượng (như tăng huyết áp, hội chứng mãn kinh, đau đầu, các bệnh liên quan đến phong nhiệt…), phong thấp… không nên dùng mà thay vào đó là dùng thịt gà mái.

Nấm ngăn ngừa xơ vữa động mạch

Hiện trên thị trường có rất nhiều loại nấm có giá trị dinh dưỡng cao nhưng khi chế biến món lẩu nấm gà, chúng ta chủ yếu dùng ba loại nấm chính là nấm rơm, nấm hương và kim châm. Từ lâu, những loại nấm này đã được các nhà dinh dưỡng quan tâm, phân tích và đánh giá bởi chúng có giá trị dinh dưỡng cao hơn những loại rau quả thông thường. Hàm lượng protein trong các loại nấm này rất cao, cứ 100 g nấm tươi có chứa khoảng 50% vitamin và chất khoáng, vitamin B2, B12, magie, calci…

Đặc biệt, nấm có chứa một số acid amin mà tự cơ thể không thể tổng hợp được. Lượng đạm của nấm chỉ đứng sau thịt và sữa, cao hơn hẳn các loại rau cải, ngũ cốc. Trong nấm chứa lượng chất xơ cao, có tác dụng làm giảm sự hấp thu chất béo, ngăn ngừa quá trình xơ vữa động mạch nên có ích cho các bệnh nhân tim mạch như tăng huyết áp, đau thắt ngực (do thiếu máu cơ tim), rối loạn lipid máu…

Những loại nấm nói trên đều có vị ngọt, tính mát, tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch cơ thể, ngừa sỏi mật, giảm cholesterol trong máu, ức chế tế bào gây ung thư và kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa, là thực phẩm lý tưởng đối với bệnh nhân thiếu máu do thiếu chất sắt, tiểu đường và trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng.

Ergosterol trong nấm hương rất tốt

Các nhà khoa học đã chứng minh chất ergosterol có trong nấm hương dưới tác dụng của tia cực tím trong ánh nắng mặt trời sẽ chuyển hóa thành vitamin D2, giúp cơ thể đề phòng và chữa bệnh còi xương rất hiệu quả. Ngoài ra, acid amin và chất lysine trong nấm hương có công dụng cải thiện chiều cao và trí tuệ của trẻ nhỏ. Vì thế, đây là một thực phẩm có tác dụng phòng ngừa các bệnh ung thư – “sát thủ” giấu mặt trong căn bệnh gây tử vong cao ở con người.

 

Lương y CHU VĂN TIẾN (Hà Nội)

15.6284--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]