Liên cầu nhóm B hiểm họa của trẻ em và phụ nữ

Theo phân loại của Lancefield, liên cầu nhóm B là nguyên nhân gây ra hầu hết các bệnh nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não ở trẻ sơ sinh,

15.6107

là nguyên nhân gây sốt gần thời gian sinh nởphụ nữ mang thai và những bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng ở phụ nữ.

Bệnh ở trẻ sơ sinh

Liên cầu nhóm B gây nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh với hai dạng theo tuổi của bệnh nhân như sau:

- Nhiễm khuẩn sớm, vào tuần đầu tiên, trung bình là 20 giờ sau khi ra đời phát bệnh. Trẻ bị bệnh do vi khuẩn xâm nhập qua đường sinh dục của người mẹ. Nhiều nghiên cứu cho thấy có 5 - 40% phụ nữ mang mầm bệnh liên cầu nhóm B ở âm đạo hay trực tràng. Khoảng 50% số trẻ sơ sinh nhiễm khuẩn từ âm đạo của mẹ, nhưng chỉ 1 - 2% số này có biểu hiện lâm sàng của bệnh. Những yếu tố nguy cơ của bệnh là sinh thiếu tháng, mẹ lao động kéo dài, biến chứng sản khoa, sốt ở người mẹ... Biểu hiện của bệnh gồm: giai đoạn sớm là những triệu chứng nhiễm khuẩn huyết, nguy kịch hô hấp, ngủ lịm và hạ huyết áp. Thực tế tất cả trẻ có bệnh nhiễm khuẩn khởi phát sớm đều có vi khuẩn huyết, 30%- 50% bị viêm phổi và/hoặc có hội chứng nguy kịch hô hấp, khoảng 50% bị viêm màng não.

     
 Liên cầu nhóm B loài agalactiae.
- Nhiễm khuẩn khởi phát muộn xảy ra ở khoảng từ 1 tuần - 3 tháng tuổi, tuổi trung bình của bệnh nhân là 3 - 4 tuần. Bệnh có thể được lây trong quá trình sinh nở như trong nhiễm khuẩn khởi phát sớm, hay trong quá trình tiếp xúc với nguồn lây từ mẹ, nhân viên nhà trẻ hay nguồn lây khác. Viêm màng não thường gặp ở giai đoạn muộn và hầu hết các trường hợp có liên quan đến loại có vỏ bọc týp III. Biểu hiện bệnh gồm: trẻ có dấu hiệu sốt, ngủ lịm hay ngược lại dễ bị kích thích, kém ăn và động kinh. Có khi có vãng khuẩn huyết, viêm xương tủy, viêm khớp và viêm tế bào vùng mặt kết hợp với viêm hạch hoặc ống tuyến dưới hàm hay trước tiểu nhĩ.

Điều trị

Để điều trị hiệu quả các bệnh nhiễm khuẩn do liên cầu B gây ra nên sử dụng penicillin là tốt nhất. Khi cần điều trị phổ rộng đối với trường hợp nhiễm khuẩn huyết nghi ngờ do vi khuẩn thì nên dùng ampicillin phối hợp với gentamicin, nhưng tốt nhất là sử dụng kháng sinh theo kháng sinh đồ. Nếu những mẫu nuôi cấy có liên cầu nhóm B, nên tiếp tục dùng gentamicin cùng ampicillin hay penicillin trong một thời gian cho đến khi triệu chứng lâm sàng được cải thiện rõ. Trẻ bị nhiễm khuẩn huyết hay nhiễm khuẩn mô mềm nên cho penicillin với liều 200.000 đơn vị/kg mỗi ngày chia làm nhiều lần; những trẻ bị viêm màng não nên dùng 400.000 đơn vị/kg mỗi ngày, tối thiểu 14 ngày vì sẽ có nguy cơ tái phát nếu điều trị thời gian ngắn hơn.

Phòng bệnh

Vì nguồn lây thông thường của vi khuẩn qua trẻ là đường âm đạo của mẹ, nên cần phải chống nhiễm khuẩn liên cầu nhóm B bằng cách điều trị cho mẹ. Việc cho sản phụ dùng ampicillin hay penicillin để phòng bệnh trong lúc sinh nở đã làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh. Chỉ nên điều trị cho những phụ nữ bị nhiễm khuẩn được khám và phát hiện bệnh.

Nhiễm khuẩn ở phụ nữ và người lớn

Hầu hết những trường hợp nhiễm liên cầu nhóm B ở người trưởng thành có liên quan đến sự mang thai và quá trình sinh nở, trong đó sốt gần thời gian sinh nở là biểu hiện thường gặp nhất. Nhiều trường hợp là dấu hiệu của viêm nội mạc tử cung hay viêm màng ối với triệu chứng căng phồng bụng và tử cung hoặc nhạy cảm đau ở phần phụ hai bên. Cấy máu cũng như nuôi cấy từ dịch tiết âm đạo thường dương tính. Một số ca nhiễm vi khuẩn huyết có tính chất tạm thời nhưng có khi lại gây viêm màng não hay viêm màng trong tim. Nhiễm khuẩn ở người trưởng thành không liên quan đến phụ nữ sinh nở bao gồm một số đối tượng: người cao tuổi, người có những bệnh mạn tính như đái tháo đường hay bệnh ác tính. Những bệnh nhiễm khuẩn hay gặp ở người trưởng thành là viêm tế bào và nhiễm khuẩn mô mềm như loét da nhiễm khuẩn do đái tháo đường, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm phổi, viêm màng trong tim, viêm khớp, viêm màng não, áp xe trong ổ bụng hay vùng chậu, viêm xương tủy...

Điều trị

Muốn chữa trị hiệu quả đối với liên cầu nhóm B nên sử dụng penicillin liều cao sẽ có kết quả tốt. Những trường hợp nhiễm khuẩn cục bộ nghiêm trọng như các bệnh viêm phổi, viêm bể thận, áp xe... cần cho liều cao trong khoảng từ 12 triệu đơn vị penicillin G trở lên mỗi ngày. Đối với những bệnh nhân bị viêm màng trong tim hay viêm màng não nên sử dụng liều từ 18-24 triệu đơn vị mỗi ngày chia làm nhiều lần. Nếu bệnh nhân bị dị ứng với penicillin có thể sử dụng vancomycin để điều trị thay thế.

BS. Tống Thị Hiền Trang

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]