Phụ nữ nào cũng có thể tự tầm soát ung thư vú - Ảnh: Shutterstock
 
Căn bệnh này không chỉ là nỗi lo của phụ nữ lớn tuổi mà đã tấn công sang cả phụ nữ trẻ. Tuy nhiên, chỉ 15% số người mắc bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm. Trong khi đó, đây là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa.

Ngày càng trẻ hóa

Qua khảo sát của các bác sĩ bệnh viện K, phụ nữ trẻ mắc UTV thường được phát hiện muộn nên khả năng sống thấp hơn đối với bệnh nhân lớn tuổi và nguy cơ tái phát cao gấp 1,8 lần nhóm bệnh nhân trên 35 tuổi. Nhiều trường hợp bệnh nhân đã có sẵn mầm bệnh nhưng chủ quan, không đi khám theo hướng dẫn của bác sĩ nên bệnh diễn biến nặng, khó điều trị.

Trường hợp của chị Cao Thị D. (48 tuổi) ở Tiền Hải, Thái Bình là một ví dụ. Cuối năm 2008, chị D. thấy một cục u cồm cộm bên vú trái của mình. Chị đến bệnh viện tỉnh khám và được các bác sĩ mổ tách u xơ. Sau khi phẫu thuật, chị được bác sĩ dặn 3 tháng sau đến khám lại. Thế nhưng vì chủ quan, vì sợ tốn tiền, chị không đi khám lại theo đúng hẹn. Đầu năm nay, thấy bên ngực đã mổ của mình có cục cứng to hơn trước phẫu thuật, chị mới đi khám thì được biết đã bị UTV và phải chuyển lên bệnh viện K phẫu thuật.

Chị Vi Thị M. (35 tuổi, Quỳ Châu, Nghệ An) thì lại trong tình trạng khác. Chị phát hiện mình bị u xơ vú và mổ ở bệnh viện Nghệ An năm 2008. Sau mổ một năm bệnh tái phát, chị được bệnh viện tỉnh kê đơn thuốc uống. Nhưng nhà nông, tiền ăn chưa đủ, nên nhiều lúc chồng mua thuốc về chị…để dành đến khi nào đau thì mới uống. Sau gần 2 năm khối u trong ngực ngày càng to hơn, đau nhức. Cố mãi, đến lúc không chịu được, đầu tháng ba, chị ra viện K khám. Chị sốc nặng khi bác sĩ kết luận bị UTV và phải phẫu thuật cắt bỏ tế bào ung thư ngay. “Bác sĩ nói tôi đến viện muộn quá, nên thời gian điều trị khoảng 6 tháng, mà chẳng biết có khỏi hay không?”- chị nói với đôi mắt  nhìn xa xăm, đượm nét buồn.

Nhịn ăn, đắp thuốc nam… khỏi u?

GS.TS Nguyễn Bá Đức (Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư, Giám đốc bệnh viện K) khuyến cáo: Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp, khả năng chữa khỏi lên tới 70-73%. Tuy nhiên rất nhiều chị em chưa ý thức được điều này và cũng không quan tâm đến việc tự "khám" cho mình.

GS Đức lưu ý: Ung thư nói chung và UTV nói riêng chưa chữa được bằng đông y. Rất nhiều bệnh nhân đến viện dùng lá đắp làm vỡ những khối u, máu be bét khiến tình trạng trở nên phức tạp hơn. Vì thế, bệnh nhân UTV nếu được phát hiện sớm cần đến bệnh viện để phẫu thuật lấy khối u ra sớm, hoặc xạ trị. Thậm chí còn rất nhiều người mắc ung thư vú hiểu sai về chế độ dinh dưỡng. Họ nhịn ăn vì sợ ăn nhiều đạm sẽ làm khối u phát triển nhanh, chỉ uống nước lọc, ăn gạo lức. GS Đức ví von, tế bào ung thư như cây tầm gửi, nếu người bệnh nhịn ăn thì chính họ giết chết họ trước khi được chữa khỏi bệnh.

Những phụ nữ có yếu tố nội tiết nghĩa là đã có chị hoặc mẹ bị ung thư vú thì nguy cơ mắc ung thư cao gấp 10 lần người khác. Ngoài ra, những phụ nữ 35 - 50 tuổi chưa bao giờ sinh đẻ, phụ nữ có con đầu lòng sau 30 tuổi, người có chế độ ăn nhiều mỡ động vật uống nhiều rượu hút thuốc lá và béo phì cũng dễ bị UTV. Để phát hiện u cục, cần giơ hai tay lên cao và quan sát kỹ. Cách tốt nhất là nằm ngửa rồi dùng các ngón tay trái, duỗi thẳng áp sát vào xương sườn xoay vòng từ ngoài vào trong nhằm phát hiện các mảng dày bất thường hoặc u, cục ở vú trái và đổi sang tay phải làm tương tự như vậy đối với phía bên kia. Cạnh đó, cần thường xuyên để ý đến dấu hiệu tiết dịch lỏng ở núm vú. Khi xuất hiện bất thường, nên đến bệnh viện ngay.

Ths.Bs Nguyễn Diệu Linh
(Chủ nhiệm CLB bệnh nhân UTV, Bệnh viện K)

Châu Anh


Video đang được xem nhiều