MC Anh Tuấn thích sự khác biệt

"SV 96 là kỷ niệm đáng nhớ của tôi. Đến bây giờ tôi vẫn mê làm những chương trình cho sinh viên. Niềm đam mê ấy cũng ngấm vào trong máu rồi. Kể cả không còn trẻ nữa tôi vẫn thích sống trong không khí sinh viên", MC Anh Tuấn tâm sự.

15.6004

- Dân nhạc "xịn" với 15 năm học ở Nhạc viện Hà Nội, lại là con nhà "tông", xin hỏi, với anh đó là thương hiệu cá nhân hay là áp lực tâm lý?

- Những điều đó rất quý giá với tôi. Nhưng chỉ nói lên một điều: Hãy đừng bao giờ hài lòng với những gì mình có mà phải nhìn về phía trước.

- Nghe thì đơn giản, nhưng thực hiện chắc chắn cũng rất gian nan?

- Đúng vậy. Khó như đi tìm một cái riêng.

- Người ta đang gọi anh là người đàn ông may mắn nhất Việt Nam, anh nghĩ sao?

- Đấy là câu mọi người trêu tôi sau khi tôi dẫn chương trình thi Hoa hậu về. Nhất là khi trả lời phỏng vấn tôi có kể về những lần bị các người đẹp té nước hay lần dạy họ... bơi.

- Anh có ấn tượng đặc biệt gì với Mai Phương Thúy?

- Tôi thích vẻ đẹp hiện đại của Thúy. Nhưng trông cô ấy cũng rất lạ. Có lẽ vì cao quá: 1m79, lại thêm đôi giày cỡ khoảng 10cm.

MC Anh Tuấn. Ảnh: Thể Thao Văn Hóa & Đàn Ông.

- Được chọn dẫn chương trình trong một cuộc thi lớn như vậy anh có những áp lực gì?

- Áp lực thì không. Còn hồi hộp thì có. Nhưng tôi là người tự tin mà. Đó cũng là một thế mạnh của tôi.

- Có bao giờ anh buồn vì: "Thấy không em tất cả đã qua rồi. Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ"?

- Có chứ. Đó là lúc tôi nhớ về tuổi thơ mình. Tuổi thơ vẫn trở đi trở lại trong giấc mơ của tôi. Tôi là con một, trong một gia đình Hà Nội gốc. Lúc bấy giờ nhà tôi ở trên đường Hàng Cân. Ngày bé, bố mẹ đi làm hết, tôi chỉ có bà nội ở bên cạnh. Quanh quẩn với bà và những trò nghịch ngợm. Ngày đó, từ gầm cầu thang cho tới ô cửa nhỏ, nhiều khi chỉ với một sợi dây hoặc một cái que cũng đủ cho tôi bày mọi trò...

- Là con trai giáo sư - tiến sĩ Vũ Hướng nguyên phó giám đốc Nhạc viện Hà Nội, ngày bé anh được rèn giũa như thế nào?

- 5 tuổi, tôi đã tập đàn piano. 7 tuổi, thi đỗ vào trường nhạc. Có thể coi là một thằng bé nghịch ngợm như tôi ngày đó quả là một áp lực nặng nề. Ngày đó, tôi học cả hai trường: Một buổi học văn hóa ở trường Trưng Vương, một buổi học ở Nhạc viện. Nhưng mà tôi vẫn có thời gian để nghịch như thường.

- Hình ảnh người cha nổi tiếng có ảnh hưởng gì đến anh sau này?

- Ông là một người rất đặc biệt. Chính ông dạy tôi sự chân thật và tấm lòng ngay thẳng. Ông là một người thày rất yêu nghề, nghiêm khắc nhưng rất yêu thương học sinh, sinh viên.

- Có thể coi anh vừa có duyên, vừa có nợ với âm nhạc, anh nghĩ sao?

- 15 năm tôi học ở Nhạc viện. Tôi học violoncelle. Sau khi học đại học, tôi được tuyển thẳng vào cao học. Nếu để chia duyên nợ ấy là những cái mốc thì có lẽ năm 1997 là cột mốc quan trọng nhất. Tôi vào truyền hình và thi vào trường Ngoại thương. Học hai năm rồi đành phải bỏ. Và tôi bắt đầu chơi thêm nhạc jazz. Năm 2000 thì tôi dành được học bổng của trường nhạc Berklee thuộc thành phố Boston (Mỹ).

- Điều gì khiến anh nhớ nhất trong những ngày khổ luyện ở Nhạc viện?

- Đó là những ngón tay bị trầy xước của mình. Sau khi học cello, tôi đã tìm hiểu để tự học chơi double bass với nhạc jazz. Lúc đầu, vì dây đàn to quá nên đã làm những đầu ngón tay sưng phồng, nhưng tôi vẫn quyết tâm quấn băng dính vào tay để chơi, cảm giác đau ở đầu ngón tay theo đuổi tôi đến tận bây giờ.

Nếu nói điều nhớ nhất thì phải là những lúc đạp xe đạp trên đoạn đường khá xa từ nhà đến nhạc viện. Một tay cầm ghi-đông, tay kia vẫn ôm cây đàn cello và... chân vẫn đạp, lúc đó trong đầu chỉ mong sao quãng đường ngắn lại chứ không nghĩ được đến âm nhạc.

- Cha của anh truyền cho cậu con trai yêu dấu của mình "bí mật nghề nghiệp" gì?

- Ông nhắc tôi một điều rất cơ bản: với những người nghệ sĩ mà tiếng đàn không làm rung động chính lòng mình thì coi như thất bại, coi như chỉ là một khúc gỗ chơi đàn.

- Thế còn với một người đàn ông?

- Ông dạy tôi bằng chính cuộc đời ông: luôn thẳng thắn, đàng hoàng và không bao giờ luồn cúi.

- Là con một, anh có cảm giác thiệt thòi thế nào?

- Trước hết là phải tự lập từ sớm, vì cha mẹ tôi rất bận rộn. Khi nào buồn phải nuốt nước mắt vào trong, không có người chia sẻ. Có lẽ chính vì thế nên bây giờ tôi có rất nhiều bạn...

- Đâu là sân chơi mà anh yêu thích nhất?

- Tôi vẫn thích những chương trình dành cho sinh viên, vì đúng là đứng trên sân chơi đó, tôi mới là chính tôi.

- Làm một MC, để có được cái riêng chắc hẳn là rất khó, anh muốn nói gì về điều này?

- Đúng vậy. Và còn một điều nữa... MC là người xuất hiện đại diện cho cả một chương trình, bên cạnh họ là cả một êkíp làm việc vất vả, mà những người như thế này khán giả không bao giờ nhìn thấy được. Một MC giỏi là luôn ý thức được điều đó.

- Vậy đâu là điểm yếu của anh?

- Đó là quá tin người.

- Và một Anh Tuấn lúc không lên hình sẽ như thế nào?

- Tôi thích mặc quần jeans, áo phông hoặc sơ mi. Có lẽ tính tôi cũng ưa sự nhẹ nhàng và vui vẻ, thích hòa đồng.

- Điều mà anh thích nhất?

- Cái riêng. Tôi thích sự khác biệt. Một bản sắc riêng bao giờ cũng thu hút sự chú ý của tôi.

- Trở lại một chút về hình ảnh những ngón tay rớm máu ngày anh khổ luyện với cây đàn double bass, điều đó có nghĩa là sự đam mê cũng có những câu chuyện riêng của nó. Vậy đâu là câu chuyện thời tương lai của anh?

- Là câu chuyện của một chàng nghệ sĩ với hoài bão được góp sức giúp những người làm âm nhạc và những bạn bè muốn đến với âm nhạc.

(Theo Phong Cách Việt)

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]