Mẹ nên làm gì cho các họa sĩ nhí?

Ở tuổi mầm non và tiểu học, bé thường có một bộ sưu tập khá dày đặc các tác phẩm hội họa gồm tranh tô màu và cắt dán. Ba mẹ chính là những người chắp cánh cho niềm đam mê của họa sĩ nhí bằng rất nhiều cách khác nhau

15.5636

>>

>>

Đầu tiên, ba mẹ nên mua sắm cho trẻ một hộp những loại bút chì, bút màu, bút dạ, đất sét, bàn chải, miếng xốp, giấy, vải, thùng các tông, các loại đồ tái chế… Khi có trong tay các “công cụ”, trẻ sẽ được tạo thêm động lực để sáng tạo.

Cùng con chơi với màu sắc

Như một nghệ sĩ thực thụ, bé thích tự mình làm nên tác phẩm. Ba mẹ có thể tham gia vào trò chơi với vai trò người phụ tá. Nếu trẻ muốn vẽ một đám mây, bạn nên đưa cho trẻ một cây cọ lớn hoặc vài quả bóng bông gòn, vậy là đủ. Đừng nghĩ rằng việc khơi nguồn năng khiếu đồng nghĩa với “cầm tay chỉ việc” mà hãy để trẻ tự do sáng tạo.

Đừng gây áp lực

Bạn muốn bé phát huy tốt khả năng hội họa? Vậy thì nên đưa ra những nhận xét mang tính tích cực. Đừng đòi hỏi sự hoàn hảo vì không có một chuẩn mực nào có thể áp dụng tuyệt đối cho nghệ thuật cả. Hơn nữa, việc chỉ trích, chê bai chẳng giúp gì được cho bé ngoài việc khiến bé cảm thấy áp lực và chán ghét vẽ tranh.

Đôi khi bạn cảm thấy khó hiểu trước trò chơi vẽ tranh của con

Nếu bạn không hiểu bức vẽ của con, chỉ cần nhẹ nhàng đặt câu hỏi: “Con vẽ gì thế, kể cho mẹ nghe nào”.

Tôn trọng mọi ý tưởng

Không nên so sánh tác phẩm hay một ý tưởng của bé với một ai đó tài năng hơn. Đặc biệt, nếu anh, chị hoặc em của bé tỏ ra nổi trội hơn đi chăng nữa, đừng bao giờ so sánh. Bằng cách trân trọng tất cả mọi cố gắng của con, bạn sẽ tránh cho con khỏi đức tính đố kỵ, tự ti và giúp bé duy trì được niềm yêu thích của mình.

Một tác phẩm của họa sĩ nhí thường không hoàn hảo nhưng rất vui tươi

Thực hiện những “dự án” lớn

Bé có thể muốn làm một bức tranh khổng lồ hay cùng chơi vẽ tranh với nhiều bạn bè. Những lớp học nghệ thuật dành cho trẻ em, sân chơi ngoài trời là địa điểm thích hợp cho những tác phẩm đồ sộ này.

Mở rộng kho ý tưởng

Bạn có thể giúp trẻ phát triển những ý tưởng bằng việc đưa con đến viện bảo tàng, các buổi triển lãm tranh hay các phòng trưng bày tác phẩm điêu khắc, nội thất… Ngoài ra, những chuyến đi đến danh lam thắng cảnh hay chỉ đơn giản là ngồi nhà xem sách ảnh cũng mang lại nhiều ý tưởng cho họa sĩ nhí của bạn.

Nếu có điều kiện, bạn cũng nên cho con đến thăm các họa sĩ để hiểu thêm về quá trình sáng tác và được tiếp thêm niềm đam mê.

Biến hội họa thành một phần cuộc sống 

Tất nhiên, bạn nên khoanh vùng phạm vi bé được thỏa sức thể hiện tài năng và những vùng cấm. Chẳng hạn, bé có thể thoải mái vẽ lên lối đi, xích đu hay tường nhà bếp nhưng không được “múa cọ” trên quần áo, bàn phòng khách… Việc được tự do sáng tác bất cứ khi nào mình muốn sẽ giúp bé cảm nhận hội họa là một phần của cuộc sống. 

Như mọi đứa trẻ khác, bé thích được khen và sẽ ỉu xìu ngay với những lời phê bình. Vì vậy, thay vì nói thích hay không thích tác phẩm của con, bạn có thể hỏi xem con cảm thấy thế nào. Sau cùng, cảm xúc hài lòng hay niềm vui của con mới là điều quan trọng nhất.

MarryBaby

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]