Mẹo nấu thức ăn cho người tiểu đường

Lựa chọn đúng thực phẩm mới chỉ là bước đầu để có được bữa ăn an toàn cho người bệnh tiểu đường.

15.6037

Cách chế biến các món ăn nắm giữ một vai trò “sống còn” đối với việc duy trì mức đường huyết ổn định.

Khuynh hướng chung của các gia đình có thành viên bị tiểu đường là chế biến thức ăn riêng cho họ. Điều này cần thiết để đảm bảo bữa ăn của bệnh nhân theo đúng các nguyên tắc dinh dưỡng trong điều trị. Nên áp dụng các cách chế biến đơn giản như luộc, hấp, nấu trong nước… giúp bảo toàn lượng dưỡng chất, vitamin cần thiết.

Người bệnh tiểu đường phải tránh những thức ăn nhiều năng lượng nên khi nấu nướng phải hạn chế dầu mỡ như chiên, quay, xào với nhiều chất béo. Cũng nên tránh các hình thức chế biến để thức ăn tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa (như nướng trên lửa than, lửa cồn…) hoặc phải tiếp xúc nhiệt độ kéo dài (như hun khói, sấy, bỏ lò…) vì các cách này có thể làm phát sinh thêm các chất có hại, nhất là các gốc oxy hóa phát sinh khi thực phẩm bị cháy đen.
 
Các loại thực phẩm nhiều tinh bột như khoai, gạo, bột mì… nếu được chế biến dưới dạng chiên, nướng, bỏ lò… sẽ làm tăng đường huyết nhanh hơn so với cũng loại thực phẩm đó nếu hấp, luộc.

Với các loại thực phẩm cần tẩm ướp với các gia vị có nhiều gốc oxy hóa nên để riêng một phần không tẩm ướp cho người bệnh, sau khi chế biến chín thì dùng thêm một phần nước sốt được chế biến riêng với đường ăn kiêng để tạo vị cho món ăn. Cách này cũng có thể áp dụng với tất cả các món ăn có nước xốt hoặc nước chấm có đường. Đường ăn kiêng có năng lượng thấp hơn đường thường đến 8 lần nên không làm tăng đường huyết. Mặt khác, dạng gói và hộp nhỏ gọn cũng cho phép người sử dụng mang theo trong trường hợp đi ăn uống bên ngoài.

Nếu khéo léo xử lý một chút, người bệnh vẫn có thể tham gia các bữa ăn cùng với mọi người xung quanh. Với các món chiên, quay… có thể lột bỏ phần da và chỉ nên ăn các phần nằm bên trong, ít chất béo. Khi ngồi ăn cùng gia đình, người bệnh phải lưu ý ăn những thức ăn của mình đúng với lượng đã được tính toán.

Người bệnh nên cân nhắc xem mình có phải ăn uống vượt hơn mức cho phép không. Nếu câu trả lời là có thì nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiêm thêm 2-4 đơn vị insulin có tác dụng nhanh trước những bữa ăn đó.

Theo ThS.BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh Dưỡng Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch.
Ngôi sao 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]