Mẹo nhỏ để dàn xếp bất đồng với bạn đời

Nếu sự bất đồng giữa vợ chồng không nhất thiết phải giải quyết ngay tức khắc thì nên dùng kế hoãn binh, tạm gác lại mọi chuyện. Sau khi bình tĩnh lại, hai bạn sẽ dễ nhận ra điều vô lý của mình, như thế tốt hơn là cứ cãi cọ để "chiến tranh tiếp tục leo thang".

0

Ảnh: Procorbis.com.

Ai cũng mong muốn gia đình êm ấm. Tuy nhiên việc nảy sinh những quan điểm, ý kiến trái ngược giữa hai vợ chồng là điều khó tránh. Làm thế nào để những bất đồng ấy không bùng nổ thành mâu thuẫn, định kiến?

Tự kiềm chế

Trong mọi tình huống, bạn nên lấy điều này làm kim chỉ nam trong ứng xử. Nếu bất đồng ý kiến với đồng nghiệp, với người ngoài xã hội, bạn có thể thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình. Tuy nhiên, với những người trong gia đình lại là chuyện khác. Sau những cãi vã, chắc chắn mọi người đều bị tổn thương và cuộc sống chung sẽ trở nên nặng nề, khó chịu.

Lúc nóng giận, người ta sẽ nói những điều quá mức mà lúc bình thường có khi họ chưa bao giờ nghĩ đến. Thiếu kiềm chế sẽ đẩy mọi chuyện tồi tệ hơn như bát nước đổ xuống đất khó lòng lấy lại được.

Tách con người khỏi vấn đề

Nên tách bạch giữa con người và vấn đề. Đôi lúc, bạn thường có những nếp nghĩ, những quan niệm theo thói quen về một ai đó. Điều này có thể tạo nên những thành kiến gây ảnh hưởng đến cách đánh giá, nhận định vấn đề. Hãy tách con người ra khỏi vấn đề, nhìn nhận vấn đề đúng bản chất của nó. Ví dụ, khi con đi chơi, bạn đừng nghĩ chắc chắn nó sẽ làm điều dại dột, khi chồng tranh luận vấn đề liên quan đến nội trợ hay giá cả, không có nghĩa là họ sẽ sai và bạn sẽ đúng.

Lùi bước trước những vấn đề không quan trọng

Bạn có biết rằng, trong cuộc sống gia đình, đa số vấn đề làm nảy sinh bất đồng mâu thuẫn đều hết sức nhỏ nhặt. Đừng quá quan tâm đến chuyện thắng thua. Đôi lúc, bạn nên chấp nhận phần thua về mình, nếu đó không phải là điều quá quan trọng. Ví dụ, khi vợ chồng tranh luận về cách bài trí đồ vật trong phòng hay về một bộ phim, cuốn truyện, hãy khéo léo nhận lấy phần thua, và sau đó, bạn sẽ nhận ra rằng, mình làm như vậy là hoàn toàn đúng đắn. Vì điều đó thực ra không quá quan trọng như lúc tranh luận bạn đã nghĩ.

Giới hạn vấn đề

Nếu bạn không muốn mọi chuyện trở nên tồi tệ và vượt khỏi tầm kiểm soát, tốt nhất, bạn nên thống nhất giới hạn vấn đề trong một phạm vi nhất định. Kiểu tranh luận "kéo con trâu, sâu con bò" lan man chắc chắn làm mọi chuyện rối rắm, không có trọng tâm. Vấn đề chính sẽ không thể giải quyết mà lại phát sinh thêm nhiều bất đồng khác.

Đừng đao to búa lớn

Nếu tranh luận là điều không thể tránh khỏi thì bạn hãy chấp nhận vào cuộc, tuy nhiên phải luôn tỉnh táo và cố gắng tạo ra không khí bình đẳng, thẳng thắn nhưng nhẹ nhàng, không đao to búa lớn. Bạn cũng không nên đẩy đối phương vào thế phải chấp nhận sai lầm của họ. Đôi lúc chỉ cần để họ tự hiểu, tự nhận ra sự vô lý của chính mình.

Kế hoãn binh

Nếu vấn đề không nhất thiết phải giải quyết ngay tức khắc, bạn hãy dùng kế hoãn binh, tạm gác lại mọi chuyện. Sau khi bình tĩnh lại, mọi người sẽ dễ dàng nhận ra điều vô lý của mình hơn là cứ đưa nhau vào cuộc tranh luận để "chiến tranh tiếp tục leo thang". Mọi người ai cũng cố tình tìm mọi cách bảo vệ quan điểm của riêng mình. Sau thời gian "ngừng bắn", bản thân bạn cũng như đối phương tỉnh táo sáng suốt hơn và biết kiềm chế hơn.

Hài hước, phương thuốc luôn hữu hiệu

Dù bạn chiến thắng hay chiến bại, một câu hài hước luôn là liều thuốc cần thiết để hàn gắn chiến tranh. Với phương thuốc này, mọi người đều dễ dàng hạ nhiệt. Đôi lúc, chính những câu nói này sẽ khiến mọi người nhận thấy sự nóng giận của mình vô lý và mọi chuyện lại được giải quyết trong không khí gia đình đầm ấm.

(Theo Tiếp Thị & Gia Đình)

 

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]