Mộng du có thể phòng tránh

Mộng du là biểu hiện của sự thiếu ngủ, một vài vấn đề cảm xúc, stress hoặc sốt. Giải quyết được những vấn đề đó, bệnh nhân sẽ hết mộng du.

15.5953

Nơi ngủ thoáng mát yên tĩnh giúp tránh mộng du. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Mộng du là tình trạng đi trong lúc ngủ, một loại rối loạn giấc ngủ. Bệnh nhân tiến hành một số hoạt động trong khi dường như vẫn đang ngủ. Mộng du có thể gặp ở bất cứ tuổi nào, thường ở trẻ em, ngay cả khi trẻ mới biết đi, lứa tuổi hay gặp nhất là 3-7 tuổi.

Biểu hiện của mộng du là người bệnh đang ngủ, ngồi dậy, mở mắt, đi vòng quanh phòng hoặc đi về phía có ánh sáng, trẻ em có thể đi về phía giường ngủ của bố mẹ, hoặc đi đến cửa sổ, trèo lên cửa sổ, mở cửa phòng đi ra ngoài...

Có người làm một số hoạt động phức tạp như di chuyển đồ đạc, đi vào nhà tắm, cởi hoặc mặc quần áo và nhiều hoạt động tương tự khác. Một số người còn vào ôtô, lái xe đi một quãng đường dài trong lúc thực sự đang ngủ. Một số hành vi tình dục có thể xuất hiện. Người lớn có thể mơ, có ảo giác hoặc ăn trong lúc đang đi.

Có thể rất khó đánh thức người đang mộng du dậy; họ có thể tấn công người đánh thức mình. Thường người bệnh trông vụng về, lóng ngóng, có hành vi kỳ lạ như đi tiểu vào thùng rác; đôi khi xuất hiện sự kích động, đàn ông hay có hành vi bạo lực hơn.

Mộng du có thể đột ngột kết thúc, người bệnh trở lại giường và tiếp tục ngủ. Mộng du thường xuất hiện 1-2 giờ sau khi ngủ, vào giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ REM (giấc ngủ sâu) và kéo dài từ vài giây đến 30 phút. Khi tỉnh dậy, người bệnh không nhớ gì về sự việc đã xảy ra. Mộng du có thể xảy ra hằng đêm, cũng có thể không thường xuyên.

Khoa học không xác định được chính xác nguyên nhân của mộng du nhưng đây là bệnh rất thường gặp. Có tới 40% trẻ em bị mộng du vào một thời gian nào đó. Trong gia đình có trẻ bị mộng du, các trẻ khác cũng dễ mắc, và hầu hết là các trẻ phát triển nhanh (chóng lớn).

Một số yếu tố liên quan đến mộng du:

- Lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, hoảng sợ ban đêm...

- Ngủ không có giờ giấc.

- Sốt, ốm đau, thiếu Mg, trào ngược thực quản.

- Sử dụng một số thuốc điều trị bệnh tâm thần, thuốc an thần, thuốc kháng histamin.

- Đi ngủ lúc bàng quang đầy nước tiểu.

- Ngủ ở môi trường lạ; hoặc nơi ngủ ồn ào, có quá nhiều ánh sáng, người ngủ bị stress.

- Ở người lớn, mộng du có thể liên quan tới rối loạn tâm thần, phản ứng với thuốc, rượu, động kinh cục bộ. Ở người già, nó có thể là biểu hiện của bệnh não.

Hầu hết bệnh nhân chỉ xuất hiện mộng du ít hơn 1 lần/tháng. Mộng du là biểu hiện của sự thiếu ngủ, một vài vấn đề cảm xúc, stress hoặc sốt. Giải quyết được những vấn đề đó sẽ hết mộng du. Ở trẻ em hầu hết sẽ hết mộng du khi đến tuổi dậy thì.

Với những người bắt đầu mộng du ở tuổi trưởng thành, cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa tâm thần nếu bị mộng du thường xuyên, tự gây hại cho bản thân hoặc tấn công người khác... Để giữ an toàn cho người bệnh, nên để phòng ngủ ở tầng trệt, trong phòng không có đồ đạc có thể gây hại, cửa được đóng cẩn thận.

Nên để chuông ở cửa ra vào để báo thức cho người khác khi bệnh nhân mở cửa. Khi đó, cần đưa người bệnh trở lại giường và không nên cố gắng đánh thức vì có thể làm họ bị kích động. Để người bệnh ngủ đủ thời gian và có giờ giấc. Trong một số trường hợp, có thể sử dụng thuốc an thần nhóm bazodiazepin, thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Nếu bị các bệnh lý khác như động kinh, rối loạn tâm thần cần điều trị các bệnh lý đó.

Với trẻ em, nên nhẹ nhàng đưa trở lại giường, trước đó nên đưa vào nhà vệ sinh vì có thể trẻ đi tìm chỗ này. Mộng du có thể kết thúc ngay khi trẻ nằm lên giường, đừng trông đợi trẻ thức tỉnh trước khi trở lại giấc ngủ bình thường.

Cần giúp trẻ tránh mệt mỏi, kiệt sức vì mệt mỏi, thiếu ngủ có thể làm tăng mộng du. Nếu trẻ cần được đánh thức sớm vào buổi sáng thì đi ngủ sớm hơn vào tối hôm trước.

Nếu con bạn thường bị mộng du, cần ghi chép thời gian từ lúc trẻ ngủ đến lúc bắt đầu mộng du. Sau đó đánh thức trẻ 15 phút trước khi trẻ bắt đầu mộng du, giữ cho trẻ thức 5 phút. Làm như vậy 7 đêm liền. Nếu trẻ bị mộng du lại thì luyện tập tiếp 7 đêm nữa.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]