Móng tay em cứ bị tuột dần, điều trị 6 tháng rồi mà vẫn vậy

Đến BV Da Liễu thì được chẩn đoán là loạn dưỡng móng và chàm, khi uống thuốc thì không bị tuột nhưng ngưng thuốc thì bị lại.

15.5808
Bác sĩ ơi,

Tất cả móng tay em cứ bị tuột dần, tuột dần và khi trời lạnh thì rất đau nhức. Em bị đã từ lâu và chữa nhiều nơi nhưng không khỏi.

Đến BV Da Liễu thì được chẩn đoánloạn dưỡng móng và chàm, nhưng uống thuốc hơn 6 tháng kèm theo thoa thuốc mà vẫn không khỏi. Khi uống thuốc thì không bị tuột nhưng ngưng thuốc thì bị lại.

Xin hỏi có cách nào để chữa dứt bệnh? Xin cảm ơn!


 ( Mỹ Dung – Đồng Nai)

Mỹ Dung thân mến,

 

“Loạn dưỡng móng” dùng để chỉ các rối loạn bất thường của móng. Đó có thể là về màu sắc: nâu đen, vàng, xanh, trắng..., về hình dáng: giống cái muỗng hay quặp vào như mỏ diều hâu....,  về bề mặt móng: gợn sóng, bị lỗ chỗ, móng dày, móng mỏng...., về cách phát triển: móng chọc vào thịt... hoặc tình trạng hư móng: xước móng, tách móng , rụng  móng...

 

Trường hợp  của em móng tay em cứ bị tuột dần, tuột dần, là do tình trạng móng bị tách dần từ bờ tự do ra khỏi thịt, sau đó tuột và rơi ra.

 

Có nhiều nguyên nhân gây ra sự tách móng gồm:

 

- Nguyên nhân nội sinh: các bệnh da như vảy nến, lichen phẳng, viêm da thể tạng, pemphigus, bất thường bẩm sinh của móng... bệnh hệ thống, thiếu máu thiếu sắt, giãn phế quản, tiểu đường, cường giáp, suy giáp...

 

- Nguyên nhân ngoại lai: các yếu tố cơ học: các nghề nghiệp tạo chấn thương mạnh, hoặc chấn thương nhẹ nhưng lặp đi, lặp lại; yếu tố hóa học: mỹ phẩm dành cho móng: nước rửa , nước sơn móng… hoặc yếu tố sinh học: nhiễm nấm, vi khuẩn ( Pseudomonas), siêu vi (như herpes), các thuốc: Tetracyclin, doxycyclin,  thuốc ngừa thai, captoril...

 

- Nguyên nhân do di truyền, tình trạng kích thích, chấn thương da quanh móng và đầu ngón tay... hoặc không rõ nguyên nhân.

 

Loạn dưỡng móng kèm theo chàm em có thể dùng một số loại thuốc bôi có tác dụng làm mềm móng, và chống viêm như cream vitamin E, Physiogel, Lacticare, Dermovate, Temproson, Gentrison, Diproson... ngày bôi từ 1-2 lần, nhưng cần có chỉ định của bác sĩ.

 

Loạn dưỡng móng cũng có thể do thiếu vitamin, chủ yếu là vitamin B, vì vậy chế độ dinh dưỡng cũng cần bổ sung chất này bằng cách ăn rau quả nhiều.

 

Đối với người mắc loạn dưỡng móng tay thì nên kiêng ngâm nước, kiêng rửa bằng xà phòng, không cắt sát móng quá, không giũa móng vì làm như vậy sẽ tạo nên các chấn động, tăng nguy cơ nhiễm trùng, nếu đi làm móng, sơn móng, tốt nhất là nên trang bị một bộ dụng cụ làm móng riêng để tránh lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng.

 

Hiện nay, chưa có thuốc đặc hiệu trị bệnh nên em phải tìm nguyên nhân, loại bỏ nó thì trị liệu mới có kết quả.

 

Do các thuốc uống và thoa rất khó ngấm hết được vào tổ chức sừng cứng của móng nên việc điều trị thường kéo dài (6 - 9 tháng cho móng tay và 9 - 12 tháng cho móng chân), dễ gây nản lòng bệnh nhân lẫn thầy thuốc, em cần kiên nhẫn điều trị tiếp tục, em nhé!

 

Chúc Mỹ Dung sớm chữa dứt được căn bệnh trên! 

 

 BS-CKI Nguyễn Minh Thu

AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: [email protected].

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]