Một số điều cần biết về bệnh hen phế quản ở trẻ em

Thời điểm cuối thu đầu đông và một số thời điểm giao mùa khác trong năm là thời điểm rất nhạy cảm với trẻ nhỏ. Nếu có dấu hiệu khó thở bất thường ở trẻ, rất có thể con của bạn đã mắc bệnh hen. Bài viết dưới đây sẽ giúp các mẹ nhận biết kiến thức căn bản về bệnh hen phế quản ở trẻ em.

15.5986

Hen hay còn gọi là hen suyễn hay hen phế quản là một chứng bệnh ở đường khí quản của trẻ. Khi phế quản không co dãn được sẽ gây ra các cơ hen phế quản cho trẻ. Các cơn hen thường xuất hiện vào đêm và sáng sớm, khi mà nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày và đêm. Các mẹ cần biết những kiến thức căn bản về bệnh hen phế quản để phòng tránh cho trẻ.

  • 1

    Phát hiện trẻ bị hen phế quản

    Hen phế quản là bệnh viêm mãn tính đường hô hấp, gây co thắt phế quản và tăng tiết dịch nhầy làm cho bệnh nhân khó thở.

    Các triệu chứng thông thường có thể gặp ở trẻ khi bị hen phế quản là ho dai dẳng, nặng hơn về đêm. Thở khò khè, thở gắng sức. Trẻ lớn hơn có thể thấy cảm giác nặng ngực.

    Với trẻ nhỏ, co thắt phế quản có thể biểu hiện bằng những cơn ho, lúc rít vào không phát ra tiếng kêu rít, cũng có thể có tiếng rít khi lẫn lộn với cơn ho. Cơn hen của trẻ em không bắt đầu và kết thúc đột ngột mà có thể kéo dài.

  • 2

    Nguyên nhân khởi phát cơn hen

    Hen phế quản có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nếu cơ địa yếu kết hợp với sự thay đổi của thời tiết có thể làm thúc đẩy sự phát triển của bệnh. Mặt khác cơn hen cũng có thể khởi phát khi thời tiết giao mùa, khi hít phải khói bụi, khói than tổ ong, khói thuốc lá, lông chó mèo, phấn hoa hoặc khi trẻ gắng sức chạy nhảy, đùa nghịch hay sau khi ăn một số thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua, hạnh nhân... Cơn hen nặng có thể là hậu quả của những đợt ốm dài ngày, điều trị chưa dứt hay nhiễm khuẩn đường hô hấp.

  • 3

    Xử trí khi trẻ khởi phát cơn hen

    Trước tiên, đưa trẻ đến nơi thoáng khí, không khí trong lành, uống nhiều nước hoặc cho trẻ hít hơi nước. Những việc này có tác dụng làm tăng lượng không khí lưu thông vào phế quản, làm đờm loãng ra để trẻ dễ thở hơn.

    Nếu cơn hen của trẻ nhẹ, có thể cho trẻ dùng một số thuốc giãn phế quản được bác sỹ kê cho như ventolin, atrovent, bricanyl... Các loại thuốc này, các mẹ có thể mua tại các hiệu thuốc với dạng liều xịt, liều hít, dạng viên hoặc siro. Liều lượng dùng cần tùy thuộc theo lứa tuổi, cân nặng và do bác sỹ chỉ định.

    Với cơn hen nặng, cho trẻ dùng các loại thuốc giãn phế quản tác dụng ngay lập tức như bình xịt ventolin theo chỉ dẫn của bác sĩ, và đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.

  • 4

    Biến chứng có thể có của hen phế quản

    Hen là bệnh mãn có thể có tốc độ phát triển nhanh sau những đợt ốm dài, nhiễm trùng hô hấp. Sau mỗi đợt ốm, tình hình bệnh sẽ nặng hơn. Một số biến chứng của hen phế quản như xẹp phổi, giãn phế nang đa tiểu thùy, tràn khí màng phổi, bệnh tâm phế mạn tính, suy hô hấp, thậm chí ngưng hô hấp kèm theo tổn thương não…

    Bệnh hen là bệnh cần phải chẩn đoán, điều trị sớm, xử trí kịp thời nhất là với trẻ nhỏ.

  • 5

    Phòng bệnh và tránh khởi phát cơn hen như thế nào?

    Để ngăn chặn những yếu tố gây khởi phát cơn hen như: không dùng thảm, không nuôi súc vật, không hút thuốc lá, không cho trẻ dùng các đồ chơi làm từ bông, lông, sợi, không để hoa tươi và phấn hoa gần trẻ. Nơi trẻ ngủ phải thoáng mát, sạch sẽ. Hạn chế cho trẻ ăn các thức ăn dễ gây dị ứng.

    Hen phế quản không phải là bệnh di truyền, yếu tố di truyền là cơ địa dễ mắc hen. Chính vì thế cha mẹ nào bị hen cần phải tránh cho con những yếu tố khởi phát cơn hen. Cần theo dõi những thói quen của trẻ để biết trẻ nhạy cảm với những loại thức ăn nước uống hay trái cây và hoa nào.

    Tăng sức đề kháng cho trẻ em bằng cách tiêm đầy đủ các loại vaccine theo lịch. Xây dựng cho trẻ một chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng và tránh gắng sức.

    Trên đây là một số kiến thức cần thiết về bệnh hen phế quản ở trẻ. Cha mẹ hãy chú ý để phòng tránh, phát hiện và điều trị kịp thời bệnh hen suyễn ở trẻ nhỏ.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]