Một trò chơi hỗ trợ điều trị ung thư

Khi những bệnh nhân ung thư đầu tiên vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của cuộc chiến bệnh tật với sự trợ giúp đắc lực của một trò chơi trên máy tính, người ta hiểu rằng, game không chỉ mang tính giải trí đơn thuần mà còn có thể đem lại... sự sống.

15.5985

Năm 2004 có lẽ là khoảng thời gian đau đớn và tuyệt vọng nhất của cậu bé Dan Neumann, 14 tuổi, ở bang California (Mỹ), khi các bác sĩ Bệnh viện Nhi Lucile Packard thuộc Đại học Stanford chẩn đoán em mắc bệnh máu trắng.

Một lần, khi đang điều trị trong bệnh viện, Neumann lang thang trên mạng Internet và bất ngờ nhận được lời mời tham gia chơi thử một trò chơi mới dành riêng cho các bệnh nhân ung thư tuổi teen. Vốn mê game, ngay lập tức Neumann bị lời mời này cuốn hút và nhanh chóng tìm thấy sự hứng thú với trò chơi được thiết kế mô phỏng một cuộc chiến sinh tử trong cơ thể bệnh nhân ung thư.

“Khi chơi trò này, bạn sẽ có cơ hội bắn hạ các tế bào ung thư”, Neumann (nay đã 19 tuổi) chia sẻ trên kênh CNN.

Một hình ảnh trong game Re-Mission.

Neumaan chính là một trong những bệnh nhân ung thư đầu tiên trên thế giới tham gia thử nghiệm và có được những tác động mạnh mẽ về tinh thần nhờ “Re - Mission” (trò chơi điện tử phát hành năm 2006, dành riêng cho các bệnh nhân ung thư; đặc biệt ở lứa tuổi teen, giúp các bệnh nhân hình dung ra quá trình điều trị ung thư và đi tiêu diệt các tế bào quái ác trong game này).

Rashida Wilkins, 19 tuổi, ở thành phố Norfolk, bang Virginia (Mỹ) cũng có một tuổi thơ vật lộn với căn bệnh ung thư não hơn 8 năm qua, trải qua 4 cuộc phẫu thuật não, 6 tuần điều trị phóng xạ và 2 năm hóa trị liệu. Wilkins bắt đầu tham gia dự án nghiên cứu game “Re-Mission” từ năm 15 tuổi và nhanh chóng nhận thấy những tác dụng tích cực từ trò chơi.

“Tôi hiểu được bản chất của căn bệnh ung thư và các thông tin liên quan đến căn bệnh này dễ dàng hơn nhiều so với việc đọc sách”, Wilkins chia sẻ. “Tôi và nhiều bạn khác tham gia trò chơi này có cùng cảm giác rằng, mình đang tấn công lại những 'kẻ xấu xa' đang tìm cách đưa chúng tôi xa rời bố mẹ và gia đình”.

Ý tưởng về trò chơi này là của Pamela Omidyar, vợ của Pierre Omidyar - người sáng lập ra trang mua bán trực tuyến eBay lớn nhất thế giới.

Tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận HopeLab sau đó được thành lập và đưa trò chơi này vào thực tế với hơn 145.000 bản miễn phí cấp cho các bệnh nhân tuổi teen đang điều trị ung thư. Những thành công bước đầu trong việc hỗ trợ quá trình điều trị của “Re - Mission” gần đây đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama ghi nhận bằng những lời ngợi khen cho cách tiếp cận mang tính đột phá này.

Dan Neumann đang chơi trò "Re-Mission" trên máy tính cá nhân Ảnh: USA Today.
“Người chơi điều khiển một robot nhỏ đi khắp cơ thể để tiêu diệt các tế bào có hại. Trong suốt cuộc truy đuổi sẽ xuất hiện những thuật ngữ y học được đơn giản hóa để lũ trẻ có thể hiểu được bản chất của quá trình điều trị. Căn bệnh ung thư hiện ra sống động, giúp lũ trẻ sẽ có cái nhìn mới, nghị lực mới và biết được kẻ thù của mình là ai. Đó là mục tiêu lớn nhất của Re - Mission”, tiến sỹ Steve Cole, Phó giám đốc HopeLab cho biết.

“Ngoài ra, 'Re- Mission' còn có thể vượt qua ranh giới địa lý và văn hóa, kết nối các bệnh nhân với nhau để họ có cơ hội trao đổi và chia sẻ, bởi đây là trò chơi miễn phí có thể tải về từ Internet”.

Một nghiên cứu mới được công bố năm 2008 của tổ chức HopeLab trên 375 bệnh nhân ung thư tuổi 13- 29 cho thấy, những bệnh nhân chơi “Re- Mission” tuân thủ quy trình điều trị cũng như sử dụng thuốc chặt chẽ hơn những bệnh nhân ung thư chơi các trò chơi khác.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng với lứa tuổi teen và các bệnh nhân trẻ tuổi, bởi theo các chuyên gia đây là lứa tuổi xao nhãng nhiều nhất trong việc uống thuốc đều đặn - một trong những yếu tố sống còn của quá trình điều trị ung thư.

“Một yếu tố khác là lũ trẻ thường sợ uống thuốc bởi tác dụng phụ có thể khiến chúng béo ra, rụng tóc. Việc tuân thủ quy trình điều trị là rất khó, gần như là một cuộc chiến khác song hành với cuộc chiến chống ung thư, khiến việc điều trị ở lứa tuổi này ít thành công hơn so với nhóm người mắc bệnh cao tuổi”, chuyên gia Anna Franklin thuộc Trung tâm nghiên cứu Ung thư trẻ em M.D. Anderson (Mỹ) phân tích.

(Theo Gia đình và Xã hội)

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]