Nắm tay người bệnh ung thư

SKĐS - Trầm cảm, thất vọng, thiếu niềm tin và dễ bị kích động là đặc điểm tâm lý thường thấy ở những bệnh nhân ung thư.

0

Có trực tiếp tiếp xúc với những bệnh nhân đang mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác thì chúng ta mới cảm nhận được việc đối diện với cái chết khi nó ngày càng đến gần là điều không dễ dàng. Bởi mọi sự đau đớn về thể xác lẫn tinh thần đều khiến họ héo mòn dần. Trầm cảm, thất vọng, thiếu niềm tin và dễ bị kích động là đặc điểm tâm lý thường thấy ở những bệnh nhân ung thư. Có người vì quá sốc, không chấp nhận kết quả và không muốn mình là gánh nặng cho mọi người đã tự kết thúc đời mình. Với những bệnh nhân này, tình trạng bệnh xấu đi như giọt nước cuối cùng đẩy họ tìm đến cái chết, chết để không làm kiếp người quá ư mệt mỏi, chết để cho những cơn đau không có cơ hội hành hạ mình nữa. Họ có thể tìm đến cái chết khi bệnh quá nặng, hoặc biết rằng mình sẽ chết nên quyết định ra tay trước khi lưỡi hái tử thần vung lên lần cuối.

Là người hàng ngày tiếp xúc với các bệnh nhân này nên tôi hiểu một phần những đau đớn mà họ đang phải trải qua. Với họ, bên cạnh những nỗi đau về thể xác do bệnh tật còn có những lo lắng về tinh thần cho gia đình, con cái. Tôi đã chứng kiến hoàn cảnh một gia đình có hai vợ chồng và hai đứa con, người vợ bị bệnh trầm cảm và đã tự tử cách đây hơn 1 năm, đứa con trai của anh lên 3 tuổi nhưng cũng đã chạy thận nhân tạo 2 năm nay. Một mình anh đi làm nuôi hai con, cuộc sống tuy khó khăn nhưng anh không bao giờ chán nản, hai đứa con là động lực để anh phấn đấu và cố gắng thay vợ nuôi con khôn lớn.

Điều trị cho bệnh nhân ung thư

Điều bất hạnh đến với gia đình nhỏ bé này khi 6 tháng trước, anh phát hiện mình bị ung thư não. Khối u ác tính chèn vào vị trí quan trọng nên phẫu thuật không thể lấy hết khối u và cũng không ngăn được sự phát triển của nó. Hôm đó là ngày tôi trực, anh nhập viện trong tình trạng đau đầu, nôn nhiều và yếu nửa người, hình ảnh chụp CT não cho thấy dấu hiệu của tăng áp lực nội sọ do khối u chèn ép gây phù não. Sau điều trị 3 tuần, các triệu chứng trên của anh đỡ hơn, anh đã có thể cười nói với hai con. Gia đình nhỏ bé ấy tuy thiếu bàn tay của người mẹ nhưng vẫn luôn tràn ngập yêu thương, đùm bọc. Anh lặng nhìn hai con chơi đùa như để níu giữ những hình ảnh hồn nhiên đó vào tim, lỡ sau này anh có ra đi, anh sẽ mang những hình ảnh đó theo mãi mãi.

Tuy không muốn nhưng nhiệm vụ của tôi vẫn phải thông báo cho người thân của anh biết về tình trạng của bệnh nhân. Kết quả chụp lại phim của anh không khá hơn trước nhiều, trông anh bình thường là vậy nhưng tình trạng xấu hơn thậm chí có thể dẫn đến hôn mê bất cứ lúc nào. Nét mặt buồn bã thể hiện rõ trên khuôn mặt người mẹ già, bà biết bệnh của con mình, cả nhà cũng xác định từ trước nhưng cũng không ngăn được những giọt nước mắt cứ chảy dài xuống hai gò má đã nhăn nheo của người mẹ già.

Anh ra viện được hơn một tuần thì lại phải nhập viện cấp cứu vì không còn tỉnh táo, tình trạng hôn mê ngày càng sâu. Sau thủ thuật đặt nội khí quản, thở máy 3 ngày, anh tỉnh hơn và có thể mở mắt nhìn mọi người nhưng không nói được. Đứa con gái lớn của anh năm nay lên 7 tuổi, ngày nào cũng vào thăm bố. Nó đưa em ra gần chỗ anh nằm, hai chị em cầm tay cha mà không ngớt lời: “Cha ơi, cha đừng ngủ nữa, cha dậy chơi với chúng con đi...”. Cuộc sống đôi khi thật ngắn ngủi, khi những yêu thương, những lo toan còn đang dang dở mà sao đã phải ra đi. Nhưng cũng không thể ngăn được sự ác nghiệt của căn bệnh này.

Bệnh nhân ung thư thường có tâm lý chán chường khi biết bệnh của mình đã sang giai đoạn cuối. Khi đó, nhân viên y tế không chỉ là người điều trị bệnh cho họ mà còn trở thành người bạn, người thân, chia sẻ, động viên, an ủi để bệnh nhân vượt qua cảm giác chán sống. Tinh thần của họ tốt lên, họ sẽ thấy yêu đời hơn và có sức để đối mặt với những cơn đau hơn.

Với người nhà của những bệnh nhân ung thư thì điều đáng sợ nhất là nhìn thấy người thân của mình phải chịu cảnh đau đớn, mệt mỏi của bệnh tật, nhất là khi y học đã quá khả năng cứu chữa, khi đó, họ rất cần một nơi để có thể “bấu víu” những lúc họ đau, khó thở... Tôi cũng đã không ít lần “cấp cứu” cho các bệnh nhân tại nhà và cũng không ít lần cùng người nhà tiễn họ ra đi về cõi vĩnh hằng.

Cũng có nhiều người may mắn phát hiện bệnh sớm, khi đó, những can thiệp y khoa có thể giúp họ thoát khỏi căn bệnh này hoặc kéo dài cuộc sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho họ. Những tiến bộ y khoa ngày càng nhiều, tôi tin tưởng rằng một ngày không xa sẽ có những phương pháp điều trị tốt để đẩy lùi được căn bệnh này.

Bs. Nguyễn Thị Hương

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]