Nhân viên y tế bán thuốc khi hành nghề dù ở phạm vi cá nhân (tại phòng mạch tư) hay tổ chức (tại các khoa, phòng, bệnh viện) đều có chung mục tiêu: tăng lợi nhuận tối đa cho nhân viên y tế. Báo chí chỉ mới tập trung vào vấn đề bác sĩ bán thuốc khi hành nghề y tế tư nhân (cấp độ cá nhân), còn hình thức khoa, phòng, bệnh viện… tự tổ chức dịch vụ bán thuốc thì ai cũng xem đó là điều đương nhiên.

Bán thuốc là hoạt động không quá phức tạp lại thu lợi nhuận rất cao. Người mua dù khó tính đến mấy cũng không dám mặc cả, mà đều lẳng lặng rút tiền ra trả. Nếu có thắc mắc, bệnh nhân cũng đành ôm trong lòng, để rồi trút ra ở chỗ khác. Không người tiêu dùng nào “thắng” được người bán thuốc trong việc tranh luận về giá thuốc. Bằng chứng là ngay cả chuyện đấu thầu thuốc tại hội đồng chuyên môn của các bệnh viện, giá thắng thầu thuốc viên Paracetamol tăng từ 50 đến 500 đồng, tùy theo bệnh viện (báo cáo của Bộ Y tế). Đó mới chỉ là một loại thuốc phổ biến, nói gì đến các loại biệt dược khác!     Hội đồng thuốc của các bệnh viện còn bị “chặt chém” như thế thì cá nhân người bệnh làm sao xoay trở được?

Công việc bán thuốc dễ đem lại lợi nhuận cao nên một số bác sĩ không bỏ qua vừa kê toa vừa bán thuốc. Ảnh minh họa: HTD

Người mua “dễ tính”, công việc bán thuốc dễ đem lại lợi nhuận, mặt hàng thuốc thì đa dạng, hỏi sao các bác sĩ đang khám bệnh, kê đơn lại làm ngơ với công việc bán thuốc, làm sao các bệnh viện lại bỏ qua lợi nhuận từ việc bán thuốc?

Hiện tại, hệ thống kiểm soát việc bán thuốc và thi hành kỷ luật nhân viên y tế bán thuốc ở nước ta thuộc về ngành y - nơi tổ chức và vận hành dịch vụ khám chữa bệnh. Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định việc kiểm tra, xử lý kỷ luật… tuần tự đi từ cấp cơ sở đến cấp cao nhất là Bộ Y tế. Với việc kiêm nhiều chức năng, lại luôn trong tình trạng “đói kinh phí”, hỏi sao ngành y có thể nghiêm khắc với các đồng nghiệp? Do đó, cấm thì vẫn cấm, xử phạt vẫn xử phạt… mà nhân viên cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, từ cá nhân bác sĩ tại phòng mạch tư đến cả tổ chức khoa, phòng, bệnh viện… vẫn đều tham gia bán thuốc ở các cấp độ khác nhau.

Nhìn vào hệ thống bán thuốc ở nước ta hiện nay, có thể thấy các công ty dược cùng các cơ sở khám chữa bệnh, thầy thuốc tư vẫn không ngừng hợp tác bởi cả hai cùng có lợi. Và chỉ có bệnh nhân và xã hội… lãnh đủ mặt trái của tình trạng này.

TS TRẦN TUẤN (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng)

Từng là nạn nhân

Nơi tôi ở có sáu phòng khám nhi và do có con nhỏ nên tôi đều có dịp ghé qua hết thảy. Cách khám và điều trị có thể khác nhau nhưng các phòng đều có chung đặc điểm: Các bác sĩ không kê toa mà chẻ nhỏ các viên thuốc rồi bỏ vào các túi “sáng, chiều, tối” để người nhà “dễ cho bé uống” (!). Thú thật, kẹt lắm tôi mới phải đưa con đến các nơi này. Vì khi được cho xem các túi thuốc đó, nhiều dược tá ở các nhà thuốc không mò ra tên thuốc. Làm sao tôi có thể yên tâm là trong số đó không có kháng sinh liều mạnh vốn là con dao hai lưỡi nên hạn hữu lắm mới sử dụng?

Đã biết là vi phạm mà sao nhiều bác sĩ vẫn làm. Chẳng lẽ cứ phải nói họ tham lam quá!

THANH NGÂN (thanhnganha@...)

Bài báo “Luật cấm, bác sĩ vẫn vô tư bán thuốc” (Pháp Luật TP.HCM ngày 14-1) có kể tên một bác sĩ chuyên về tiết niệu ở quận 1 thu tiền khám bệnh rất cao nhưng chỉ kê toa thuốc. Không biết ý người khác thế nào chứ theo tôi, chẳng thà thu cao như vậy mà kê toa đâu đó rõ ràng để người bệnh biết được mình đã được điều trị bằng loại thuốc nào, liều lượng ra sao. Muốn quay lại tái khám để được kê toa tiếp thì người bệnh cứ trở lại; trường hợp muốn đi phòng khám khác mát tay hơn thì với toa đã có người bệnh cũng dễ đưa cho bác sĩ mới tham khảo, quyết định phù hợp.

Ai chẳng muốn tiền nhiều, gia đình giàu có nhưng một khi đã chọn ngành y, mong rằng bác sĩ đừng để đống tiền có được từ bán thuốc làm mờ y đức.

YÊN MIỆN (Quận 7, TP.HCM)


Video đang được xem nhiều