Nghệ nhân Thị Giôn cùng phụ nữ S’Tiêng thoát nghèo

15.5845

Bà được trao giải thưởng “Phụ nữ tự tin tiến bước” vì những đóng góp tiến bộ, bảo tồn nghề dệt truyền thống và giúp chị em dân tộc thiểu số S’Tiêng (tỉnh Bình Phước) thoát nghèo.

Nghệ nhân Thị Giôn là đại biểu điển hình của phụ nữ S’Tiêng, khi mở 2 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho 62 chị em tại địa phương và xã lân cận, góp phần bảo tồn di sản vật thể độc đáo của dân tộc thiểu số. Đây là một trong những việc làm thiết thực mà nữ nghệ nhân theo đuổi trong suốt 35 năm gắn bó với nghề dệt truyền thống.

Nghệ nhân Thị Giôn bên gian hàng thổ cẩm của mình.

Cơ sở dệt của Thị Giôn thuộc ấp Lồ Ô, xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Thành lập năm 2010, cơ sở thu hút 30 phụ nữ S’Tiêng làm việc tại xưởng. Nhiều chị em không có điều kiện tham gia, Thị Giôn động viên, khuyến khích và hỗ trợ dệt tại nhà với mức thu nhập bình quân hơn 2 triệu đồng mỗi tháng.

Nghệ nhân còn tự nguyện mở các lớp dạy nghề miễn phí, vận động phụ nữ trẻ S’Tiêng theo học để bảo tồn di sản văn hóa vật thể này. “Tôi cố gắng giữ gìn nghề truyền thống và truyền lại cho thế hệ sau. Hiện lớp trẻ học đòi quá. Chỉ còn cách ra sức bảo tồn, dạy cho con cháu để nghề truyền thống của cha ông không mất đi", Thị Giôn chia sẻ.

Để tạo ra sản phẩm mang tính riêng biệt, nghệ nhân cùng hội viên chú trọng khâu phối màu, học hỏi cách dệt thổ cẩm của dân tộc Chăm, Cơho... Từ đó, tạo ra những mẫu vải mới nhiều màu sắc, họa tiết tinh tế, phù hợp với túi tiền và thị hiếu lớp trẻ. Tuy nhiên, vẫn lấy hoa văn đặc trưng và phổ biến của dân tộc mình làm chủ đạo nhằm giữ gìn bản sắc của thổ cẩm S’Tiêng.

Thị Giôn cũng chủ động liên hệ với các siêu thị, hội chợ trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm của cơ sở được bày bán tại nhiều tỉnh như Bình Phước, Bạc Liêu, Đắk Nông, Bình Thuận… 

Nghệ nhân Thị Giôn được tôn vinh trong lễ trao giải “Phụ nữ tự tin tiến bước” tổ chức ngày 20/10.

Ngoài ra, nghệ nhân còn đề xuất xây dựng mô hình “mười trong một” để hỗ trợ chị em làm kinh tế, theo hình thức huy động vốn quay vòng. Mô hình này tạo việc làm cho 23 chị em trong chi hội, đồng thời hỗ trợ 3 người học may nâng cao tay nghề. Sau 5 năm đã giúp 3 chị mua dê và trâu trị giá hơn 18 triệu đồng để làm kinh tế.

Được sống với nghề dệt truyền thống của dân tộc, không chỉ Thị Giôn mà các bà, các chị em S’tiêng cũng cảm thấy tâm huyết. Thị Diêu, công nhân dệt tại cơ sở chia sẻ: “Tôi rất vui vì có thể tự tay dệt lên trang phục truyền thống cho bản thân và mọi người trong gia đình”. Trong khi đó, công việc giúp Rơ Nhi - người thợ trẻ sinh năm 1993, có thêm nguồn thu nhập cho gia đình mỗi khi rảnh rỗi.

Với nhiều đóng góp to lớn, nghệ nhân Thị Giôn đã được trao giải thưởng “Phụ nữ tự tin tiến bước”. Giải thưởng có tổng trị giá một tỷ đồng do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhãn hàng Ariel của Công ty P&G Việt Nam và Saigon Coop tổ chức, VnExpress bảo trợ truyền thông.

An San

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]