Sau đêm diễn kỷ niệm 10 năm ca hát của ca sĩ Hồ Ngọc Hà, phần lớn những thông tin phản ánh về đêm diễn tập trung khai thác việc “Hồ Ngọc Hà ám chỉ mình ly dị chồng thông qua âm nhạc”. Dù những câu hỏi liên quan đến cuộc sống riêng tư của ngôi sao này được giới truyền thông nhắc đến nhiều trước đó và cũng là điều công chúng quan tâm nhưng đêm diễn của cô xứng đáng được nói nhiều hơn về mặt chuyên môn. Rất tiếc, chẳng ai muốn bàn đến chuyện nghệ thuật.

Xem nghệ thuật, bàn chuyện li dị

Không khó để nhận ra những tâm huyết, nỗ lực mang đến công chúng hình tượng âm nhạc mới của Hồ Ngọc Hà thông qua đêm diễn đánh dấu 10 năm dấn thân showbiz của mình, nhất là khi giọng ca này vẫn còn ai đó nghi ngờ về chuyên môn ca hát. Nhưng dường như những giá trị nghệ thuật mà Hồ Ngọc Hà muốn chứng mình qua đêm diễn chẳng ai buồn bàn tới so với thông tin có hay không chuyện cô đã chia tay chồng.

Ngay sau đêm diễn, Hồ Ngọc Hà lên đường lưu diễn ở Mỹ, vì vậy chuyện về đời sống riêng tư của cô trên mặt báo chỉ là những phỏng đoán của người viết được xâu chuỗi từ những lời thoại, cách chọn và sắp xếp vài hát trong chương trình. Sự thật thì những lời thoại mang tính tự sự như một cách kể chuyện trong đêm diễn của Hồ Ngọc Hà là do NSƯT Thành Lộc viết để dẫn dắt chương trình thành một câu chuyện. Mọi sắp xếp trong đêm diễn đều là ý đồ nghệ thuật của ê-kíp thực hiện chương trình, kể cả phần biên tập âm nhạc nếu cho là ý đồ đề cập đến vấn đề cá nhân (nếu có) chắc chắn phải đứng sau mục đích tạo quả nghệ thuật của ê-kíp dàn dựng chương trình. Điều này hoàn toàn là sự thật bởi “không ai đánh đổi vị trí ngôi sao chỉ vì những điều nhỏ nhặt bên lề, đặc biệt chuyện riêng tư” – Hồ Ngọc Hà chia sẻ.

Sau live show của Mỹ Tâm vừa diễn ra tại sân vận động Quân khu 7 (TPHCM), dư luận lại ồn ào chuyện ban tổ chức khai gian số lượng khán giả đến với đêm diễn này. “Vì sao người ta không đề cập đến những gì Mỹ Tâm mang đến khán giả trên sân khấu mà chỉ xoay quanh chuyện có bao nhiêu người đến dự live show của cô ấy nhỉ? Với những gì đã làm ở live show này, cô ấy xứng đáng được tán dương về mặt chuyên môn chứ?” – nhạc sĩ Quốc An đặt vấn đề.

40.000 khán giả hay chưa đủ 40.000 khán giả đến với đêm diễn chắc chắn không làm ảnh hưởng đáng kể đến uy tín, chất lượng của Live concert heart beat – Mỹ Tâm. Vậy tại sao cứ phải “lăn tăn” về sai số của một thống kê mang tính tương đối. Mỹ Tâm vẫn là giọng ca giữ được độ nóng của mình bằng chính giọng hát và giá trị nghệ thuật mà cô mang lại, chẳng cần đến chiêu thuật mà cô mang lại, chẳng cần đén chiêu trò gì song tất cả những điều đó chẳng được dư luận quan tâm so với câu chuyện bên lề không đáng để làm to chuyện.

Nghệ sĩ tự đánh mất mình

Ngay trước, phòng trà ca nhạc là nơi khán thính giả đến để thưởng thức âm nhạc thật sự. Và chỉ có những giọng ca đủ chuẩn mới hát được ở các phòng trà. Còn bây giờ, phần lớn phòng trà ca nhạc đang trở thành những chương trình biểu diễn tạp kỹ. Ở đó, người ta không quá quan trọng giọng hát, phong cách âm nhạc mà chỉ cần người nổi tiếng, dù xấu hay tốt. Bởi vậy, những giọng ca kém chất đang không chỉ có cơ hội đứng chân ở sân khấu tạp kỹ ngoài trời mà còn chiễm lĩnh các phòng trà. Nhiều giọng ca phòng trà rất hay lâu nay không còn cơ hội tỏa sáng.

Hầu như mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật hiện nay đều chạy theo phục vụ cho nhu cầu giải trí của số đông công chúng, thích ồn ào, mới lạ và cũng “cả thèm chóng chán”. Hôm trước say Phương Mỹ Chi trong Giọng hát nhí  như điếu đổ nhưng khi xuất hiện Thiện Nhân trong giọng hát nhí mùa thứ 2 thì Phương Mỹ Chi cũng bị họ nhanh chóng lãng quên.

Trường hợp ca sĩ Hương Tràm – quán quân của chương trình Giọng hát Việt mùa đầu – là một ví dụ cho sự cuồng nhiệt ái mộ theo kiểu “bong bóng” của công chúng. Đến nổi bây giờ Hương Tràm phải tạo xì-căng-đan để hâm nóng tên tuổi của mình trong là showbiz chứ không bằng các sản phẩm âm nhạc chất lượng.

“Một đêm thành sao”, nghe có vẻ hài hước trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng lại là điều có thật, thậm chí phổ biến hiện nay khi các chương trình truyền hình thực tế xuất hiện dồn dập. Sự cám dỗ đó không phải ai cũng có thể vượt qua, thậm chí đó là những tên tuổi đã có vị trí trong lòng người hâm mộ. Họ cũng tham gia vào những cuộc chơi được “giật dây” bởi các nhà tổ chức. Ca sĩ Đức Tuấn trở thành thí sinh của chương trình truyền hình Cặp đôi hoàn hảo là một điển hình. Mất khá nhiều thời gian, Đức Tuấn mới định hình được phong cách âm nhạc khác biệt cho chính mình. Giọng hát bán cổ điển sang trọng, đẳng cấp chuyên môn này trở nên khôi hài khi phải trình diễn những ca khúc “dễ” hát cho bạn diễn và phù hợp với đại đa số khán giả truyền hình. Người hâm mộ ca sĩ này không còn nhận ra một Đức Tuấn luôn khước từ những gì không thuộc về sở trường của mình như lâu nay. Tất nhiên, anh chỉ đang đóng một vai trong một cuộc chơi, dù cuộc chơi ấy bị cho là quá nhiều chiêu trò và sẽ lại là chính mình trong các sản phẩm âm nhạc riêng sau khi cuộc chơi này kết thúc nhưng rõ ràng những giá trị gầy dựng được bao lâu nay của Đức Tuấn có phần giảm sút.

Thỏa mãn tò mò

Nắm bắt tâm lý tò mò của công chúng, chiêu thức mượn xì-căng-đan để nhanh nổi tiếng đã trở thành “mốt” được những gương mặt kém tài tán dụng. Những cuộc hôn nhân chớp nhoáng, những câu chuyện tình ái cảm động được thêu dệt, những câu chuyện khó nhọc đơn thân nuôi con… được chia sẻ nhiều hơn là công việc chuyên môn nghệ thuật. “Các trang báo, chủ yếu báo điện tử, trang mạng thông tin hiện nay giống như một quầy hàng “thịt tươi” – đạo diễn Phạm Hoàng Nam nhận định. Live show  Dấu ấn của Lam Trường chỉ vài ba tờ báo đưa tin nhưng đám cưới của anh thì hầu như báo nào cũng có, thậm chí có trang báo mạng đưa thành chuyên đề, hình ảnh thông tin tràn ngập không sót cảnh nào.

Khôi Nguyên/ Theo báo Người Lao động