Ngừa cúm A (H1N1) hiệu quả - Cách gì?

Trước sự gia tăng của dịch cúm A (H1N1) trên toàn cầu, nhiều người lo ngại nguy cơ lây nhiễm bệnh, nhất là những người đi đến vùng có ổ dịch đang bùng phát,

0

Trước sự gia tăng của dịch cúm A (H1N1) trên toàn cầu, nhiều người lo ngại nguy cơ lây nhiễm bệnh, nhất là những người đi đến vùng có ổ dịch đang bùng phát, họ rất lo lắng có nên dùng thuốc chống cúm hay không? Các chuyên gia y tế khuyến cáo, chỉ sử dụng thuốc điều trị cúm khi có chỉ định của bác sĩ.

Tuân thủ các biện pháp phòng bệnh của ngành y tế là quan trọng nhất

Khi đại dịch cúm xảy ra, những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất không ai khác là các nhân viên y tế điều trị trực tiếp bệnh nhân cúm A (H1N1) hay những người làm công tác xét nghiệm. Mặc dù nguy cơ lây nhiễm là rất cao song do đảm bảo chặt chẽ yêu cầu phòng bệnh ở tất cả các khâu nên cho đến nay không ghi nhận bất kỳ một trường hợp nhân viên y tế nào nhiễm cúm A (H1N1) cũng như cúm A (H5N1).

 Người dân cần sử dụng khẩu trang và tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng chống cúm A (H1N1).

BS. Trần Văn Đông - Phòng Giám sát cúm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, anh là một trong nhiều nhân viên của Viện có nhiệm vụ đi giám sát dịch và lấy bệnh phẩm của những bệnh nhân có nghi ngờ hội chứng cúm nói chung, đặc biệt là cúm A (H5N1) và cúm A (H1N1) hiện nay nhưng tất cả những nhân viên y tế của Viện đều đảm bảo sức khỏe và không có sự lây nhiễm nào. Đây là một cơ quan hàng đầu của ngành dịch tễ trong cả nước nên tất cả các nhân viên đều tuân thủ nghiêm ngặt mọi khuyến cáo về phòng bệnh, như đeo khẩu trang chuyên dụng, mang găng tay y tế, mặc quần áo bảo hộ đúng cách khi tiếp xúc với bệnh nhân để lấy bệnh phẩm, thực hiện đúng yêu cầu an toàn sinh học tại các phòng xét nghiệm, phòng thí nghiệm. Đồng thời đối với những người làm công tác chống dịch bệnh chuyên nghiệp đều phải có ý thức giữ gìn sức khỏe cá nhân, không sử dụng các chất như rượu, bia, thuốc lá, có chế độ dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe đi chống dịch.

Tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, TS. Nguyễn Văn Kính - Viện trưởng cho biết, tất cả các nhân viên y tế đều được trang bị quần áo, khẩu trang... chuyên dụng phòng sự lây nhiễm cúm A (H1N1) từ bệnh nhân. Đặc biệt đây là bệnh viện có nhiều kinh nghiệm chăm sóc và điều trị các bệnh nhân SARS và cúm A (H5N1), nên các nhân viên y tế từ bác sĩ, điều dưỡng, các nhân viên phòng xét nghiệm đều tuân thủ nghiêm ngặt mọi yêu cầu phòng bệnh và không để xảy ra sự lây nhiễm đáng tiếc nào.

Không được sử dụng thuốc điều trị cúm như vaccin phòng bệnh

       Các bác sĩ cảnh báo: Việc sử dụng tràn lan và không hợp lý những thuốc kháng virut vừa không mang lại hiệu quả, vừa làm gia tăng nguy cơ kháng thuốc. Khi đó, việc chữa trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều do vi rút cúm A/(H1N1) chỉ nhạy cảm với một số loại thuốc.

      Hiện nay ở nước ta, ngoài số thuốc đã phân bổ về các địa phương thì Bộ Y tế cũng đã dự trữ nguồn nguyên liệu thuốc, sẵn sàng sản xuất thuốc tamiflu khi cần thiết.

Theo TS. Nguyễn Văn Kính, thuốc sử dụng cho điều trị cúm hiện nay chủ yếu là tamiflu. Khác với vaccin, khi tiêm vào cơ thể sẽ tạo ra kháng thể chống lại sự tấn công của virut thì thuốc kháng virut - làm giảm sự nhân lên của virut trong cơ thể - chỉ được sử dụng khi bắt đầu có dấu hiệu bệnh, không có chỉ định uống để phòng bệnh.  Đặc điểm của thuốc tamiflu sau 7 giờ đã bị đào thải ra ngoài nên chỉ dùng cho những trường hợp đã có triệu chứng bệnh. BS. Trần Văn Đông cũng khẳng định, việc sử dụng thuốc tamiflu để phòng bệnh là hết sức sai lầm vì không chỉ không phòng được bệnh mà còn có nguy cơ dẫn đến kháng thuốc nếu không may mắc bệnh. Trường hợp cần dùng tamiflu dự phòng chỉ dành cho nhân viên y tế có tiếp xúc với bệnh nhân mà không được bảo vệ. Do không biết người đó mắc bệnh, khi tiếp xúc không mang trang bị kính bảo hộ, khẩu trang đúng tiêu chuẩn, găng tay y tế và tiếp xúc gần dưới 1m.

Các bác sĩ cho biết, thuốc tamiflu được chỉ định cho việc điều trị cúm A không biến chứng ở người lớn và trẻ em trên 1 tuổi. Tác dụng của thuốc sẽ phát huy tối đa nếu được dùng trong vòng 48 giờ kể từ khi có triệu chứng cúm như: sốt, ho, đau họng, sổ mũi, đau nhức, mệt mỏi... sẽ làm giảm triệu chứng và rút ngắn thời gian bệnh khoảng 1-2 ngày. Nếu dùng thuốc sớm hơn, trong vòng 12-24 giờ, sẽ rút ngắn thời gian bệnh đến 2-3 ngày. Vì vậy dùng thuốc càng sớm càng tốt. Với trẻ từ 1-12 tuổi, hiệu quả điều trị cúm A khoảng 67%. Nếu có biến chứng, bị bội nhiễm đưa đến viêm phổi nặng phải dùng thêm nhiều thuốc khác.

TS. Kính khẳng định, phác đồ điều trị cúm A (H1N1) do Bộ Y tế xây dựng có tác dụng điều trị rất hiệu quả, bệnh nhân đầu tiên mắc cúm A (H1N1) ở miền Bắc đã được xuất viện và nhiều bệnh nhân khác trong phía Nam cũng đã được xuất viện, không có trường hợp biến chứng nguy hiểm nào xảy ra.

Hà Anh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]