Người bệnh tiểu đường dễ bị mù phải không bác sĩ?

(AloBacsi) - Khi nào thì người bệnh tiểu đường có biến chứng? Nếu thỉnh thoảng đường huyết chỉ cao 1 ngày có bị biến chứng không? Và phòng tránh thế nào?

15.5688

 

Chào BS Tuyết Hoa,

 

Em đọc trong tài liệu phát cho bệnh nhân đái tháo đường, người bệnh có nguy cơ bị mù gấp 20-25 lần người bình thường. Sau 10 năm mắc bệnh, 60% bệnh nhân ĐTĐ có dấu hiệu bệnh võng mạc.

 

BS có thể cho biết, các loại bệnh võng mạc mà người bệnh ĐTĐ hay gặp phải là gì? Em phải đi kiểm tra mắt ở đâu, tại phòng mạch BS điều trị tiểu đường hay chuyên khoa mắt ?

 

Em đang uống Glucofast 850mg, mỗi ngày 1 viên. Việc uống lâu dài thuốc này có ảnh hưởng đến chức năng thận, gan không BS? Thỉnh thoảng em có cần đổi thuốc không? Mong hồi âm của BS rất nhiều!

 

Nguyễn Thị Lành - Cai Lậy, Tiền Giang

 

 

Chào bạn Lành,

 

Các tổn thương võng mạc ở người ĐTĐ bao gồm:

 

- Sang thương cơ bản

 

- Sang thương tiền tăng sinh

 

- Sang thương tăng sinh

 

Những hình ảnh của sang thương rất đặc hiệu và dễ dàng được BS chuyên khoa mắt lẫn ĐTĐ nhận biết. Người ĐTĐ típ 2 nên đi kiểm tra đáy mắt mỗi năm 1 lần kể từ  khi được chẩn đoán. Em có thể khám mắt ĐTĐ tại chuyên khoa mắt.

 

Đang uống Glucofast mà đường huyết em ổn định thì hãy tiếp tục và nhớ giữ chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý. Thuốc không ảnh hưởng đến chức năng gan thận, nếu trước khi uống gan thận em vẫn bình thường. Việc đổi thuốc phải có sự chỉ định của chuyên khoa với lý do xác đáng, em nhé.

 

Thân mến!

 

TS-BS Lê Tuyết Hoa

 

  Người ĐTĐ típ 2 nên đi kiểm tra đáy mắt mỗi năm 1 lần tại chuyên khoa mắt

 
 

Chào BS Tuyết Hoa,

 

Là cán bộ hưu trí nên tôi đọc khá nhiều tài liệu về bệnh tiểu đường vì cả tôi và bà nhà tôi đều bị tiểu đường tuyp 2. Tôi đã đọc loạt bài tư vấn của chị trên AloBacsi. Tôi thấy dễ hiểu và không bi quan về bệnh nữa.

  

Theo tôi hiểu thì đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa Glucid mạn tính, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như biến chứng mạch máu nhỏ và mạch máu lớn. Sợ nhất là các biến chứng về tim mạch, tai biến mạch máu, tăng huyết áp. Nhờ BS tư vấn làm sao để phát hiện và điều trị sớm. Có cách nào tránh khỏi các biến chứng, thưa BS?

 

Kính chúc BS sức khỏe và tư vấn thật hay. Trân trọng.

 

Hoàng Nam - Giáp Bát, Hà Nội

 

 

 

Xin chào anh,

 

Trong hoàn cảnh của nước ta, đi khám định kỳ tại chuyên khoa là điều kiện cần để được theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng mạch máu lớn/nhỏ của bệnh ĐTĐ.

 

- Đánh giá tim mạch: luôn luôn ở mỗi lần khám và tiến hành các thử nghiệm thích hợp khi có chỉ định (bao gồm đo huyết áp, thăm khám, đo điện tim, siêu âm tim khi cần hoặc thực hiện nghiệm pháp gắng sức…)

 

- Khám đáy mắt, bàn chân mỗi năm

 

- Chức năng thận, đo lượng albumin trong nước tiểu mỗi năm 1 lần

 

- Thử HBA1C mỗi 3-6 tháng

 

Để tránh và làm chậm tiến triển của biến chứng mạch máu, BS luôn điều chỉnh huyết áp, đường huyết và lipid máu của người bệnh đảm bảo chúng luôn trong giới hạn cho phép.

 

Cảm ơn lời chúc của anh, BS cũng chúc anh và chị nhà luôn vui - khỏe!

 

TS-BS Lê Tuyết Hoa

 

 

 

Chào bác sĩ,

 

Tôi năm nay 45 tuổi, trọng lượng 74kg cao 1,7m. Tôi bị bệnh ĐTĐ được 7 năm. Đường huyết bình quân sáng đo được từ 0,9 - 130, HBA1C là 7,8. Có những bữa sau ăn 2 tiếng, đường huyết đo được trên 180mg/l.

 

Tôi nghe nói lượng đường cao thì bị biến chứng? Khi nào thì xuất hiện biến chứng? Nếu thỉnh thoảng đường huyết cao 1 ngày có bị biến chứng không? Biện pháp phòng tránh như thế nào ạ?

 

Tôi thấy sức đề kháng của tôi giảm hẳn từ khi bệnh là vì sao, thưa BS? Xin BS cho tôi lời khuyên. Cảm ơn BS rất nhiều!

 

Thanh Loan - Biên Hòa, Đồng Nai

 

    

Chào chị Thanh Loan,

 

Xin được hỏi lại chị: Đường huyết bình quân sáng đo được từ "0,9 - 130", có thể đã viết nhầm không? Có lẽ là 90-130 mg/dL?

 

Đường huyết đói đạt yêu cầu nhưng đường huyết sau ăn của chị chưa được tốt. Đường huyết khi đói và sau ăn đều có ảnh hưởng trên biến chứng mạch máu của bệnh ĐTĐ.

 

Việc xuất hiện biến chứng phụ thuộc nhiều yếu tố:

 

- Mức đường huyết (khi đói lẫn sau ăn 2 giờ)

 

- Thời gian bệnh ĐTĐ: thường thì thời gian càng dài (tính bằng năm) thì biến chứng càng nhiều

 

- Cơ địa

 

- Tình trạng/bệnh đi kèm khác (ví dụ: thừa cân, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, suy dinh dưỡng...)

 

Chị luôn tuân thủ việc ăn uống hợp lý hàng ngày (đảm bảo số lượng và chất lượng bữa ăn cân đối như nhau), tập thể lực và dùng thuốc theo hướng dẫn, trao đổi với bác sĩ... là cách tốt nhất để kiểm soát đường huyết.

 

Thân ái chào chị!

 

TS-BS Lê Tuyết Hoa

 

 

Chất xơ trong sữa dành cho người tiểu đường không thể thay thế vai trò của rau cải
 
 
Thưa bác sĩ Tuyết Hoa,

 

Hiện nay ở thị trường có loại sữa Glucena loại nước (sữa tươi) dùng cho bệnh nhân đái tháo đường, tôi uống sữa đó có tốt không thưa BS? Nghe nói uống sữa này có thể thay rau (không cần ăn rau), điều này có đúng không? Cảm ơn BS Tuyết Hoa rất nhiều!

 

Tấn Phúc - phuctan…@gmail.com

 

    

Anh thân mến,

 

Các loại sữa dành cho người ĐTĐ đều mong đạt được mục tiêu (1) ít gây tăng đường huyết nhanh sau uống nên luôn có thêm chất xơ (trong khi sữa cho người bình thường không có), (2) hàm lượng chất béo bão hòa thấp (3) bổ sung nhiều vitamin và vi khoáng có lợi cho sức khỏe.

 

Sản phẩm Glucerna cũng vậy, chứa ít chất bột đường, bổ sung những chất béo có lợi và có chất xơ, do vậy có thể kiểm soát glucose ở người có tăng đường huyết, dùng thay thế bữa ăn hay để bổ sung chế độ ăn hàng ngày nhất là cho người ăn uống kém, không đủ chất dinh dưỡng.

 

Tuy nhiên, nếu anh có bệnh ĐTĐ nhưng thể chất khỏe mạnh, ăn uống hợp lý và đủ lượng calories hàng ngày thì việc bổ sung thêm sữa có thể không cần thiết. Chất xơ trong sữa không thể thay thế vai trò của rau cải được. Lưu ý khi uống thêm 1 hộp 237mL (sữa dạng lỏng) anh sẽ đưa thêm vào cơ thể 237 kcal.

 

Chào anh!

 

TS-BS Lê Tuyết Hoa

 

 

 

Thưa BS Tuyết Hoa,

 

Cháu bị tiểu đường tuyp 1 đã 2 năm. Cháu tiêm insulin và đường máu đã ổn định. Tuy nhiên 2 tháng gần đây, đường máu của cháu lại tăng cao từ mức 9,7 đến 13, và còn bị sút 2kg nữa. Mặc dù cháu vẫn tiêm insulin đều và BS đã tăng liều tiêm cho cháu lên buổi sáng là 18 và buổi chiều là 14. Vậy mà cháu đo thường xuyên vẫn chưa thấy trở về mức bình thường.

 

Có khi nào cháu bị kháng insulin không ạ? Cháu lo quá, mong BS Tuyết Hoa cho cháu lời khuyên. (Cân nặng: 45 kg, Chiều cao 160 cm, Nữ, 27 tuổi)

 

Thu Nguyệt - Khánh Hòa

 

 

Thu Nguyệt ơi,

 

Trước tiên, hãy xem lại việc ăn uống và tập luyện của cháu, bảo đảm không quá lố hay thiếu hụt... Nếu đã đúng như hướng dẫn thì cháu cần đi khám chuyên khoa, BS sẽ loại trừ khả năng cháu có một bất thường nào khác xảy ra khiến đường huyết không kiểm soát được như trước (có một nhiễm trùng chẳng hạn...) và sẽ có can thiệp phù hợp.

 

 Ở liều insulin tiêm này, cháu chưa bị đề kháng đâu cháu à... cháu đừng lo nhé.

 

Thân mến!

 

TS-BS Lê Tuyết Hoa

 

 

 

Thưa BS Tuyết Hoa,

    

Em năm nay 25 tuổi, bị tiểu đường tuyp 1. Em muốn nhờ BS tư vấn giúp điều tế nhị này. Em và chồng có ý định kế hoạch. Trước có dùng bao cao su nhưng thấy bất tiện nên giờ muốn chuyển sang dùng thuốc tránh thai hằng ngày. Tuy nhiên, em không biết dùng viên tránh thai hằng ngày loại gì để không ảnh hưởng tới đường huyết?

 

Nhân đây nhờ BS cho biết phòng mạch hay bệnh viện chị công tác để em đến khám bệnh trực tiếp được không? Em rất thích các câu trả lời của BS trên AloBacsi nên muốn được BS điều trị trực tiếp. Chân thành cảm ơn BS!

 

Thúy Vân - Q. Phú Nhuận, TPHCM

 

 

Cám ơn em đã tin cậy,

 

BS muốn hỏi thêm em là, em bị ĐTĐ bao lâu rồi? Vì sao phải kế hoạch vậy? Có phải em lo ngại việc sanh nở không?

 

Đúng là việc điều trị ĐTĐ típ 1 sẽ thử thách hơn nếu trong thời kỳ mang thai và sanh nở. Tuy nhiên mình vẫn có thể quyết định mang thai nếu tình trạng bệnh tật của em cho phép.

 

Nhìn chung thuốc tránh thai ít ảnh hưởng đến đường huyết. Em có thể dùng thuốc tránh thai thích hợp theo hướng dẫn của BS sản phụ khoa là được rồi. Và có thể gặp chị tại số 109/9 Lê Quốc Hưng P.12 quận 4 (TP.HCM)  vào các chiều thứ 2, 4, 6.

 

Hẹn gặp lại em! 

 

TS-BS Lê Tuyết Hoa

 
Bài tư vấn của TS-BS Lê Tuyết Hoa các kỳ trước:
 
Kỳ 6:
 
Kỳ 5:
 
Kỳ 4:
 
Kỳ 3:
 
Kỳ 2:
 
Kỳ 1:   

 

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]