Sỏi thận là căn bệnh thuộc đường tiểu - sinh dục phổ biến thứ 3 sau các bệnh viêm
nhiễm và tuyến tiền liệt. Nguyên nhân gây bệnh là do rối loạn trao đổi chất khoáng, những cái lẽ ra
phải tan lại không tan mà kết tủa và tích tụ trong cơ thể, dần dần hình thành sỏi.
Chế độ ăn uống cho người bị sỏi thận rất đa dạng, phụ thuộc vào thành phần của
sỏi. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý, lối sống khoa học, sẽ góp phần phòng ngừa bệnh thận cũng như làm
chậm tiến triển của bệnh.
Dưới đây là một số điều cần ghi nhớ về chế độ ăn mà các bác sỹ thường dặn dò bệnh
nhân bị sỏi thận:
1. Nước uống
Bệnh nhân nên uống khoảng 2,5-3 lít nước lọc mỗi ngày (chia ra uống đều nhiều lần
trong ngày) hoặc ăn uống làm sao để có lượng nước tiểu đạt trên 2,5 lít trong một ngày. Đi tiểu
nước tiểu màu trắng trong chứng tỏ uống đủ lượng nước. Uống nhiều nước vừa giúp tránh bị sỏi thận
vừa giúp tống xuất những viên sỏi nhỏ nếu có. Giảm các thực phẩm chứa nhiều oxalat như: trà đặc, cà
phê, nước ngọt.
2. Các loại thịt
Một nguyên nhân quan trọng gây bệnh sỏi thận là nạp vào cơ thể quá nhiều chất
béo, quá nhiều thịt động vật, đặc biệt là thịt mỡ lợn, đều là những thức ăn có quá nhiều chất
béo.
Vì vậy, người bị bệnh thận nên cố gắng hạn chế ăn thịt, thịt gia cầm, đặc biệt là
nội tạng động vật. Có thể ăn cá thay cho thịt, tôm cua có thể ăn vừa phải được.
3. Các thực phẩm chứa canxi
Bệnh nhân nên ăn uống điều độ các thực phẩm chứa canxi như sữa, phô mai… Mỗi ngày
có thể dùng khoảng 3 ly sữa tươi hoặc một số lượng tương đương các sản phẩm từ sữa như: bơ, phomai
(khoảng 800-1,300mg chất canxi).
Không nên kiêng cữ quá mức những thực phẩm chứa canxi, vì như thế sẽ gây ra mất
cân bằng trong việc hấp thu canxi, khiến cơ thể hấp thu nhiều hơn oxalat từ ruột và sẽ tạo sỏi
thận, hoặc gây loãng xương.
Những trường hợp bị sỏi thận tái phát nhiều lần, sau khi xét nghiệm kiểm tra có
bằng chứng đa canxi niệu do tăng hấp thu canxi từ ruột thì cần kiêng canxi, nhưng không phải kiêng
hoàn toàn, mà cần ăn khoảng 400mg mỗi ngày, tức tương đương 1,5 ly sữa tươi.
4. Hoa quả
Những loại quả có hàm lượng vitamin B1 rất có lợi cho việc làm hòa tan sỏi. Người
bệnh nên ăn nhiều một chút, ví dụ như: quýt, táo, chuối, dưa hấu, hồng.
Các hoa quả có chứa vitamin C cũng giúp ích cho việc hòa tan sỏi như: kiwi,
cam... Nên uống nhiều nước cam, nước chanh, nước bưởi tươi: những loại thức uống này chứa nhiều
citrat giúp chống lại sự tạo sỏi thận.
Không nên ăn những hoa quả có chứa nhiều bazơ oxalic như: nho, hoa quả khô; tránh
ăn táo; những hoa quả chua nên ăn vừa phải.
5. Rau xanh
Nên ăn những loại rau xanh có hàm lượng dinh dưỡng và vitamin cao như: dưa chuột
giúp tiêu hóa nhanh, giảm hấp thu các chất gây sỏi thận. Nên ăn mộc nhĩ một cách vừa phải. Không
nên ăn các loại đậu, rau cần, ớt xanh, rau mùi, rau chân vịt, rau muống.
Theo Vân Anh - Sức khỏe gia đình