Người cao tuổi cần biết về chứng tâm dương hư

Đông y cho rằng: “Chứng hồi hộp tim không ngoài hai loại: Một là do hư, hai là do ẩm. Khí hư là do dương khí hư ở trong. Dưới tâm (tim) có cảm giác trống rỗng, hỏa khí động ở trong sinh ra hồi hộp. Huyết hư cũng vậy, ẩm ứ đọng là do nước ứ đọng ở tâm bào (màng tim).

15.5995

Tâm là hỏa sợ nước, nước ứ đọng ở tâm bào lạc thì tâm không yên ổn, mà hồi hộp. Cũng có khi hồi hộp do: Sau khi hãm, thổ, hạ nên chính khí bị hư ở bên trong, cũng có khi tà khí xung đột nhau mà hồi hộp, cũng có khi do dinh vệ cạn nguồn mà sinh ra chứng mạch kết đại, trường hợp này phải sinh tân dịch và ích bổ khí huyết để giúp đỡ cái hư của tâm”.

  • 1

    Nguyên nhân bệnh:

    Chứng tâm dương hư là do dương khí trong tâm bất túc, khí huyết mất sự vận chuyển sung mãn đầy đủ, phần nhiều do tuổi cao tạng khí hư suy, do ốm lâu ngày thể lực suy yếu, ra mồ hôi quá nhiều làm hao tổn dương khí, hoặc do phú bẩm bất túc dẫn đến tâm dương không mạnh, sự vận chuyển khí huyết không đầy đủ, hoặc do suy nghĩ quá nhiều làm tổn hao tâm thần dẫn đến tâm dương bất túc, hoặc do tâm âm bất túc làm liên lụy đến tâm dương, sự hao tổn của dương khí là nguyên nhân sinh bệnh. Chứng tâm dương hư thường gặp trong các chứng: Tâm quý, hung tí, hư lao.

  • 2

    Triệu chứng:

    Bệnh nhân luôn thấy tâm hồi hộp, có cảm giác vùng ngực trống rỗng khó chịu, hay sợ sệt, thở gấp, tự ra mồ hôi, tay chân lạnh, sắc mặt trắng bệch, mỏi mệt, sức yếu, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, lưỡi non mà bệu, mạch tế nhược, hoặc kết đại, hoặc trì.

  • 3

    Cơ chế bệnh:

    Tâm là chúa tể của sinh mạng con người, quản lí các tạng phủ, điều hòa mọi hoạt động của cơ thể. Đông y cho rằng: “Tâm là đại chủ của năm tạng, sáu phủ là chỗ ở của tinh thần”. Trong quá trình diễn biến của bệnh tật, chứng tâm dương hư thường xuất hiện trong các tình huống: Do dương khí bất túc không có lực đẩy huyết để huyết vận hành dẫn đến huyết ứ sinh ra đau ở vùng tâm, chất lưỡi tía tối; Khí là soái của huyết, khí lưu thông thì huyết lưu thông, do tâm dương bất túc nên khí suy yếu, vận hành kém dẫn đến khí trệ nên vùng ngực khó chịu và đau. Do tâm dương bất túc, không ôn hòa được thủy ẩm, dẫn đến đàm ẩm ứ lại trong tâm bào (màng tim), xuất hiện chứng vùng ngực khó chịu, bứt rứt, đoản hơi, nếu thủy khí nghịch lên sinh choáng váng. Khi tâm dương hư có xu hướng ác hóa, dương khí thoát đột ngột, xuất hiện tâm dương hư thoát, mồ hôi đầm đìa, tay chân lạnh, mạch vi nhược muốn tuyệt, bệnh nhân có thể tử vong.

  • 4

    Điều trị chứng tâm dương hư sinh ra các bệnh.

    Tâm dương hư sinh chứng tâm quý (rối loạn nhịp tim). Do khí và âm của tâm hư, dẫn đến tâm dương bất túc, làm tổn hại tâm dương mà sinh bệnh. Triệu chứng: Tâm có cảm giác rỗng không nên hồi hộp sợ hãi. Điều trị: Ôn thông tâm dương. Bài thuốc: Quế chi cam thảo long cốt mẫu lệ thang. Quế chi 12 g, Cam thảo 16 g, Long cốt 16 g, Mẫu lệ 16 g. Bài thuốc có tác dụng điều trị chứng hỏa nghịch, sau khi dùng thuốc hạ, lại dùng thiêu châm làm tổn thương tâm dương mà vật vã không yên, hồi hộp sợ hãi. Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống ba lần trong ngày, tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia giảm cho thích hợp.

    Tâm dương hư sinh chứng hung tí (chứng co thắt mạch vành tim). Do tâm khí bất túc dương khí trong hung cách không mạnh, làm vít lấp tắc nghẽn tâm khiếu, hoặc do đàm trọc làm nghẽn tâm dương, dương khí, khí huyết không thông, mạch ở tâm tắc nghẽn mà sinh bệnh. Triệu chứng: Vùng ngực khó chịu, đau từng cơn, đoản hơi, người mệt mỏi… Điều trị: Ôn trung tán hàn. Bài thuốc: Quát lâu giới bạch bán hạ thang, hoặc bài Ngô thù du hoàn. Quát lâu 1 quả, Bạch giới 120 g, Bán hạ 25 g, rượu trắng vừa đủ. Khi tâm khí bị bế tắc, đau xiên từ vùng ngực ra sau lưng phế khí không thông có thể gia thêm một số vị thuốc khác để điều trị. Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống ba lần trong ngày, uống lúc đói khi thuốc còn ấm.

    Tâm dương hư sinh chứng hư lao (suy tim). Do tâm dương bất túc, huyết đi không lưu lợi, tâm khí không đầy đủ mà sinh bệnh. Triệu chứng: Bệnh nhân sắc mặt trắng bệch, tự ra mồ hôi, người mệt mỏi, sức yếu, lưỡi nhạt, mạch nhược. Điều trị: Ôn dương ích khí. Bài thuốc: Tứ nghịch thang phối hợp với bài Bổ khí vận tỳ thang. Phụ tử chế 8 g, Cam thảo 80 g, Can khương 60 g, Hoàng kì 12 g, Nhân sâm 8 g, Bạch truật 12 g, Phục linh 12 g, Sinh khương 6 g, Trần bì 12 g, Sa nhân 12 g, Bán hạ 10 g, Đại táo 12 g. Bài thuốc có tác dụng điều trị chứng thiếu âm dẫn đến dương khí hư suy, âm thịnh, hàn thịnh ở trong, chân tay quyết nghịch. Cách dùng: Tùy sức khỏe bệnh nhân mà dùng liều lượng cho thích hợp. Ngày uống một thang, sắc uống ba lần trong ngày, uống sau khi ăn.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]