Người nhiễm viêm gan B dễ bị ung thư gan

Khoảng 10-20% bệnh nhân xơ gan có thể biến thành ung thư gan. Bệnh nhân bị nhiễm virus B có xác suất ung thư gan cao gấp 200 lần người bình thường.

15.635

Viêm gan siêu vi B cấp thường có biểu hiện giống như cảm cúm

Trao đổi trên Vnexpress, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tấn Cường, Giám đốc y khoa Bệnh viện Quốc tế Thành Đô cho biết, ước tính hiện có khoảng 8,6 triệu người Việt Nam nhiễm virus viêm gan B. Bệnh viêm gan siêu vi B thường phát triển theo các giai đoạn: viêm gan siêu vi B cấp, viêm gan siêu vi B mạn và những người lành nhưng mang mầm bệnh trong cơ thể.

Viêm gan siêu vi B cấp thường có biểu hiện giống như cảm cúm, thỉnh thoảng có cảm giác buồn nôn, ói mửa, sụt cân, ăn kém ngon, ngứa khắp người. Người bị bệnh nặng hơn có thể gặp các triệu chứng sốt, vàng da, vàng mắt, đau bụng, đau khớp, đau cơ, nước tiểu có màu vàng sậm.

Khi chuyển sang giai đoạn viêm gan siêu vi B mạn tính thì người bệnh hầu như không có triệu chứng và luôn cảm thấy sức khỏe bình thường hoặc đôi khi có mệt mỏi, chán ăn. Hậu quả nghiêm trọng nhất của người bị viêm gan siêu vi B mạn tính là xơ gan với các biến chứng như có dịch trong ổ bụng, chảy máu đường tiêu hóa, ung thư.

Khi bệnh đã diễn tiến xơ gan thường khó hồi phục mặc dù tình trạng viêm gan được cải thiện. Vì vậy cần điều trị bệnh sớm nhằm ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình xơ gan. Khoảng 10-20% bệnh nhân xơ gan có thể biến thành ung thư gan. Bệnh nhân bị nhiễm virus B có xác suất ung thư gan cao gấp 200 lần người bình thường. Tại Việt Nam 60-70% ca ung thư gan có nhiễm virrus B, 20% nhiễm virus C.

Những người lành mang mầm bệnh là khi cơ thể nhiễm virus viêm gan B nhưng không có dấu hiệu hay triệu chứng viêm gan nào biểu hiện. Virus có thể ở trong cơ thể suốt đời, nhưng cũng có một lúc nào đó nó phát triển thành bệnh trong người và lây truyền cho người khác. Vì vậy cần cảnh giác bằng cách đến gặp bác sĩ mỗi 3-6 tháng tùy trường hợp để được kiểm tra.

Tùy theo quyết định của bác sĩ, một số trường hợp cần điều trị sớm và tích cực để loại trừ hoặc giảm thiểu tình trạng viêm gan, do đó ngăn ngừa, làm chậm tiến triển sang giai đoạn xơ gan, ung thư gan. Bên cạnh đó, người bệnh nên đi khám bác sĩ định kỳ nhằm đào thải toàn bộ, hoặc một phần lượng virus B trong cơ thể, đặc biệt ở trong gan những người lành có mang mầm bệnh.

Có phải cứ nhiễm HBV là dùng thuốc?

Theo thông tin trên trang thông tin điện tử Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, Virus viêm gan B (HBV) phân làm 4 trường hợp:

- Trường hợp 1: Có kháng nguyên bề mặt HBsAg (+) chứng tỏ có virut;  có kháng nguyên nội sinh HBeAg (+) chứng tỏ virut đang sinh sôi, có dấu hiệu lâm sàng viêm gan B rõ (vàng mắt, vàng da, mệt mỏi chán ăn; enzym gan  ALT-alanin aminotranferase tăng. Bình thường ALT= 40U/L, khi bị bệnh ALT tăng gấp 2 lần trở lên). Đây là trường hợp  cần phải  dùng thuốc.

- Trường hợp 2: HBsAg (+) chứng tỏ có virut; HBeAg(-) chứng tỏ không có dấu hiệu virut sinh sôi; không có dấu hiệu lâm sàng rõ. Đây là trường hợp người lành mang mầm bệnh, không dùng thuốc.

- Trường hợp 3: HBsAg (+) chứng tỏ có virut; HBeAg(+) chứng tỏ virut đang sinh sôi, nhưng không có dấu hiệu lâm sàng. Đây là trường hợp người "dung nạp được miễn dịch" cũng chưa cần dùng thuốc. Nhưng trường hợp này có nguy cơ cao, virut có thể tái kích hoạt gây bệnh nên cần theo dõi, nếu thấy xuất hiện các biểu hiện lâm sàng thì khám ngay để kịp thời dùng thuốc.

- Trường hợp 4: HBsAg (+) chứng tỏ có virut; HBeAg (-) chứng tỏ không có dấu hiệu virut sinh sôi nhưng lại có dấu hiệu lâm sàng. Đây là trường hợp người bệnh đã từng bị viêm gan B mạn, virut từng kích hoạt âm thầm, sau đó ngừng kích hoạt gọi là người viêm gan B không hoạt tính; chưa cần dùng thuốc (vì virut chưa tái sinh sôi, chưa thực sự tái kích hoạt, dùng sẽ không có lợi). Tuy nhiên phải theo dõi chặt chẽ: khám lâm sàng, xét nghiệm định kỳ, khi cần thiết phải can thiệp ngay.

Tiến Khê

Nên đọc

Theo GĐVN

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]