Gam màu trầm
Bà Hường ngậm ngùi: “Quê tôi tận Nghệ An. Khi còn con gái đã có những trục trặc về sức khỏe, lấy chồng 3 năm nhưng vẫn không có con, nên bị chồng bỏ. Sau đó, tôi theo họ hàng vào Lâm Đồng lập nghiệp. Trong một lần bưng nồi cám heo vừa mới nấu, do sức yếu nên tôi đã bổ nhào luôn vào nồi cám nóng. Nằm trong bệnh viện Chợ Rẫy mấy tháng trời, hết khả năng lao động, tôi về quê.
Những người trong trung tâm chăm sóc người khuyết tật giúp tôi có việc làm là bán tăm tre. Lang thang này đây mai đó, mỗi tháng tôi được chừng 600.000-700.000 đồng. Từ giữa năm ngoái, tự nhiên trên tay tôi nổi một cái mụn nhỏ, sau đó lớn sùi lên như một ụ cây, chảy máu. Sư cô và mọi người góp tiền bảo tôi đi bệnh viện”.

Theo bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, trưởng khoa ngoại - ung bướu, cho biết ung thư da là một bệnh khá phổ biến ở người lớn tuổi, nguyên nhân chủ yếu do tia cực tím từ ánh sáng mặt trời. Đặc biệt, những người có nền sẹo co kéo, hay viêm da lâu lành, dễ chuyển sang ác tính. Triệu chứng rõ nhất là các vết lở loét, sùi lên kéo dài lâu lành hay một nốt ruồi tự nhiên thay đổi kích thước, ngứa, chảy máu hay rỉ dịch. Ung thư da thường xuất hiện ở vùng đầu cổ.  

Bác sĩ Vũ cho biết: “Điều trị ung thư da tương đối dễ, chỉ cần phẫu thuật nếu bệnh nhân ở giai đoạn đầu. Đối với trường hợp của bệnh nhân Hường, điều trị ung thư da tương đối khó khăn. Bệnh nhân đã bị sẹo bỏng co rút hơn 20 năm. Da sẹo bị xơ hóa, như cây khô nên rất khó tiếp nhận da ghép. Chúng tôi đã mổ tạo hình, tách dính và ghép da, phải đợi da lành khoảng 2 tháng nữa, mới có khả năng điều trị tiếp. Hiện nay, sẹo trên da mặt cũng đã bắt đầu có xuất hiện nốt ung”.

Người dưng tốt bụng

Đi cùng với bà Hường, chị Nguyễn Thị Nhâm thoạt trông giống con gái bà. Thật ra, chị Nhâm chỉ quen biết bà Hường vì cùng quê. Vợ chồng chị cùng con gái ngụ ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, làm nghề nấu đậu nành.

Chị Nhâm kể: “Hôm đó là thứ sáu, tình cờ tôi gặp lại dì Hường trước trạm xe buýt. Dì thẫn thờ đi đi lại lại mà không lên xe. Tay của dì lúc đó chảy máu đầm đìa, chắc chỉ cần khâu lại thôi. Tôi nghĩ đằng nào cũng cuối tuần, nếu lên bệnh viện trên thành phố chắc không kịp. Mà ba tôi trước đó từng điều trị ung thư tại bệnh viện quận Thủ Đức, nên tôi khá quen thuộc với bệnh viện. Tôi đưa dì về nhà, rồi định thứ hai đưa vào viện để khâu lại vết chảy máu. Hai ngày ở nhà tôi, dì cứ ở trong nhà vệ sinh suốt vì máu từ cánh tay chảy 2-3 tiếng/lần.”
Bà Võ Thị Hường đang sống nhờ tình thương của người dưng. Ảnh: Hương Cát

Hỏi về tình hình anh em ruột trong nhà của bà Hường, chị Nhâm hơi trầm ngâm. Ngày bà Hường còn khỏe, hết người anh này kéo về phụ giúp thu hoạch mùa màng, đến người khác lôi về chăm cháu. Xong việc, bà Hường lại bị đuổi ra khỏi nhà. Từ ngày bà Hường vào viện, không một ai ngoài chị Nhâm đến chăm nuôi.

Chị Nhâm cho biết thêm, hồi mới đưa bà Hường vào viện, ông chủ nơi cung cấp tăm tre đưa cho chị khoảng 3 triệu đồng, tiền lương mấy tháng của bà Hường. Mỗi ngày, chị Nhâm vào viện một lần, lấy quần áo bẩn và đưa cơm cho bà Hường.
Bên cạnh sự trợ giúp của bảo hiểm y tế, khoa ngoại - ung bướu cũng hỗ trợ bà Hường bằng việc đóng tạm ứng nằm viện 1 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí phẫu thuật ghép da cho bà Hường không rẻ. Ít nhất, bà cần thêm khoảng 20 triệu đồng nữa cho lần ghép da sau.

Hương Cát

Mọi hỗ trợ xin gửi về bệnh nhân Võ Thị Hường ở khoa ngoại - ung bướu (bệnh viện quận Thủ Đức) - số 29, khu phố 5, đường Phú Châu, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP.HCM.