Nguy cơ của bệnh tiểu đêm

Y văn thế giới ghi nhận tiểu đêm nhiều làm rối loạn giấc ngủ, tinh thần khó chịu và tăng nguy cơ tử vong, đặc biệt ở người từ 50tuổi trở lên.

15.599

Chứng bệnh này vừa được các chuyên gia cảnh báo tại hội nghị khoa học thường niên của Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh TP.HCM diễn ra mới đây.

Gây mất ngủ, té ngã, tử vong

PGS-TS-BS Phạm Văn Bùi, Phó Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, Chủ nhiệm bộ môn Thận-Niệu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết người Việt Nam mắc chứng tiểu đêm khá nhiều, tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào nói đến và cảnh báo cộng đồng. Theo PGS Bùi, tiểu đêm có hai loại, do bệnh lý và không do bệnh lý.

Tiểu đêm không do bệnh lý có thể do dự tiệc, uống bia nhiều vào buổi chiều tối; thời tiết lạnh, nằm máy lạnh nên sự thoát nước qua da giảm; uống chất kích thích như cà phê làm cho lợi tiểu, bàng quang co bóp nhiều hơn.

Tiểu đêm bệnh lý thường là bệnh lý nội khoa, chủ yếu ở người lớn tuổi, do quá trình lão hóa. Các bệnh lý khác như suy tim, tiểu đường, suy thận…, làm thay đổi lưu lượng máu đến thận cũng gây tiểu đêm. Loại thứ hai là do bệnh lý niệu khoa, gặp ở nam lẫn nữ nhưng nguyên nhân thì hơi khác nhau.
 
Ở nam hay gặp là do bệnh tiền liệt tuyến. Ở nữ là hội chứng bàng quang tăng lực. Tức là bàng quang bị một bệnh nào đó chưa biết nguyên nhân mà nó cứ bóp hoài dù chỉ có tí xíu nước tiểu xuống và tiểu nhiều, đôi khi chưa vào đến… toilet đã ra quần.

Theo PGS Bùi, tác hại chủ yếu của việc tiểu đêm là gây xáo trộn giấc ngủ. Có những người đã khó ngủ, sau khi đi tiểu xong ngủ lại rất khó. Do đó, nếu lượng ngủ không đủ/ngày dễ xảy ra tai biến khác như ngủ gục, kém minh mẫn, té ngã về đêm kể cả ban ngày. Ngoài ra, tiểu đêm 2-3 lần (ngủ không được) sẽ gây ảnh hưởng đến thần kinh, như có cảm giác chân bị kiến bò, vọp bẻ, đổ mồ hôi đêm…

Thay đổi lối sống trước tiên

Theo PGS Bùi, trước khi điều trị bệnh này cần phải khuyến cáo thay đổi hành vi, lối sống trước. Thí dụ, người Việt Nam ăn cơm thường hay có canh thì cần giảm lượng canh về tối. Nếu có khuynh hướng ăn mặn thì giảm lượng muối. Nhiều người có tật hả miệng lúc ngủ sẽ làm cho họng bị khô, khi dậy đi tiểu có cảm giác khát nước, uống nước và lại đi tiểu nữa.

Có những người tiểu đêm nhiều không biết vì sao. Hỏi ra mới biết sau khi tiểu thì lại uống nước và sau đó tiếp tục tiểu. Có những người có thói quen uống tí rượu cho tiêu hóa thức ăn, hay uống cà phê, trà vào ban đêm nhưng những thứ này có tác dụng gây lợi tiểu.

“Người ta khuyên từ 8 giờ tối trở về sau không nên uống nước, nếu khát chỉ uống một hớp thôi. Như vậy uống nước lần cuối lúc 8 giờ là đến 10 giờ đã đi tiểu hết rồi” - PGS Bùi nói.

Nếu thay đổi thói quen, tìm nguyên nhân không có tiểu đường, không có tăng huyết áp, thận bình thường mà vẫn tiểu đêm thì bác sĩ sẽ nghĩ ngay đến nguyên nhân là do quá trình lão hóa (ADH - chất điều hòa sự hấp thu nước ở thận bị giảm).
 
Nếu vậy, bệnh nhân được khuyên hạn chế uống nước và được cung cấp chất gần giống ADH uống để giữ nước. Có những bệnh nhân đi tiểu đêm, bác sĩ cho uống thuốc lợi tiểu thì thắc mắc: Tại sao tiểu đêm nhiều mà còn cho thuốc lợi tiểu? Vì nguyên nhân của chứng tiểu đêm này là do tăng huyết áp và thuốc lợi tiểu có tác dụng hạ huyết áp nên giúp giảm triệu chứng tiểu đêm!

Còn nếu nguyên nhân bệnh nhân có bị suy tim, tăng huyết áp (trường hợp này gặp nhiều)… thì bệnh nhân được tư vấn điều trị bệnh gốc trước. Nếu bệnh gốc ổn định mà bệnh nhân còn tiểu đêm thì mới đặt vấn đề điều trị tiểu đêm. Tuy nhiên, tiểu đêm do suy tim, suy thận mạn tính khó điều trị hơn bởi bản thân hai loại bệnh này đã khó điều trị.

Theo Duy Tính - Pháp luật TPHCM

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]