Nguy cơ ung thư tuyến giáp khi tiếp xúc phóng xạ

GiadinhNet - Bộ Y tế vừa có cuộc họp với các bộ, ngành liên quan bàn thảo phương án ứng phó với ảnh hưởng của sự cố hạt nhân từ Nhật Bản lên sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam.

15.6144

Theo dự thảo Kế hoạch hành động của Bộ Y tế, kế hoạch ứng phó chia làm hai giai đoạn: Khi phóng xạ chưa ảnh hưởng và khi phóng xạ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Giám sát chặt chẽ đám mây phóng xạ

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đang ở trong giai đoạn “chưa bị ảnh hưởng bởi phóng xạ từ Nhật Bản”. Với giai đoạn này, tập trung giám sát các công dân Việt Nam từ Nhật Bản về. Bên cạnh đó, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản; xây dựng chương trình dự phòng cho người dân uống thuốc kali iốt để dự phòng nhiễm phóng xạ. Bộ Y tế phối hợp với các Bộ: KH&CN, NN&PTNT, Công Thương triển khai các biện pháp giám sát thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản. Các trung tâm y tế dự phòng, trung tâm kiểm dịch y tế, chi cục an toàn thực phẩm các địa phương tiến hành giám sát, lấy mẫu thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản chuyển các đơn vị có đủ năng lực xét nghiệm.
 
Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao nếu tiếp xúc với phóng xạ.
Ảnh: CHÍ CƯỜNG
 
TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, hiện phía Cục đang phối hợp với Bộ KH&CN cập nhật các thông tin về ô nhiễm phóng xạ trong môi trường không khí, nước biển tại Nhật Bản và Việt Nam. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đường đi của các đám mây phóng xạ từ Nhật Bản, đường đi của các dòng hải lưu từ Nhật Bản xuống Việt Nam. Thường xuyên cập nhật thông tin từ Bộ KH&CN về tình hình quan trắc môi trường không khí, nước biển để theo dõi sự thay đổi của nồng độ phóng xạ trong không khí và nước biển.
 
Không nên tự ý uống kali iốt chống phóng xạ
PGS.TS Mai Trọng Khoa khuyến cáo, người dân không nên tự ý mua kali iốt hay các chế phẩm thuốc có chứa iốt để uống. Chỉ khi nào sống trong vùng nhiễm phóng xạ hay có nguy cơ cao tiếp xúc với nguồn phóng xạ mới nên uống dự phòng. Hiện, môi trường ở Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi phóng xạ nên người dân không cần phải uống dự phòng. PGS.TS Khoa cũng cảnh báo, tự ý uống kali iốt không tốt cho sức khỏe.    Vì khi cơ thể đang bình thường, bổ sung kali iốt sẽ chỉ gây thêm bệnh.
Ở giai đoạn hai, khi sự cố phóng xạ tại Nhật Bản ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam, công tác điều trị kịp thời các trường hợp bị nhiễm phóng xạ. Triển khai có hiệu quả các biện pháp dự phòng cá nhân, cộng đồng về phòng chống nhiễm phóng xạ. Giảm thiểu tác động của phóng xạ tới sức khỏe người dân tại cộng đồng bằng việc uống kali iốt.
 
Cũng theo phía Bộ Y tế, trong giai đoạn này, tập trung giám sát và xác định các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao tại Việt Nam để triển khai các hoạt động đáp ứng cộng đồng. Cung cấp trang thiết bị bảo hộ đặc chủng cho cán bộ y tế trong trường hợp cần thiết. Ở giai đoạn này, tổ chức triển khai việc cung cấp, cấp phát cho người dân viên kali iốt theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Nguy cơ ung thư tuyến giáp khi tiếp xúc phóng xạ

Theo PGS.TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc BV Mạch Mai, Giám đốc Trung tâm Ung bướu BV Bạch Mai, giảm thiểu nguy cơ ung thư tuyến giáp bằng cách chủ động đưa trước một lượng iốt vào cơ thể làm ngừng hoặc không hấp thu iốt phóng xạ xâm nhập vào cơ thể và không có cơ hội tập trung vào tuyến giáp. Lượng iốt phóng xạ sẽ nhanh chóng bị đào thải qua nước tiểu.
 
Nguy cơ ung thư tuyến giáp sau nổ phóng xạ cao hơn ở trẻ em và người trẻ. Các chuyên gia y tế ước tính, cứ 10.000 người có tiếp xúc với phóng xạ, với một liều nhỏ suốt cuộc đời, sẽ có thêm từ 5-6 người tử vong do ung thư. Ngoài ra, phóng xạ còn gây quái thai dị dạng và biến đổi gene.

Ông Lê Văn Hồng, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết: “Khi dùng ngay viên nén kali iốt sẽ chỉ làm giảm nguy cơ nhiễm iốt phóng xạ chứ không phải là chống nhiễm phóng xạ như nhiều người vẫn nghĩ. Sau khi uống, kali iốt sẽ đọng lại trên tuyến giáp và làm bão hòa khả năng hấp thụ của cơ quan này, ngăn cản phóng xạ đọng lại trên tuyến giáp. Tuy nhiên, kali iốt chỉ bảo vệ chúng ta khỏi ngộ độc bởi các đồng vị phóng xạ iốt chứ nó không có hề có hiệu quả chống lại các dạng khác của bức xạ. Trong các mối đe dọa về nguy cơ hạt nhân, iốt phóng xạ chỉ là một trong vô vàn các mối đe dọa gây ra bởi một cơ sở hạt nhân bị hư hỏng”.

Vân Khánh - Quỳnh Nga

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]