Nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn và giải pháp

(Làm Mẹ) - Hầu như tất cả các bé đều trải qua những giai đoạn lười ăn khác nhau.Vì vậy, cha mẹ không nên qúa lo lắng mà nên tìm hiểu nguyên nhân tạo sao bé lại trở nên biếng ăn như vậy để có biện pháp khắc phục hiệu quả.

31.2

1. Nhầm lẫn trong việc chế biến đồ ăn dặm cho con

Trong giai đoạn đầu trẻ mọc răng, nhiều bà mẹ đã có sự nhầm lẫn rằng, chế biến đồ ăn dặm cho con càng có nhiều hương vị thì trẻ sẽ càng ngon miệng. Đây là một suy nghĩ sai lầm bởi vị giác của trẻ trong giai đoạn này mới bắt đầu được hình thành. Thức ăn có mùi vị quá nồng có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển vị giác ở trẻ nhỏ gây ra chứng chán ăn.

Vì vậy, tốt nhất, khi chế biến đồ ăn dặm cho con, các mẹ không nên cho thêm gia vị vào bởi đây là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn hàng đầu mà mẹ không bao giờ ngờ tới.

2. Con bắt chước cha mẹ

Cha mẹ thường là tấm gương cho con cái. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi thói quen ăn uống của cha mẹ. Nếu con thấy cha mẹ của mình hầu như không bao giờ ăn đủ ba bữa mỗi ngày hoặc vừa ăn vừa mải đọc báo, mải xem tivi… thậm chí bỏ bữa thì chắc chắn bé sẽ không có được thói quen ăn uống lành mạnh.

Ngay từ khi con còn nhỏ, người lớn hãy tránh thói quen ăn uống theo cảm xúc hoặc thường xuyên nói trước mặt con rằng mình không thích món nọ hoặc không muốn ăn món kia. Điều này vô hình sẽ khiến trẻ bị ảnh hưởng bởi sự kén ăn.

Hãy giúp con có thói quen ăn uống tốt bằng cách cùng ngồi ăn với con bằng thái độ tích cực và nói với con về tác dụng của những món có mặt trên bàn ăn.

3. Biếng ăn do yếu tố tâm lý

Trẻ có thể không thích hoặc không muốn ăn một món nào đó. Khi gặp những tình huống như vậy, người lớn hãy tránh thúc ép con ăn. Thay vào đó, hãy từ từ giúp bé thay đổi thói quen.

Hãy khuyến khích con thử một món ăn nào đó và cùng ngồi ăn với con, bé sẽ cố gắng thử và loại bỏ suy nghĩ “Mình không ăn món này”.

Việc để trẻ tự chọn món ăn cho bản thân hoặc lựa chọn thực đơn cho bữa ăn cũng là cách khuyến khích trẻ ăn một cách tự giác hơn. Điều này sẽ tăng thêm cảm giác ngon miệng cho trẻ mà người lớn không cần phải bực mình vì vấn đề cho con ăn.

Theo các chuyên gia tâm lý thì việc để con quyết định thực đơn sẽ giúp trẻ nhận thấy rằng mình quan trọng và mình đang được quan tâm.

Đôi khi chỉ vì có ấn tượng xấu về một món ăn nào đó, trẻ có thể sẽ từ chối ăn món này vào lần sau. Cách tốt nhất đó chính là người lớn hãy thay đổi món ăn để cải thiện cảm giác thèm ăn ở trẻ nhỏ.

4. Đau họng

Dấu hiệu để nhận biết bé đau họng (hoặc mắc các chứng bệnh về họng) là bé vẫn uống sữa tốt nhưng lại từ chối thức ăn. Bạn có thể kiểm tra cổ họng cho bé qua việc chiếu một chiếc đèn pin nhỏ, đồng thời, bạn nên dùng một chiếc thìa dài, sạch cố định lưỡi của bé trong quá trình khám họng.

- Nếu vùng họng ửng đỏ, có thể bé đang bị sốt (bạn nên cặp nhiệt độ cho bé để có kết quả chính xác). Lúc này, bạn nên cho bé nghỉ ngơi, uống nhiều nước lọc kèm theo việc dùng thuốc giảm sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ.

- Nếu vùng họng của bé có dấu hiệu sưng tấy (không kèm theo sốt), bạn nên đưa bé đi khám. Trường hợp này, bé có thể đang mắc phải một chứng bệnh về họng.

5. Trẻ hay ăn uống vặt và ăn không đúng bữa

Ăn các loại bánh, kẹo, nước ngọt trước bữa ăn sẽ làm tăng đường huyết và gây cảm giác “no giả tạo”, nhưng thực chất là trẻ vẫn đói và vẫn bị thiếu dinh dưỡng. Do vậy, chỉ cho trẻ ăn, uống đồ ngọt sau bữa ăn với số lượng hạn chế. Nên cho trẻ ăn đúng giờ mỗi ngày.

6. Đầy bụng

Bé ít vận động, ăn phải những món khó tiêu hoặc ăn quá nhiều trong một bữa cũng khiến bé chán nản trong bữa cơm còn lại.

Bạn nên duy trì thói quen vui chơi cho bé. Ngoài ra, bạn cũng không nên cho bé ăn quá nhiều chất đạm (dễ khiến bé nặng bụng). Bạn nên tránh cho bé ăn quá no, nhất là trong bữa phụ.

Nếu bé không đi tiêu được thì có thể bé mắc phải chứng táo bón. Trường hợp này, bạn nên tăng cường rau xanh, nước lọc cho bé. Chế độ ăn này sẽ giúp phân bé mềm, lỏng nên bé dễ đi tiêu hơn. Đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng, bé không chỉ bị mất nước khi đi tiểu mà còn mất nước do chảy nhiều mồ hôi.

Nếu bé bị táo bón dẫn tới hiện tượng đau rát và chảy máu thì bé có thể mắc chứng táo bón kinh niên. Tình trạng này càng để lâu thì càng trầm trọng hơn. Nguyên nhân là do đau nên bé sẽ sợ đi tiêu và cố gắng nín nhịn chuyện này. Bạn nên đưa bé đi khám sớm. Bác sĩ có thể chỉ định cho bé loại thuốc bôi trơn hậu môn (hoặc thút - đút hậu môn), giúp bé đi tiêu dễ dàng hơn.

Đồng thời, bạn nên động viên mỗi lần bé chuẩn bị đi tiêu. Bạn cũng nên duy trì thói quen đi tiêu vào một giờ cố định trong ngày cho bé.

7. Trẻ bị ép ăn theo một chế độ cứng nhắc, tạo nên tâm lí sợ ăn.

Do lo lắng sợ con đói, con còi nên khi thấy bé ăn không hết bát bột, bát cháo là nhiều bà mẹ cố nhồi, cố ép trẻ ăn cho hết. Nhiều lần như vậy, bé sẽ đâm chán ăn và sợ ăn, dần dần thành phản xạ, nên cứ nhìn thấy bưng thức ăn ra là không muốn ăn. Chúng ta nên biết rằng khi trẻ có tâm lí thoải mái, vui vẻ, nhất là có tâm lí ganh đua khi ăn thì sẽ kích thích các tuyến men tiêu hoá hoạt động, tăng bài tiết men tiêu hoá giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.

Điều này lí giải vì sao nhà “con đàn” dễ nuôi hơn con một. Các ông bố, bà mẹ nên tạo điều kiện cho con mình hoà nhập với các bạn cùng trang lứa trong vui chơi, sinh hoạt ăn uống để tạo cho trẻ có tâm lí chia sẻ và ganh đua sẽ giúp trẻ thích ăn hơn.

Vậy khi nào thì tình trạng biếng ăn của bé đáng lo ngại?

Hầu như tất cả các bé đều trải qua những giai đoạn lười ăn khác nhau. Các bác sĩ khuyến cáo rằng: Thay vì tìm nguyên nhân gốc dẫn đến tình trạng lười ăn ở bé thì đa phần các bà mẹ lại nhồi, ép con ăn khiến bé sợ hãi, tuyệt đối không được để bé bị đói đến mức tụt huyết áp. Cha mẹ nên cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm, vừa bổ sung chất vừa thay đổi khẩu vị cho bé. Khi bé mệt nhọc, mẹ có thể cho con ăn giảm đi một chút so với bình thường, sau đó sẽ cho bé ăn bù bữa chứ không nên ép con ăn theo ý mình.

Vậy làm thế nào để có thể hòa nhập cùng trẻ, làm thế nào để có một bữa ăn vui vẻ, ít nhất là trẻ không sợ khi phải ngồi lên bàn ăn?

Cha mẹ cần lưu ý và làm những điều sau đây:

- Cho trẻ ngồi ăn cùng mâm cơm gia đình để trẻ biết được không khí gia đình, giờ giấc khi ăn.

- Nếu được thì hãy để trẻ tự tay múc ăn phần ăn của mình,đừng ngại việc dọn dẹp lại những thức ăn rơi vãi, như vậy sẽ giúp trẻ khéo léo và chọn được những món ăn ưa thích.

- Một bữa ăn của trẻ là khoảng 30 phút, nếu trẻ vẫn chưa ăn xong trong vòng 30 phút, hãy dọn dẹp hết tất cả. Việc kéo dài thời gian ăn hay tăng số lần ăn trong ngày chỉ làm cho trẻ cảm thấy sợ và chán ngấy, trẻ sẽ tìm mọi cách để phản đối lại bữa ăn như: la khóc, chạy trốn, ói, ngậm thức ăn trong miệng,…

- Trẻ được ăn theo nhu cầu: nghĩa là ăn vừa đủ lượng thức ăn mà dạ dày trẻ có thể chấp nhận được.

- Không ép khi trẻ không ăn nữa, đừng bao giờ sợ trẻ đói bởi vì khi đói trẻ sẽ tự đòi ăn, đó là bản năng sinh tồn của con người.

- Hãy để trẻ tự nhắc đến giờ ăn của mình, trẻ sẽ tập được việc ăn uống điều độ.

-Không cho trẻ ăn hoặc uống bất cứ thứ gì (trừ nước chín) như: bánh, kẹo, phô mai, uống sữa,… trước bữa ăn 1 giờ. Vì bấy nhiêu cũng làm trẻ no bụng và không ăn cử ăn chính. Nếu trẻ có la khóc, đòi hỏi thì hãy cố gắng làm ngơ và bỏ qua điều đó, dần dần trẻ sẽ tập được thói quen, đến bữa ăn trẻ sẽ ăn uống ngon miệng hơn.

- Nếu muốn cho trẻ uống sữa hay ăn trái cây hãy dùng ngay sau bữa ăn chính.

Nếu bạn làm được những điều trên, chắc chắn các bạn sẽ có một đứa con ăn uống ngoan ngoãn.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]