Nhạc điện tử: Nghệ thuật hay sự hỗn tạp?

SKĐS - Quá thiên về phần nhạc nên những ca sĩ trẻ theo đuổi nhạc điện tử hiện nay hầu như đều sở hữu chất giọng yếu và thiếu kĩ thuật.

0

Lâu nay, các nghệ sĩ của thị trường nhạc Việt vẫn đang miệt mài chứng tỏ sự tìm tòi, khám phá của họ bằng cách thể hiện nhiều chất nhạc khác nhau. Nếu như mảng nhạc thính phòng lúc nào cũng giữ được phong độ ổn định, nhạc pop hay nhạc rock không ngừng phát triển thì thể loại nhạc điện tử lại đang vấp phải sự hoài nghi từ công chúng và cả giới chuyên môn.

Một cá tính khác của âm nhạc

Nhạc điện tử ra đời từ những năm 60 - 70 của thế kỷ 20, có lẽ hơi sớm hơn thời đại của máy tính. Nhưng nhạc điện tử chỉ thực sự phát triển kể từ những năm 80 - 90 trở về sau cùng với sự phổ dụng của máy tính. Theo “quy chuẩn” chung của thế giới, nhạc điện tử là nhạc tạo ra bởi việc dùng các thiết bị điện tử như đàn organ, synthesizer và hiện nay có sự trợ giúp của máy tính cùng các phần mềm chuyên biệt.

Tại thị trường Việt Nam, khi nhắc đến nhạc điện tử, người ta sẽ nghĩ ngay đến những cái tên tiêu biểu như Nguyễn Hải Phong, Trí Minh... Với Trí Minh - người tự nhận mình “vướng duyên” với âm nhạc điện tử đã lâu, với sự tác động và hỗ trợ từ Trung tâm Văn hóa Pháp, anh đã từng phối hợp âm thanh đường phố Hà Nội rồi trộn vào âm nhạc phương Tây, làm ra những tác phẩm khác biệt nhưng vẫn có gì đó quen tai. Sự pha trộn này làm khán giả thích thú, có thể nói, đây là “sản phẩm” nhạc điện tử ra mắt khán giả của chàng nhạc sĩ tài hoa này. Năm 2006, Trí Minh được Hội đồng Anh tại Việt Nam cử đi dự một festival rất lớn trên thế giới mang tên Glastonbury. Tại đó, anh đã được tiếp xúc với một môi trường âm nhạc phi truyền thống với một không gian biểu diễn đa dạng, phong phú với rất nhiều hoạt động bên lề liên quan đến môi trường. Từ đó, anh nảy ra ý tưởng, tại sao Việt Nam lại không có những hoạt động tương tự.

Đến nay, những sự kiện âm nhạc điện tử do Trí Minh thực hiện luôn tạo được sức hút mạnh mẽ đối với khán giả. Anh là một trong những nhạc sĩ trẻ tạo sức lan tỏa cho dòng nhạc điện tử trên thị trường Việt Nam. Nhạc điện tử là một thể loại không dễ nghe nếu như nó “quá tây”, Trí Minh thành công ở chỗ, anh không chạy theo thứ nhạc “quá tây” như vậy! Một số sự kiện âm nhạc lớn như Âm thanh Hà Nội, đêm nhạc MTV Exit do Trí Minh “chỉ huy” đã mang đến cho khán giả một thể loại âm nhạc hiện đại, mới lạ nhưng khá “bắt tai”. Đúng như dự đoán của anh, ban đầu, người ta đến nghe thấy khó, sau sẽ chấp nhận và ở lại nghe đến cùng.

Sự hỗn tạp

Hội tụ những yếu tố lạ, sôi động và trẻ trung nên nhạc điện tử dễ tạo được “thiện cảm” với những nghệ sĩ thích trải nghiệm sự mới mẻ. Nếu lướt qua các sạp băng đĩa, không khó để nhận ra thể loại nhạc điện tử đang chiếm đa số. Ngay cả những tên tuổi lớn trên thị trường nhạc Việt hiện nay cũng theo đuổi phong cách electronic/dance (tạm gọi là nhạc sôi động). Nổi bật phải kể đến ca sĩ Thu Minh. Sau 3 năm ra mắt album Body Language với hàng loạt hit như Taxi, Bay, Đường cong..., Thu Minh tiếp tục ra mắt những sản phẩm âm nhạc mang phong cách electronic/dance hấp dẫn. Phát huy thế mạnh này, mới đây, cả hai đã cho tung ra ca khúc mới cũng theo phong cách sôi động mang tên Hangover. Đáng tiếc! Nếu như Taxi, Bay, Đường cong được khán giả đón nhận nhiệt tình thì Hangover lại được chính khán giả liệt vào danh sách “thảm họa” của nhạc Việt. Bài hát này đã vấp phải những lời chê bai thẳng thắn từ khán giả, thậm chí đến cả những fan trung thành của Thu Minh cũng phải bày tỏ sự thất vọng.

Không chỉ Thu Minh, Đàm Vĩnh Hưng cũng là ca sĩ dễ “đắm đuối” với thể loại nhạc sôi động. Những sản phẩm âm nhạc của anh trong thời gian gần đây đều theo phong cách electronic/dance rõ rệt. Phần lời không quá cầu kì và phức tạp nhưng với lượng fan khủng, chàng ca sĩ này thừa tự tin để tiếp tục theo đuổi dòng nhạc mà lâu nay không được lòng giới chuyên môn. Trên các sân khấu ca nhạc của mình, Đàm Vĩnh Hưng cũng tỏ ra tự tin nhất ở dòng nhạc sôi động, khi tiếng nhạc “ầm ầm” nổi lên cùng với màn vũ đạo mang tính “cống hiến” thì khán giả sẽ dễ bị choáng ngợp, khi đó, họ không còn đủ tỉnh táo và bình tĩnh để quan tâm đến phần lời của bài hát nữa.

Cũng nhờ sự “ảo diệu” của nhạc điện tử, khán giả khó mà phân biệt được đâu là “gạo”, đâu là “sạn”.

Quá thiên về phần nhạc nên những ca sĩ trẻ theo đuổi nhạc điện tử hiện nay hầu như đều sở hữu chất giọng yếu và thiếu kĩ thuật. Tuy vậy, nhạc điện tử có thể “giải quyết” được vấn đề của họ. Chiếc máy tính đã giúp con người “khai sinh” nhạc số, nhạc điện tử, chính nó cũng khiến thói quen, cách thức nghe và truyền tải âm nhạc có sự thay đổi đáng kể. Cũng nhờ sự “ảo diệu” của chiếc máy tính mà đôi tai của khán giả cũng có dịp được thử thách. Thực tế, nếu nghe các ca sĩ hát nhạc sôi động bây giờ, khán giả khó mà phân biệt được đâu là “gạo”, đâu là “sạn”.

Một số ca sĩ chuyên nghiệp theo đuổi dòng nhạc sôi động vấp phải sự phản hồi trái chiều từ khán giả là một chuyện, bởi họ không thể thành công ngay lập tức mà cần phải có giai đoạn tìm tòi và hoàn thiện. Nhưng những ca sĩ “bán chuyên”, chủ yếu trưởng thành từ thế giới Underground (nhạc ngầm) đang “đú” theo trào lưu nhạc điện tử thì quả là một sự hỗn tạp đáng ngại! Hầu hết những sản phẩm âm nhạc họ tự chế theo phong cách electronic/dance đều khiến người nghe không thể... cảm thụ nổi. Đáng tiếc là thị trường nhạc Việt không có cách nào hạn chế sự hỗn tạp đó.

Tuy vậy, khán giả cũng không nên hiểu lầm nhạc điện tử hay nhạc sôi động là một thể loại nghệ thuật “ngoài luồng”, bởi ngay tại những trường dạy nhạc, nhạc viện và các trường đại học tổng hợp trên thế giới đều có một khoa gọi là “computer music”. Vấn đề nằm ở khả năng nhận thức và trách nhiệm của người làm nghệ thuật. Nhạc điện tử, nhạc số, computer music đang tràn vào đời sống giới trẻ Việt Nam. Người thưởng thức và dân trong nghề sẽ tiếp sức cho nó thế nào để khi đọc tên loại nhạc này, nhiều người không còn nghĩ đây là thứ “nhạc máy móc”, “nhạc vô hồn” hay “đơn giản chỉ là những âm thanh va đập”... Đây là một thử thách không dễ! 

Việt Sơn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]