Nhận biết trẻ khóc dạ đề như thế nào?

0

Bé nhà tôi được hơn một tháng tuổi nhưng suốt từ ngày chào đời đến thời điểm này, hầu như ngày nào bé cũng khóc vài giờ đồng hồ, có những lúc khóc ngằn ngặt cứ như có ai cào, cấu, không thể nào dỗ được.

Tôi đã cho bé đi khám, làm nhiều xét nghiệm máu, chụp phim X-quang, siêu âm đều cho kết quả bình thường. Có người nói cháu khóc dạ đề. Mong chuyên mục gợi ý cách nhận biết trẻ khóc dạ đề như thế nào, có phải là bệnh lý không? Tôi phải làm gì khi bé khóc?

Phương Bình (Hà Nam)

Xin trả lời ngay với bạn, khóc dạ đề không là bệnh lý.

Khóc dạ đề hay khóc cơn kéo dài trong y khoa gọi là cơn khóc do co thắt ruột. Đây là một sự thay đổi làm trẻ đang khỏe mạnh khóc dữ dội đột ngột vào chiều tối hoặc ban đêm, tiếng khóc to, đỏ mặt, ưỡn người khiến cha mẹ rất lo. Ngay cả bác sĩ cũng không thể khẳng định nguyên nhân làm trẻ khóc. Chứng này xảy ra ở trẻ nhỏ khá phổ biến, cứ trong 10 trẻ sơ sinh thì có 2 trẻ có thể bị khóc dạ đề.

* Cách nhận biết trẻ khóc dạ đề

Trẻ được coi là khóc dạ đề khi cơn khóc hội đủ những yếu tố liên quan đến số 3 như sau:

– Những cơn khóc dữ dội bắt đầu trong vòng 3 tháng đầu đời sau khi sinh.

– Cơn khóc dai dẳng trong hơn 3 giờ.

– Xuất hiện hơn 3 lần trong mỗi tuần.

Khóc dạ đề thường không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhưng thường làm các bậc phụ huynh mất ngủ, khó chịu nên rất lo lắng. Đôi khi cũng là nguyên nhân làm cha mẹ cáu gắt khi bé khóc trong đêm. Tuy nhiên, khóc dạ đề thường khỏi khi trẻ lớn dần, xảy ra vào cuối tháng thứ 3 hoặc sớm hơn đối với một số trẻ.

* Làm gì khi trẻ khóc dạ đề?

Mặc dù không có một phương pháp nhất định nào để làm dịu cơn khóc dạ đề, các bà mẹ có thể thử một số cách tại nhà. Nhưng nhớ rằng nếu phương pháp hiệu quả trong một lần thì sẽ không hiệu quả lần sau. Vì vậy hãy sáng tạo và kiên nhẫn. Để chữa trị tại nhà, điều quan trọng nhất là luôn giữ bình tĩnh và thoải mái bằng những cách sau:

1. Tránh những điều gây khó chịu cho trẻ bằng cách thực hiện những điều như sau:

– Chắc chắn rằng trẻ được bú đủ no (không quá no mà cũng không đói).

– Đảm bảo trẻ không nuốt quá nhiều hơi trong khi bú. Bế trẻ thẳng người trong khoảng 15 phút sau khi ăn.

– Giữ một thời gian biểu nhất định về ăn uống, ngủ nghỉ và chơi đùa. Trẻ không bị khó chịu bởi ánh sáng và tiếng ồn trong ngày.

– Chọn tã vừa vặn với trẻ, thay thường xuyên để giữ tã trẻ sạch sẽ.

2. Xoa dịu trẻ bằng cách:

– Vỗ về trẻ, ôm trẻ vào lòng, thủ thỉ lời yêu thương hoặc hát ru khe khẽ, đong đưa nhè nhẹ.

– Đặt trẻ ở tư thế đứng lên đầu gối của mình, thử cho trẻ tập đi cũng là một cách.

– Làm dịu tinh thần của trẻ bằng cách đưa trẻ đi dạo một vòng.

Nếu cảm thấy không bình tĩnh và thoải mái, các bà mẹ có thể nhờ người khác trông hộ trẻ. Tuy nhiên đừng để bé khóc một mình quá 5-10 phút. Sau 10 phút làm lại các bước như trên.

* Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế?

Khóc dạ đề không cần chữa trị đặc hiệu trừ khi các bà mẹ nghi ngờ trẻ bị bệnh. Đó là khi trẻ khóc kèm theo các dấu hiệu bất thường khác. Nếu trẻ trông khỏe mạnh và trở lại bình thường sau mỗi lần khóc, nếu bà mẹ vẫn chịu được tiếng khóc của trẻ trong vòng 3 tháng thì không có gì phải lo lắng.

Tuy nhiên, nếu cơn khóc kéo dài hơn 4 giờ hoặc kèm theo các dấu hiệu bất thường khác như sốt, nôn ói, tiêu chảy, tiêu máu, sình bụng hay trẻ mệt nhiều nên đưa trẻ đến cơ sở y tế.

BS Hải Thoa

Theo Giadinh.net.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]