Cô Đ. đã cho những học sinh không thuộc bài lên bục giảng xếp thành hàng rồi tự tay tát vào má hoặc véo tai từng em.

Hiệu trưởng trường, một cách cảm thông, cho phóng viên biết rằng lớp 9A4 của cô Đ. vốn là lớp thuộc diện cá biệt, thời gian gần đây lớp mới có một số chuyển biến tích cực về học tập và đạo đức dưới sự điều hành của cô chủ nhiệm. Trong bản tường trình ngày 30-3 gửi lãnh đạo trường, cô Đ. cũng nói rằng chỉ vì thương học sinh nên muốn răn đe, giáo dục để các em tốt hơn.

Ngày 10-4, hình thức kỷ luật đối với cô Đ. đã được thông báo công khai là phê bình trước hội đồng giáo viên của nhà trường. Vụ việc như vậy được khép lại. Tuy thế, thiết tưởng cũng nên trình bày một ý kiến từ giác độ những người không làm nghề giáo rằng: Dẫu thương học sinh mấy cũng không nên thương như thế. Học lớp 9 nghĩa là các em ở độ tuổi 15-16, tuổi bắt đầu biết ý thức về sự thể hiện cái tôi trước mặt bạn bè (nhất là bạn khác giới). Việc trừng phạt các em trước đám đông, dù dưới bất kỳ hình thức nào (đánh hay chỉ bạt tai, thậm chí mắng), cũng có gì gần giống như sự sỉ nhục. Tóm lại, đó là một kiểu thương rất phi sư phạm.

Liên quan tới chuyện xử lý các học sinh có sai phạm là việc 11 học sinh Trường THPT Mỹ Đức C (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) bị đuổi học đồng loạt, ngắn thì ba ngày, dài thì 12 tháng. Hiệu trưởng Bùi Đức Thảo nói: “Khi đưa ra mức kỷ luật đuổi học học sinh cũng là bước “bần cùng” của nhà trường. Mục đích kỷ luật này là để răn đe, giáo dục học sinh, nhắc nhở học sinh khác”.

Có lẽ đây thực sự là một bi kịch của giáo dục Việt Nam khi nhà trường thể hiện sự bất lực trước học sinh đến mức không còn biện pháp xử lý nào khác ngoài tống cổ ra khỏi trường.


Video đang được xem nhiều