Không chỉ đơn thuần là nơi phát ra tiếng nói, hay giúp con người đưa thức ăn và năng lượng vào
cơ thể,
sức khỏe của chúng ta còn phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng
răng miệng. Bằng việc kiểm tra miệng,
màu sắc lưỡi, lợi (nướu)... và các yếu tố khác có liên quan, các
bác sĩ có thể đưa ra những chẩn đoán hoặc dự báo chính xác về tình trạng sức khỏe của
người bệnh.
Màu sắc miệng và lưỡi giúp xác định tình trạng dinh dưỡng trong cơ thể
Màu sắc của miệng, đặc biệt là màu trên bề mặt lưỡi có thể phản ánh tình trạng dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể đang ở mức độ nào. Theo các bác sĩ, màu lưỡi nhợt nhạt là dấu hiệu của tình trạng thiếu sắt trong máu. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến: trung bình cứ 5 phụ nữ thì lại phát hiện được 1 người bị mắc chứng thiếu sắt.
Khi màu sắc miệng, lưỡi nhợt nhạt, các loại đậu là thức ăn bổ sung chất sắt phù hợp
Lý giải cho sự chẩn đoán này, các chuyên gia cho biết: đó là vì sắt trong máu có vai trò hết sức quan trọng. Nó giúp cơ thể sản sinh năng lượng và giúp duy trì hệ miễn dịch của cơ thể. Thiếu sắt, cơ thể khó có thể sản sinh ra lượng hemoglobin cần thiết (hemoglobin là các sắc tố tạo nên màu đỏ của các tế bào máu). Lưỡi có màu đỏ là nhờ vào các sắc tố này.
Khi lưỡi kém đỏ tươi và có màu nhợt nhạt thì đó là dấu hiệu
báo trước tình trạng thiếu máu đang diễn ra. Để khắc phục tình trạng này, các bác sĩ khuyên bệnh nhân nên ăn nhiều các loại rau có lá xanh thẫm, các loại thịt, đồ biển và các loại đậu hạt để bổ sung thêm thành phần sắt vào chế độ ăn hằng ngày. Lượng sắt cần cung cấp cho cơ thể là khoảng 15mmg mỗi ngày.
Ngoài ra, khi phát hiện, màu sắc trên lưỡi trở nên tái và nhợt nhạt thì đó là dấu hiệu của tình trạng thiếu máu đang ở mức độ đáng báo động và cần phải đi xét nghiệm máu hoặc tham khảo ý kiến các bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp.
Nước bọt giúp dự báo tình trạng sức khỏe
Nước bọt trong miệng có vai trò vô cùng quan trọng. Không chỉ giúp quá trình xử lý thức ăn, nước bọt còn có vai trò giữ vệ sinh răng miệng và ngăn chặn các vi khuẩn. Khi nước bọt được tiết ra ít hơn bình thường có thể khiến cho miệng bị khô (tình trạng này khoa học gọi là xerostomia) và là điều kiện thuận lợi dẫn tới nhiều bệnh về răng miệng như: làm gia tăng
nguy cơ mắc sâu răng,
viêm lợi, nha chu...
Tình trạng khô miệng do nước bọt tiết ra ít có thể xuất phát từ một số nguyên nhân phổ biến như do người bệnh bị dị ứng, do cơ thể bị thương, bị cảm, sốt... Ngược lại, khi xuất hiện tình trạng khô miệng, có thể dự báo cơ thể đang có nguy cơ mắc các chứng nêu trên.
Cách khắc phục phổ biến nhất là người bệnh nên uống thật nhiều nước, hoặc nhai kẹo cao su không đường để kích thích tuyến nước bọt hoạt động tích cực. Ngoài ra, cần giữ gìn vệ sinh răng miệng như đánh răng sau khi ăn, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Trong các trường hợp đặc biệt, cần đến sự giúp đỡ của các bác sĩ, để kích thích tuyến nước bọt hoạt động, các loại thuốc phổ biến được sử dụng bao gồm: salagen hay evoxac. Tuy nhiên, cần tuân theo sự chỉ dẫn của các bác sĩ.
Kiểm tra sức khỏe qua lợi (nướu)
Màu sắc của lợi và các yếu tố có liên quan cũng giúp phản ánh tình trạng sức khỏe của người bệnh. Thông thường ở một người khỏe mạnh, màu của lợi là màu đỏ hồng, không bị sưng tấy hay bất kỳ viêm nhiễm nào. Tuy nhiên, khi lợi có màu sắc tái nhợt, hoặc sưng tấy, đỏ bất thường... thì đó là dấu hiệu báo trước bệnh nhân cần thận trọng với sức khỏe của chính mình.
Các bệnh về lợi xuất hiện khá phổ biến. Khoảng 23% phụ nữ trong độ tuổi từ 30 - 54 bị mắc các bệnh về lợi, chủ yếu là chứng viêm lợi. Điều này khá nguy hiểm, bởi nó có thể dẫn tới nguy cơ mắc nhiều bệnh khác gia tăng.
Khi lợi thường xuyên bị chảy máu, nhất là khi đánh răng, đó là dấu hiệu của việc lợi đang bị viêm và vi khuẩn rất dễ tấn công vào các mạch máu trong miệng. Đó cũng là dấu hiệu báo trước: bệnh nhân có thể mắc thêm nhiều bệnh khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường. Và nếu người bệnh là người đang mang thai thì nguy cơ đẻ non hoặc sảy thai là rất cao (gấp 7 lần so với bình thường).
Theo giáo sư Ronald Herberman- người đứng đầu nhóm nghiên cứu bệnh về nướu thuộc Trường đại học Dược Pittsburgh - Anh, để bảo vệ sức khỏe, mọi người cũng nên chú ý đến vấn đề răng miệng và lợi. Phòng ngừa không để xảy ra viêm lợi, hay bất kỳ tổn thương nào khác bằng cách đánh răng và súc miệng bằng nước muối hoặc các loại nước súc miệng kháng khuẩn khác để bảo vệ lợi luôn chắc, khỏe.
Cuối cùng, việc giữ gìn vệ sinh răng miệng, nướu là cách bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của mỗi người. Phát hiện và ngăn chặn sớm các vấn đề có thể xảy ra cho răng miệng là cách phòng ngừa hiệu quả đối với nguy cơ mắc nhiều vấn đề khác về sức khỏe.
AloBacsi.vn (Theo Sức khỏe & Đời sống)