Những bài học khởi nghiệp từ Trung Nguyên

Không phải ngẫu nhiên mà Trung Nguyên trở thành một trong những thương hiệu được người Việt ưa thích nhất theo khảo sát B& Company Việt Nam và Nikkei BP Consultancy. Nếu thống kê các thông tin báo chí cũng như theo dõi từng bước đi của họ, có thể khách quan công nhận rằng Trung Nguyên là một trong rất ít thương hiệu Việt Nam tạo ra nhiều cung bậc cảm xúc cho người tiêu dùng.

15.5844

Một tờ nhật báo của Đức đã đăng tải thông tin về chuyến công tác của đoàn Trung Nguyên đến Neuhaus Neotec, công ty chuyên cung cấp máy chế biến cà phê hàng đầu châu Âu
Trong một bài viết trên tạp chí nổi tiếng Financial Times vào cuối năm 2011, Giáo sư Morgen Witzel của trường đại học kinh doanh nổi tiếng Exeter tại Anh Quốc có nhận xét rằng: “Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ tin rằng, người Việt có thể sản xuất được những loại cà phê sành điệu, chất lượng cao và giá cả hợp lý. Thế là vào những năm 1990, nhãn hiệu Trung Nguyên ra đời với một nhà máy và một chuỗi quán cà phê. Đưa ngành cà phê Việt Nam vượt ra khỏi mặc cảm là cà phê chất lượng thấp, giá rẻ”.

Quá trình phát triển của thương hiệu Trung Nguyên đã gợi ý nhiều bài học về khởi nghiệp, trong đó tiêu biểu là 3 bài học thú vị sau:

Nghĩ lớn và dũng cảm theo đuổi con đường mới

Xây dựng một thương hiệu cao cấp trong thị trường đang phát triển dường như là một sự trái ngược. Nhưng Trung Nguyên đã làm được việc này.

Vào những năm 90, tại thị trường đang phát triển của Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ 250 USD (số thống kê vào năm 2011 là 1.200 USD), nhưng Trung Nguyên đã chọn chiến lược phát triển thương hiệu cao cấp với mong muốn thu hút thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Để làm được điều này, trước tiên Trung Nguyên cần phải thuyết phục người tiêu dùng nội địa sử dụng sản phẩm cao cấp, cũng như thuyết phục thị trường quốc tế rằng Việt Nam có thể sản xuất những loại cà phê cao cấp và chất lượng không thua kém “các tay chơi lớn”.

Làm thế nào để chinh phục thị trường với một hệ thống phân phối nội địa kém hiệu quả như lúc bấy giờ? Ông chủ hãng cà phê lúc ấy đã có câu trả lời, thiết lập một hệ thống quán cà phê có kiểu mẫu một phần tương tự như Starbucks, nơi có thể giới thiệu và bán cà phê cho người tiêu dùng.

Kế hoạch xây dựng thương hiệu cũng đã được chuẩn bị chu đáo. Cạnh tranh trực tiếp với các nhãn hiệu đa quốc gia như Nescafe, và định vị nhãn hiệu như một phần văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Ngày nay, có rất nhiều quán cà phê sành điệu tại thị trường Việt Nam, nhưng ai cũng nhớ hình ảnh người tiên phong này.

Chọn đối thủ lớn và cam kết ganh đua

Rất nhiều doanh nhân trẻ khi khởi nghiệp đặt ra những mục tiêu khiêm tốn cho chính mình và doanh nghiệp. Điều đó cũng tốt, vì những mục tiêu khả thi sẽ giúp doanh nghiệp mới bảo toàn vốn và phát triển một cách an toàn.

Điều đặc biệt có thể thấy từ Trung Nguyên là luôn chọn những đối thủ lớn hơn mình rất nhiều để tuyên bố cạnh tranh, như Nescafe, Vinacafe. Và kết quả là thị trường cà phê hòa tan Việt Nam được chia thành thế chân vạc rõ rệt. “Cuộc chiến” cũng đang diễn tiến thú vị và bất phân thắng bại.

Michael Dell, người sáng lập tập đoàn Dell từng phát biểu: ”Khi chọn đối thủ lớn, tuyên bố cạnh tranh với lòng tự trọng sẽ giúp bạn luôn suy tư và tìm ra chiến lược tối ưu”.

Khác biệt, ẩn dụ và lòng trung thành

Nếu bạn hỏi "Thương hiệu cà phê nào gắn liền với hai chữ “khác biệt”?", câu trả lời dễ dàng nhận được là "Trung Nguyên".

Trung Nguyên đã thành công khi đưa giá trị và văn hóa quốc gia vào sản phẩm, vào thương hiệu, đã thật sự thu hút tầng lớp trung lưu, và thay đổi thị trường cà phê Việt Nam.

Khác với nhiều thương hiệu khác chỉ xoay quanh chiến lược tạo cảm xúc hằng ngày cho người tiêu dùng. Trung Nguyên đưa vào thương hiệu những cảm xúc trách nhiệm xã hội, trách nhiệm quốc gia một cách đậm nét như một lời cam kết và luôn tạo nên tính thời sự cho thị trường.

Những thông tin liên quan Trung Nguyên luôn được người tiêu dùng chú ý và truyền miệng một cách rất nhanh chóng. Xét ở nhiều góc độ khác nhau, điều này cho thấy thương hiệu Trung Nguyên có ý nghĩa với rất nhiều người.

Guy Kawasaki, đã viết trong cuốn sách nổi tiếng có tựa đề “Khởi nghiệp” rằng: “Rất nhiều người khi lập ra công ty thì nghĩ ngay đến lợi nhuận, họ sẽ đạt được điều đó nhưng chỉ sẽ là lợi nhuận ngắn hạn. Hãy tạo ý nghĩa cho công ty bạn, ý nghĩa với chính bạn và với người tiêu dùng. Ý nghĩa ở đây không nói đến tiền, quyền lực hay uy tín. Đó cũng không phải là tạo ra một nơi làm việc tốt đẹp. Mà là tạo ra một mục tiêu, một động lực, một hình ảnh mà chính bản thân mình, cộng sự của mình, cũng như khách hàng của mình cùng có cảm xúc, cùng ủng hộ, cùng xây dựng. Điều đó sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn và chiến thắng. Khi khách hàng và tất cả các bên liên quan khác cùng tập trung xung quanh doanh nghiệp như một “đội thập tự chinh”, bạn có thể đánh bật nhiều đối thủ ra khỏi thị trường, đây là lợi nhuận to lớn và dài hạn”.

Nguồn: nhuongquyenvietnam.com
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]