Những "biến thể" Android lạ có thể bạn chưa biết

0

Với những ưu thế như được phát hành miễn phí, cho phép nhà sản xuất và người dùng thoải mái tùy biến, Android của Google hiện đang là hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới hiện nay. Android được Google mua lại năm 2005, và dự án mã nguồn mở Android (Android Open Source Project - AOSP) được hãng tìm kiếm ra mắt hai năm sau đó, với mục tiêu tạo ra một bộ khung hợp nhất cho các hệ điều hành di động, đồng thời đẩy mạnh sự phát triển của các sản phẩm mobile. Các nhà sản xuất, nhà mạng, các công ty sản xuất chất bán dẫn và phần mềm, muốn tham gia dự án của Google cũng như muốn sử dụng chợ app Android Market (nay là Google Play), được Google mời tham gia OHA. 

Phần lõi của mã nguồn Android được phát hành hoàn toàn miễn phí, tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng của sản phẩm, và cũng để thúc đẩy sự phát triển cho các dịch vụ của riêng mình nhằm cạnh tranh với iOS, Google cũng cũng thành lập nên Liên minh Thiết bị cầm tay mở (Open Handset Alliance - OHA). Các công ty tham gia vào liên minh này cam kết tuân thủ theo một số tiêu chuẩn chất lượng của các sản phẩm Android - kể cả phần cứng lẫn phần mềm.

Tuy nhiên, việc một hãng nào đó có hay không nằm trong danh sách OHA không ảnh hưởng tới việc sử dụng AOSP. Nói cách khác, OHA không phải là một yêu cầu bắt buộc, và nếu không thích tham gia liên minh này, các hãng công nghệ vẫn có thể sử dụng AOSP mà không chịu sự cấm đoán nào của Google. Đây chính là lý do vì sao những phiên bản Android "ngầm", như Fire OS của Amazon, vẫn có thể tồn tại. 

Fire OS

 

 

Amazon được biết đến là hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới, và công việc chính của họ là bán hàng. Họ bán sách, hàng tạp hóa, quần áo, đồ điện tử... Nói cách khác, hàng hóa trên Amazon vô cùng đa dạng, đủ đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng.

Nhận thấy kho hàng của mình rất phong phú, Amazon rất muốn "trói" người dùng vào hệ sinh thái của riêng mình. Một hệ điều hành miễn phí như Android sẽ giúp Amazon thực hiện tham vọng đó mà không phải bắt tay xây dựng mọi thứ từ đầu. Hãng ra mắt tablet Kindle Fire năm 2011, và thiết bị này chạy một phiên bản Android được chỉnh sửa. Về sau, hệ điều hành được Amazon "chế" từ Android có tên gọi chính thức là Fire OS.

Amazon quyết đi "đường riêng" và không tuân thủ các quy chuẩn về phần mềm và phần cứng mà liên minh OHA đã đề ra. Bởi vậy, Google đã không cho phép phiên bản Android của Amazon chạy được kho ứng dụng Play Store cũng như các dịch vụ của Google. Đó là lý do vì sao khi người dùng sử dụng Kindle Fire, họ sẽ thấy trải nghiệm trên thiết bị này không giống với các máy Android khác: nhiều chức năng đã bị cắt giảm. 

Amazon cũng không chịu buông xuôi khi tự mình xây dựng một kho ứng dụng riêng (Amazon app store) với các ứng dụng được phê duyệt, đồng thời cung cấp cho người dùng nhiều cách thức để mua và tải về các sản phẩm số như phim, nhạc. Cách làm này về sau được Amazon tiếp tục đẩy mạnh, với việc ra mắt chiếc điện thoại Fire Phone vào năm 2014. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, smartphone này không thu được thành công như chiếc Kindle Fire cách đó 3 năm. 

MIUI của Xiaomi

 

Điện thoại Xiaomi Mi 4.

Xiaomi, công ty đến từ Trung Quốc được IDC xếp hạng là hãng smartphone lớn thứ ba thế giới hồi năm ngoái, cũng có cho riêng mình một phiên bản Android "chế" có tên gọi MIUI. MIUI khiến nhiều người liên tưởng đến iOS của Apple do hai nền tảng này có khá nhiều điểm tương đồng.

Xiaomi ra mắt điện thoại Mi1 (hay còn có tên khác là Xiaomi Phone) năm 2011; và trong khi phiên bản bán tại Trung Quốc không hỗ trợ các ứng dụng, dịch vụ của Google, thì các máy xuất khẩu bán ra ở nước ngoài cho phép người dùng sử dụng Play Store của hãng tìm kiếm. MIUI về cơ bản đã được Xiaomi tùy biến rất nhiều, tuy nhiên, nó vẫn được chứng nhận "hợp chuẩn" và do đó, tương thích với dịch vụ của Google. 

Điện thoại của Xiaomi cũng từng "dính" vào nhiều rắc rối liên quan đến quyền riêng tư của người dùng. Một ví dụ như smartphone Mi 4 của hãng này hồi tháng 3/2015 bị hãng bảo mật Bluebox tố cài sẵn mã độc. 

Aliyun OS của Alibaba

Aliyun OS.

Alibaba là gã khổng lồ trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến giống Amazon, là công ty có đợt IPO thành công nhất lịch sử nước Mỹ (Alibaba chính thức IPO vào ngày 19/9/2014 và huy động được 21,8 tỷ USD, sau đó nâng lên 25 tỷ USD).

Alibaba từng tham vọng phát triển hệ điều hành Aliyun OS để cạnh tranh với Android của Google. Năm 2012, họ hợp tác với Acer để đưa Aliyun OS lên chiếc smartphone CloudMobile A800 bán ra tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Google đã gây áp lực mạnh mẽ lên Acer nhằm hủy bỏ kế hoạch ra mắt sản phẩm này. 

Google cho rằng Aliyun là một bản build không tương thích (non-compatible) của Android, do đó sẽ làm yếu hệ sinh thái này. Hãng tìm kiếm không chứng nhận cho Aliyun và do đó, hệ điều hành này không chạy được Play Store và các dịch vụ của công ty tìm kiếm. Google cũng dọa rút giấy phép sử dụng Android của Acer - một thành viên thuộc OHA - nếu Acer vẫn ra mắt chiếc smartphone chạy Aliyun của Alibaba. Acer sau đó đã phải về theo phe Google, và kế hoạch CloudMobile A800 cuối cùng đã bị hủy bỏ, không bao giờ xuất hiện trên thị trường. 

CyanogenMod OS

 

 

Sau khi Android ra mắt năm 2008, giới hacker khám phá ra một phương pháp giúp kiểm soát được Android (còn gọi là root máy). Nó cho phép hacker thực hiện các tùy biến, điều chỉnh trong hệ thống.

CyanogenMod OS - một biến thể riêng của Android, nổi lên từ phương pháp này, đưa Android ngày càng phân nhánh nhiều hơn. Đáng chú ý, vào cuối 2013, nhà sản xuất smartphone Trung Quốc Oppo công bố một phiên bản đặc biệt của chiếc N1. Smartphone này được cài sẵn CyanogenMod OS, và điểm thú vị là nó vượt qua được hệ thống xác thực của Android - nghĩa là người dùng có thể sử dụng được kho ứng dụng Play Store.

Về sau, Cyanogen (công ty phát triển CyanogenMod) còn hợp tác với OnePlus (hãng smartphone mới nổi được thành lập bởi cựu lãnh đạo Oppo là Pete Lau) để ra mắt một chiếc smartphone tương tự.

PrivatOS của Geekphone 

 

 

Nếu như Fire OS của Amazon được ra đời nhằm mục đích bán hàng hóa; thì phiên bản Android của Geekphone (công ty smartphone đến từ Tây Ban Nha) lại hướng tới một mục tiêu khác: Bảo mật. Điện thoại của Geekphone ra đời trong bối cảnh các tổ chức tình báo Mỹ như NSA liên tục bị tố lén lút theo dõi người dùng qua smartphone. Chiếc Blackphone ra mắt năm 2014 của Geekphone được quảng cáo là smartphone bảo mật bậc nhất thế giới. Blackphone cho phép người dùng lưu các file dữ liệu, thực hiện các cuộc gọi điện, nhắn tin một cách an toàn. Việc duyệt web hứa hẹn cũng rất riêng tư nhờ một mạng riêng ảo (VPN) nặc danh. Smartphone này chạy nền tảng PrivatOS - một nhánh mới của Android do chính Geekphone phát triển. 

PrivatOS cũng bị xếp vào danh sách bản build không tương thích của Android, do đó, người dùng sẽ không tìm thấy các ứng dụng Google trên Blackphone. Tuy nhiên, do kho ứng dụng Play Store của Google nhiều khi cũng là một phương tiện lan truyền các phần mềm độc hại, việc Blackphone không hỗ trợ Play Store vì lo ngại bảo mật cũng là điều có thể hiểu được.

Dẫu vậy, mọi chuyện cuối cùng không suôn sẻ như Geekphone mong muốn. Công ty smartphone Tây Ban Nha này mới đây vừa công bố từ bỏ thị trường mobile, không còn tham gia sản xuất smartphone nữa. 

OnePlus One với Cyanogen OS

 

 

Ở phần trên, chúng ta đã nói tới nền tảng CyanogenMod trên chiếc Oppo N1, cùng sự xuất hiện của nhân vật Pete Lau. Thởi điểm chiếc N1 chạy CyanogenMod ra mắt, hẳn nhà sáng lập CyanogenMod là Steve Kondik từng có mối quan hệ hợp tác thân thiết với Pete Lau, người lúc này đang là Phó Chủ tịch cấp cao của Oppo. 

Nói vậy là bởi khi rời Oppo hồi tháng 11/2013 để thành lập nên một công ty mới có tên OnePlus, Lau hứa hẹn sẽ hợp tác chặt chẽ với Cyanogen để phá triển một chiếc flagship chạy Android "hoàn hảo". Smartphone hoàn hảo mà Pete Lau nói tới sau này có tên gọi OnePlus One. 

Với cấu hình tốt (màn hình 5,5 inch fullHD, chip Snapdragon 801, RAM 3 GB, camera 13 MP...) và giá bán hợp lý (300 USD), OnePlus One nhanh chóng thu hút được người dùng. Tuy nhiên, thay vì dùng CyanogenMod, điện thoại One của OnePlus chạy nền tảng Cyanogen OS (ít nhất là với các máy bán ra ngoài Trung Quốc). Đây không phải là một hệ điều hành nguồn mở nhưng được chứng nhận để chạy được các ứng dụng và dịch vụ của Google. 

Mối quan hệ giữa Cyanogen và OnePlus những tưởng sẽ rất rạng ngời và tốt đẹp. Tuy nhiên, một "sự cố" xảy ra khiến hai công ty bất ngờ ngừng hợp tác. Cyanogen âm thầm ký một thỏa thuận với công ty smartphone Micromax của Ấn Độ; và thỏa thuận này cho phép Micromax độc quyền sử dụng hệ điều hành của Cyanogen trên smartphone của mình. Micromax là đối thủ của OnePlus ở quốc gia Tây Á, do đó khi OnePlus bán smartphone chạy hệ điều hành của Cyanogen, hãng bị Micromax đâm đơn kiện. 

Cyanogen vẫn đang liên tục quảng bá cho hệ điều hành của mình, và một số nguồn tin nói rằng hãng còn nhận được những khoản đầu tư từ gã khổng lồ Microsoft. OnePlus, trong khi đó, đã quyết định đi đường riêng và xây dựng nên nền tảng OxygenOS. Sau một thời gian trì hoãn, OxygenOS cuối cùng cũng ra mắt hồi đầu tháng 4/2015, đánh dấu một bước phát triển mới của startup này.

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]