Những kỹ sư mê nghiên cứu

Họ đã ngày đêm nghiên cứu cho ra đời những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao để chuyển giao cho nông dân

15.6051

Nằm giữa nông trường Phạm Văn Cội (xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi – TPHCM) là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ở đó có những dãy nhà lưới mọc lên giữa vùng đất rộng mênh mông. Bên trong xanh um những loài cây ăn quả như cà chua, dưa leo, dưa lưới, ớt... Xa xa, vườn lan bạt ngàn khoe sắc cũng là nơi bảo tồn nguồn gien lan rừng đang được đội ngũ khoa học của trung tâm sưu tầm, nhân giống.


Thạc sĩ Nguyễn Hải An đang theo dõi dưa lưới trồng trong nhà kín


Gắn bó với ruộng đồng


Ở cuối dãy nhà kín, các kỹ sư Nguyễn Hải An, Đinh Quang Tuyến, Hoàng Anh Tuấn cặm cụi bên những dây dưa lưới đang nhú hoa vàng. Phía trên dây dưa được gắn những biển màu vàng mà theo kỹ sư  Đinh Quang Tuyến, đó chính là những tấm dẫn dụ côn trùng. Trời trưa, lưng áo của các kỹ sư ướt đẫm. Đưa chúng tôi tham quan mô hình trồng rau sạch, tiến sĩ Nguyễn Hải An, phó giám đốc trung tâm, giới thiệu: “Đây là mô hình trình diễn trồng rau, cây ăn quả trong nhà kín. Trước kia, chúng tôi đã thử nghiệm cà chua, dưa leo tại nơi đây. Kết quả các loài rau, quả không chỉ sạch mà còn cho năng suất cao gấp đôi trồng bên ngoài. Khi mô hình hoàn tất, chúng tôi sẽ chuyển giao cho nông dân”. 


Ngoài việc lai tạo, nhân giống, trung tâm còn trình diễn công nghệ và chuyển giao công nghệ ấy cho nông dân. đội ngũ khoa học tại trung tâm luôn làm việc hết mình để cho ra đời những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu  phát triển nông nghiệp hiện đại.

Hầu hết những kỹ sư gắn bó với trung tâm đều có chung niềm đam mê đem kiến thức, công nghệ mới phục vụ việc phát triển nông nghiệp của TP. Đó cũng là lý do khiến họ rời bỏ phố thị để về với vùng sâu, gắn mình với cây cỏ. Tiến sĩ Đinh Quang Tuyến đã có thời công tác tại Viện Nghiên cứu Bông Ninh Thuận, không ngần ngại để lại vợ và hai con nhỏ ở quê để về đây làm việc. thời gian gắn bó tại trung tâm là cơ hội để ông thỏa sức với những sáng kiến, những trải nghiệm thực tế mà ông chưa có nhiều trong quá trình làm việc. Ông cho biết: “Theo nghề nông thì không thể chọn nơi phồn hoa đô thị. Ở đây, tôi có được niềm vui là thấy những sản phẩm làm ra đáp ứng nhu cầu của nông dân”. Niềm vui có được từ công việc rất nhiều nhưng đêm đến, nằm trong nhà tập thể, nghe tiếng côn trùng nỉ non, nỗi nhớ vợ con cứ da diết trong ông. Để lấp đi khoảng trống đó, ông lại đem sách vở, tài liệu ra đọc, nghiên cứu. 


Vốn sinh ra ở nội thành, từng quen với nhịp sống công nghiệp nhưng thạc sĩ Hoàng Anh Tuấn không ngại gắn bó, làm việc tại đây. Với anh, việc cho ra đời sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng là điều không thể thiếu trong nền nông nghiệp hiện đại. Chính vì thế, ngoài những đề tài nghiên cứu về rau ăn lá, rau gia vị, mới đây, anh bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu về một số biện pháp kỹ thuật trồng dưa lê theo hướng công nghệ cao. Thạc sĩ Tuấn tâm sự: “Biết trước đến đây sẽ buồn nhưng tôi vẫn chấp nhận. Đã gắn bó với nông nghiệp thì phải coi nông dân là bạn, đất hoang là nhà”. Rồi anh dẫn chúng tôi xem vườn lan với những giống lan vừa được cấy mô thành công. chỉ những cây Jatropha Curcas vừa được trung tâm nhập về, anh cho biết: “Đây là cây dầu mè dùng để sản xuất dầu diesel sinh học. loài cây này sẽ phục vụ cho ngành sản xuất dầu trong tương lai”. 


Đem điều tốt đẹp nhất đến nông dân


Nếu khu thực nghiệm trồng rau, cây kiểng thu hút nhiều nam nhi thì tại phòng nghiên cứu thủy sản của trung tâm, nhiều nữ kỹ sư cũng đang miệt mài lai tạo những giống cá mới. Tại trại nuôi cá, hai kỹ sư Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Kim Liên bận rộn cho cá ăn, nhân giống cá dĩa - một loài cá cảnh có giá trị cao đang được các nước ưa chuộng. Những chiếc hồ đầy cá lớn, cá bé. Chỉ tôi xem những chú cá vừa nở khoảng một tuần đang bám vào vẩy cá mẹ, kỹ sư Nguyễn Thị Lan kể: “Loài cá này khi mới nở phải bám vào cá mẹ để hút sữa. Chỉ vài tuần thôi là chúng có thể tách đàn, sống riêng một mình”.


Kỹ sư Lan từ Huế vào TPHCM với niềm đam mê cho ra đời những giống cá cảnh tốt nhất cho nông dân. Hơn 2 năm làm việc, cô gái Huế ngày nào giờ đây đã  biết khá nhiều món ăn Nam Bộ và những đặc sản của vùng đất Củ Chi như bánh tráng cuốn bò tơ, rau móp xào. Nhưng niềm vui nhất của chị sau 2 năm gắn bó với nơi này là bảo vệ thành công đề tài “Bổ sung quy trình nuôi cá dĩa” vào đầu năm 2009. Giọng chị phấn khởi: “Chúng tôi sẽ hoàn tất quy trình, chuyển giao cho nông dân. Đây là loài cá cảnh có giá trị cao, nuôi chúng, nhà nông sẽ có nhiều lợi nhuận”.

Bài và ảnh: Huỳnh Nga
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]