Những lưu ý khi dùng Clotrimazol trị nấm

Thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho một số bệnh ngoài da phát triển, đặc biệt là nấm và Cotrimazol là thuốc hay được dùng để trị nấm.

15.6037
Đây là thuốc chống nấm phổ rộng có nhiều dạng dùng như viên ngậm, kem bôi, dung dịch dùng ngoài, viên đặt âm đạo; được dùng điều trị các trường hợp bệnh ngoài da do nhiễm các loài nấm gây bệnh khác nhau như nấm Candida ở miệng, họng, âm hộ, âm đạo; nấm da, nấm Candida ngoài da, nấm kẽ ngón tay, kẽ chân; lang ben; viêm móng và quanh móng.
 

Trong điều trị, thuốc có thể được dùng đơn độc hoặc phối hợp với corticoid như betamethason, hydrocortison để tăng hiệu quả điều trị.

Thuốc diệt nấm bằng cách liên kết với các phospholipid trong màng tế bào nấm, làm thay đổi tính thấm của màng, gây mất các chất thiết yếu nội bào dẫn đến tiêu hủy tế bào nấm.

Cách dùng

- Dùng đường miệng đối với dạng thuốc viên ngậm để điều trị tại chỗ.
 
Tác dụng chống nấm phụ thuộc vào nồng độ của thuốc tại miệng, không có tác dụng toàn thân. Ngậm viên thuốc cho tới khi tan hoàn toàn, mất khoảng 15-30 phút.
 
Nuốt nước bọt trong khi ngậm. Không nhai hoặc nuốt cả viên thuốc.
 
Mỗi ngày dùng 5 lần, trong 14 ngày liền. Không dùng đường miệng cho trẻ dưới 3 tuổi, vì chưa xác định hiệu quả và độ an toàn của thuốc ở lứa tuổi này.
 
- Dùng ngoài da đối với các dạng như kem bôi, dung dịch
 
Bôi nhẹ một lượng thuốc vừa đủ lên vùng da bị bệnh 2 lần/ngày. Nếu bệnh không đỡ sau 4 tuần điều trị cần phải xem lại chẩn đoán.
 
Bệnh thường đỡ trong vòng 1 tuần, có khi phải điều trị đến 8 tuần.
 
- Điều trị nấm âm đạo đối với viên đặt âm đạo
 
 Đặt một viên 100mg vào âm đạo mỗi tối trước khi đi ngủ, dùng liền trong 7 ngày hoặc 1 viên 500mg chỉ một lần duy nhất. Dạng kem dùng 5 lần/ngày trong 7-14 ngày.
 
Chú ý
 
Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ do thuốc gây ra.
 
Dùng đường miệng, những phản ứng phụ thường gặp chiếm 5%: kích ứng và rối loạn tiêu hóa, nôn, buồn nôn.
 
Dùng tại chỗ có thể bị kích ứng, bỏng nhẹ, viêm da dị ứng do tiếp xúc, đau rát vùng bôi thuốc ở da hoặc âm đạo.
 
Nếu người bệnh thấy các biểu hiện trên hoặc có biểu hiện tăng kích ứng ở vùng bôi thuốc như đỏ, ngứa, mụn nước, sưng… cần ngừng thuốc và báo cho bác sĩ điều trị biết để có cách xử trí thích hợp.   

Theo DS. Hoàng Thu Thủy - Sức khỏe và Đời sống

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]