Những triệu chứng “êm ả” đáng sợ của bệnh tâm thần

TÂM THẦN.- Tháng 6 vừa qua, vụ bà P.T.H tạt dầu sôi vào mặt con mình (một người mẫu) đã gây xôn xao dư luận TPHCM. Kết quả giám định pháp y sau cùng cho thấy người mẹ bị bệnh tâm thần. Vì sao trong một thời gian dài trước đó, bệnh nhân không được phát hiện và chữa trị để rồi bỗng dưng bị kích động và “ra tay” trên chính người thân của mình? Theo ý kiến của một số chuyên gia tâm thần, có khả năng trước đó bệnh được biểu hiện bằng những triệu chứng tâm thần âm tính - nghĩa là bộc lộ một cách không rõ ràng

15.6149

Bệnh nhiều nhất ở lứa tuổi 15-34

82,9% bệnh nhân TTPL phát bệnh ở tuổi 15-34; 28,8% có người thân trong gia đình, họ hàng bị bệnh tâm thần; 48,5% bệnh nhân là con thứ 1-3 trong gia đình; 77,1% mẹ bệnh nhân TTPL có trình độ học vấn từ cấp 1 trở xuống trong khi ở người cha tỉ lệ này là 54,9%; 39,1% bệnh nhân đã mất cha; 64,3%  bệnh  nhân  nữ bị nhốt cách ly tại nhà.

Trung tuần tháng 7, N.T.H, nữ, 23 tuổi, ngụ tại Nhà Bè, nhập Bệnh viện (BV) Tâm thần TPHCM vì lý do đánh đập người thân. Trước đó 5 năm, sau khi thi rớt đại học, H. tỏ ra buồn chán. Năm sau, thi lần nữa cũng rớt, lần này thì H. bỏ mặc tất cả. Cô xa lánh mọi người, ít nói, ngồi hàng giờ như người mất hồn và lười vận động. Vốn là người ít giao tiếp trước đó, nên người trong nhà đều tưởng H. chẳng có vấn đề gì. Thời gian gần đây, tình trạng ngày một nặng nề: H. xanh xao, đờ đẫn như người mất hồn và thường thức giấc vào ban đêm vì không ngủ được. Một tối nọ, sau khi bị người nhà rầy la, H. đột nhiên kích động và xông vào tấn công mọi người... Tại BV, sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp Tâm thần phân liệt (TTPL) thể di chứng.

Ít nói, lười biếng, thờ ơ: coi chừng tâm thần đấy!

Bác sĩ Lâm Xuân Điền, Giám đốc BV Tâm thần TPHCM, cho biết trường hợp trên là một ca điển hình về bệnh nhân có những triệu chứng âm tính. Khác với đặc điểm ồn ào, rõ nét của  triệu chứng tâm thần dương tính, triệu chứng âm tính lại thường không được chú ý đến vì nó diễn ra một cách êm ả và khá giống với một số biểu hiện của con người. Điển hình là dấu hiệu bệnh nhân không muốn tiếp xúc với người khác, ngay cả người thân trong gia đình (bị lầm tưởng là ít nói); không còn ham thích làm việc; bỏ bê công việc tại cơ quan, gia đình, không màng đến học tập; nằm nhiều giờ trên giường hay ngồi một chỗ, chỉ ăn và ngủ, không quan tâm đến ăn mặc, thậm chí là vệ sinh cá nhân (bị lầm tưởng là lười biếng); không biểu hiện tình cảm (bị lầm tưởng là thờ ơ). Ngoài những triệu chứng này, bệnh nhân có thể xuất hiện dấu hiệu trầm cảm, ý tưởng chán sống, bỏ nhà đi lang thang, rối loạn giấc ngủ, rối loạn bản năng ăn uống... Theo bác sĩ Điền, mặc dù tiến triển từ từ, nhưng những triệu chứng âm tính lại phá vỡ nhân cách bệnh nhân rất nặng nề. Triệu chứng âm tính thường gặp trong bệnh TTPL, và chúng xuất hiện càng nhiều thì bệnh càng nặng và khó hồi phục.

Triệu chứng tâm thần dương tính

Bao gồm các triệu chứng khác thường dễ được nhận ra như: có ý tưởng sai lầm, không phù hợp thực tế, do bệnh gây ra nhưng bệnh nhân lại cho là đúng, như nghĩ người thân hại mình, nghĩ mình có những tài năng siêu việt; nghe tiếng nói ảo vang lên bên tai hay trong đầu, nhìn thấy những hình ảnh ảo; kích động, đập phá đồ đạc, tấn công người khác, v.v...

Giấu bệnh là sai lầm

Theo công trình khảo sát “Các yếu tố dịch tễ học của bệnh nhân TTPL”, do tập thể bác sĩ BV Tâm thần TPHCM và mạng lưới  21 phòng khám tâm thần quận, huyện ở TPHCM thực hiện trong năm 1997, chỉ có 33,9% bệnh nhân TTPL được đi khám y tế trong vòng 1 tháng sau khi phát bệnh. Điều này cho thấy phần lớn bệnh nhân không ý thức được bệnh của mình, do gia đình che giấu hoặc người thân không chú ý. Bác sĩ Huỳnh Xuân Thiện, phó phòng kế hoạch tổng hợp BV, nêu một dẫn chứng: Bệnh nhân T.V.M, 17 tuổi, ngụ tại phường 5, quận 5, con trai một trong nhà, đã phải nhập viện vì... đâm cha! Năm 15 tuổi, đang học lớp 9, đột nhiên M. bỏ học, không muốn tiếp xúc với bạn bè và bỏ nhà đi lang thang trong nhiều ngày. Là gia đình danh giá, nên khi thấy con có dấu hiệu bất thường, lo sợ hàng xóm đàm tiếu nên gia đình nhốt M. suốt ngày trong nhà. Tháng 6-2003, trong một lần mở cửa phòng thoát được ra ngoài, M. tìm một con dao và đâm vào tay cha ruột!

Cũng theo khảo sát trên, gần 25% bệnh nhân TTPL được gia đình áp dụng các phương pháp trị liệu mê tín dị đoan trước khi đến cơ sở y tế Nhà nước. Hiện tượng này khá phổ biến ở cộng đồng người Hoa, tại những vùng ven và ngoại thành như quận 8, huyện Hóc Môn, Củ Chi. Theo bác sĩ Thiện, trong dân gian vẫn còn tồn tại một số quan niệm sai lầm như bệnh tâm thần là do ma quỷ gây ra, là hậu quả của “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, là tội lỗi của gia đình, dòng họ nên có khuynh hướng giấu bệnh, cam chịu, tìm cách chạy chữa bằng bùa chú, xiềng xích bệnh nhân... Hậu quả là bệnh nặng càng thêm nặng, việc chữa trị sau đó rất khó khăn và phức tạp vì phát hiện quá trễ.

Phan Sơn


Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Châu, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tâm lý y học - Sức khỏe tâm thần, Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM:

Phòng bệnh không dễ, cần tạo bầu khí thân thiện trong gia đình

. Phóng viên: Thưa bác sĩ, TTPL là gì?

- Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Châu: Đó là một loại bệnh tâm thần nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng suy nghĩ, biểu lộ tình cảm và mối quan hệ với người chung quanh, lâu ngày sẽ biến đổi nhân cách người bệnh theo kiểu phân liệt, tức làm cho họ dần dần tách khỏi cuộc sống bên ngoài, thu hẹp vào thế giới bên trong, làm cho tình cảm  khô lạnh dần, khả năng làm việc ngày một sút kém và có những hành vi lập dị khó hiểu.

. Bệnh có phổ biến?

- Theo y văn thế giới, bệnh chiếm 0,5-1% dân số. Ở nước ta, tuy chưa có con số chính thức nhưng nhiều công trình điều tra cơ bản cũng cho kết quả tương tự.

. Bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền không?

- Cho đến nay y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chủ yếu gây bệnh TTPL mà vẫn nghĩ do nhiều yếu tố khác nhau phối hợp gây ra như: 1) Yếu tố gia đình: Nếu bố hay mẹ bị TTPL thì khả năng mắc bệnh của con cái tăng 2 lần, nếu cả cha và mẹ đều bệnh thì khả năng con mắc bệnh có thể tăng đến 50 lần. 2) Yếu tố sinh hóa: Một số nghiên cứu cho thấy ở người TTPL có sự rối loạn sản xuất, chuyển hóa và phân hủy các chất môi giới thần kinh, amine sinh học... 3) Yếu tố gia đình: Chưa có chứng cớ để cho rằng các rối loạn trong mối quan hệ gia đình dẫn đến TTPL, nhưng người ta thấy rằng bệnh dễ phát ra hơn khi bầu không khí trong gia đình căng thẳng. 4) Yếu tố môi trường: Môi trường chung quanh có quá nhiều stress sẽ góp phần thúc đẩy sự xuất hiện bệnh TTPL.

. Những thái độ nào cần tránh khi đối xử với bệnh nhân TTPL?

- Không nên đưa bệnh nhân đến thầy bùa, thầy pháp vì bệnh không phải do ma quỷ gây ra. Không nên tranh luận với bệnh nhân về những suy nghĩ bất thường của họ vì chúng chỉ có thể mất đi nhờ thuốc chống loạn thần. Không nên xiềng xích, trói hay nhốt bệnh nhân và không nên cho bệnh nhân tự ngưng thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

. Vậy bệnh có thể phòng ngừa được không?

- Như trên đã nói, do nguyên nhân phức tạp, nên chuyện phòng ngừa không phải dễ. Điều cần thiết là phải biết cách vệ sinh tâm thần, chống stress, biết cách điều hòa giữa làm việc và giải trí  tích cực,  trong gia đình có sự quan tâm lẫn nhau, tạo ra một bầu không khí thân thiện, hạnh phúc thì bệnh khó có điều kiện phát triển. Đừng cho rằng bệnh tâm thần của người khác chứ không phải của mình hay người thân của mình. Cuộc sống hiện đại vốn chất chứa nhiều mâu thuẫn và xung đột, đó là tiền đề cho bệnh phát sinh.

Ph.Sơn thực hiện

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]