Thưa bác sĩ, chỉ còn 2 tháng nữa là em kết hôn và vợ chồng em quyết định sẽ có em bé ngay sau khi kết hôn. Nhưng em nghe nói, muốn nhanh có thai và thai nhi khỏe mạnh thì người mẹ cần làm một số xét nghiệm trước khi mang thai. Em xin hỏi bác sĩ đó là những xét nghiệm gì? Em nên làm những gì trước khi có thai để tốt nhất cho cả 2 mẹ con. Em xin cảm ơn bác sĩ! (Hoài Phương)
Bạn Hoài Phương thân mến,
Mang thai là sự kiện lớn trong cuộc đời người phụ nữ và trong suốt thời gian 9 tháng 10 ngày, người phụ nữ phải chịu nhiều vất vả để chăm sóc cho cả mẹ và con khỏe mạnh. Để giảm thiểu những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của 2 mẹ con và để tăng khả năng có một thai kì thuận lợi và khỏe mạnh, trước khi có thai, người phụ nữ nên thực hiện một số điều bao gồm cả việc khám sức khỏe và làm các xét nghiệm cần thiết.
Việc đi khám và làm các xét nghiệm trước khi có thai sẽ giúp người phụ nữ xác định khả năng thụ thai của mình và nếu trong trường hợp có bệnh thì sẽ được điều trị kịp thời, chữa khỏi nhanh chóng, tăng khả năng thụ thai và khỏe mạnh trong suốt thai kì.
Việc đi khám và làm các xét nghiệm trước khi có thai sẽ giúp người phụ nữ khỏe mạnh hơn trong suốt thai kì. Ảnh minh họa
Bạn đã có ý thức kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai như vậy là rất tốt. Bạn có thể đến các bệnh viện chuyên sản khoa để được khám và làm các xét nghiệm cần thiết theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Những việc mà bạn cần làm trước khi mang thai có thể gồm:
- Tẩy giun sán trước khi muốn có thai vì bạn sẽ không thể tẩy giun trong khi đang mang thai.
- Uống bổ sung viên sắt và acid folic trước khi quyết định có thai để phòng tránh dị tật ống thần kinh cho thai nhi. Trong quá trình mang thai, bạn nên uống theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Khám răng miệng vì nếu bị bệnh về răng miệng khi mang thai có thể dẫn đến nguy cơ sinh non, tiền sản giật (cao huyết áp thai kỳ).
- Tiêm phòng một số bệnh như cúm, rubella, thủy đậu, viêm gan siêu vi B… Sau khi tiêm, bạn nên tránh thai trong khoảng ít nhất 3 tháng hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Kiểm tra huyết áp và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi mang thai vì huyết áp cao gây nhiều tình huống nguy hiểm cho tính mạng của cả người mẹ và thai nhi.
- Kiểm soát bệnh tiểu đường: Bạn cần đặc biệt chú ý về khả năng có thể bị bệnh tiểu đường khi mang thai. Nên tham khảo tư vấn của bác sĩ để có chế độ ăn phù hợp, tránh bị tiểu đường thai kì ảnh hưởng đến thai nhi.
- Xét nghiệm máu để biết nhóm máu, tình trạng máu có tốt không, có bị thiếu không... Việc xét nghiệm máu rất cần thiết để đề phòng trường hợp bạn bị thiếu máu cần truyền máu từ bên ngoai vào.
- Kiểm tra tổng thể chức năng các cơ quan như gan, tim, phổi để phát hiện và điều trị bệnh sớm nếu không may bạn mắc phải.
- Xét nghiệm nước tiểu, tìm các bất thường trong nước tiểu như máu, đạm, đường, vi khuẩn … trong nước tiểu.
- Xét nghiệm tầm soát một số bệnh có thể lây truyền qua con như viêm gan siêu vi B, C, HIV, giang mai.. để được bác sĩ tư vấn trước khi quyết định có con.
- Siêu âm ổ bụng để phát hiện bất thường ở các tạng trong ổ bụng như gan, lách, tụy, thận, tử cung, buồng trứng.
- Chụp nhũ ảnh để phát hiện u vú nếu bà mẹ trên 35 tuổi.
- Xét nghiệm pap Smear để phát hiện ung thu cổ tử cung.
Ngoài ra, trong quá trình đi khám, nếu thấy nghi ngờ vấn đề gì, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên thực hiện thêm các xét nghiệm cần thiết khác.
Vậy nên, nếu bạn muốn có con ngay sau khi kết hôn thì hãy đi khám tổng thể ngay từ bây giờ đi nhé.
Chúc bạn vui, khỏe!
Theo Pháp Luật Xã hội