Nuôi con bằng sữa mẹ là tốt nhất

Giadinh.net - Chúng tôi xin tư vấn cho độc giả kinh nghiệm chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, những mẹo hay trong việc nuôi dạy trẻ.

15.6131
>
>
Sữa chưa “xuống”?
 
Đây là cảm giác chung của các bà mẹ khi thấy bầu vú của mình mềm,trẻ khóc khi cho bú, hoặc ngủ li bì sau một bữa bú sữa bình. Cảm giác này hoàn toàn sai lầm, dẫn đến thực hành sai, kéo theo một chuỗi các hậu quả không tốt cho việc nuôi con bằng sữa mẹ. Thực chất của vấn đề là: sữa mẹ đã có sẵn trong bầu vú từ những tháng cuối của thai kỳ, nhưng vì chưa có động tác mút vú của trẻ nên số lượng ít. Chỉ khoảng 10-20ml (2-4 muỗng cà phê) nên vú mềm và không căng sữa.
 
Các bà mẹ chưa biết cho con bú mẹ đúng cách, trẻ không mút được số lượng sữa cần thiết nên trẻ khóc. Thế là chọn giải pháp cho trẻ bú bình, làm trẻ no, ngủ li bì, bú mẹ muộn hơn, càng làm sữa lâu xuống hơn.
 

Để tăng thêm sữa: Cho trẻ bú nhiều lần trong ngày, ít nhất 8 lần/ngày (Ảnh minh họa).

Muốn sữa “xuống” nhanh, sau khi sinh, vừa vệ sinh mẹ và con xong là cho trẻ bú mẹ ngay, dù bầu vú mềm. Phản xạ tống sữa, tạo sữa chỉ đợi động tác mút vú của trẻ để hoạt động.

Với trẻ, lúc mới sinh, số lượng sữa có sẵn trong bầu vú mẹ, dù ít cũng đủ cho trẻ “no và ấm”, đồng thời giúp trẻ chống nhiễm trùng, tiêu phân su sớm hơn.

Với mẹ, khi trẻ mút vú sẽ kích thích, làm co bóp cơ trơn của tuyến vú, giúp sữa chảy vào miệng trẻ, kích thích tế bào tuyến sữa sản xuất ra nhiều sữa hơn.

Mẹ và con nên nằm chung một phòng, hoặc cùng giường, nhờ vậy, mẹ có thể cho con bú bất kể khi nào trẻ muốn. Muốn sữa xuống sớm và nhiều thì cần cho trẻ bú mẹ ngay sau sanh, mẹ nằm cùng con và cho trẻ bú nhiều lần - bú theo nhu cầu của trẻ, không cho trẻ uống bất cứ thứ gì khác ngoài sữa mẹ trước cữ bú đầu tiên của trẻ.

Mẹ thiếu sữa

Đây là lý do thường gặp nhất để các bà mẹ cho trẻ bú bình. Lý do mà các bà mẹ cho rằng mình thiếu sữa là thấy vú mềm, không căng sữa, trẻ khóc nhiều hoặc trẻ đòi bú nhiều.

Muốn biết trẻ có bú đủ sữa mẹ hay không ta cần kiểm tra số lần đi tiểu và cân nặng của trẻ. Nếu trong ngày, trẻ chỉ bú mẹ, không uống nước mà đi tiểu trên 6 lần nghĩa là mẹ đủ sữa cho trẻ bú. Hoặc ta cân trẻ mỗi tuần, nếu trẻ tăng hơn 125g trong 1 tuần là mẹ đủ sữa cho trẻ.

Như vậy những cảm giác trên của bà mẹ là không đúng, vú mềm là do cấu trúc của vú bà mẹ nhiều mô mỡ nên không sờ thấy như tuyến vú căng sữa dễ nhận thấy ở vú của những bà mẹ ít mô mỡ. Trẻ khóc nhiều vì nhiều nguyên nhân chứ không phải là mẹ thiếu sữa.

Trẻ đòi bú nhiều là do sữa mẹ nhanh tiêu nên trẻ mau đói, đòi bú nhiều hơn, chứ không phải thiếu sữa. Trong một thời gian ngắn, sữa mẹ sẽ tăng lên đủ cho nhu cầu của trẻ, trẻ sẽ đòi bú ít đi.

Cha mẹ nào mà chẳng thương con, thấy con cứ nhìn vú mẹ mà quay ngoắt đầu đi nơi khác, la khóc inh ỏi, hoặc có khi thấy vú mình sao nhiều sữa, mà con không tăng trọng tốt, liền vội vàng cho con bú bình ngay, cho rằng sữa mình “chua, nóng” quá, khiến con “chê”!

Khi trẻ bỏ bú mẹ

- Cần xem trẻ có bị bệnh không: nếu trẻ lên cân tốt, chơi ngủ bình thường, không sốt, không có triệu chứng nào khác là trẻ khỏe. Nếu cần, phải đưa trẻ đi bác sĩ kiểm tra sức khỏe.

- Trẻ bị nghẹt mũi: trẻ có thể bị sổ mũi, nghẹt mũi do nhiễm siêu vi; cần phải thông mũi trước khi bú.

- Trẻ bị nấm miệng: lưỡi trẻ bị đóng bợn trắng dày và dơ, khi rơ lưỡi trẻ khóc và chảy máu, cần phải đến bác sĩ để có thuốc rơ miệng cho trẻ.

- Trẻ quá nhỏ (dưới 1.800gr): trẻ không đủ sức mút vú mẹ, cần vắt sữa ra ly đút cho trẻ.

Nếu đã loại trừ các nguyên nhân trên mà trẻ vẫn bỏ bú thì cần xem xét lại:

- Trẻ bú xa mẹ: Trẻ không được bú thường xuyên, không có sự tiếp xúc da kề da (hơi ấm) của mẹ, có thể nói trẻ “giận” mẹ. Do đó, cần gần gũi, ẵm bồng và nói chuyện với trẻ thường xuyên, khi cho bú cũng như lúc trẻ chơi. Nên để mẹ ngủ cùng con, cho trẻ bú nhiều lần, bất cứ khi nào trẻ muốn.

 - Trẻ bú bình: Vì cách bú bình hoàn toàn khác cách bú mẹ. Bú bình là “bú núm” (miệng trẻ chúm lại), còn bú mẹ là “bú quầng” (miệng trẻ mở to). Do đó, không nên cho trẻ bú bình khi đang cho trẻ bú mẹ hoàn toàn. Nếu cần thì cho trẻ uống sữa bằng muỗng hay ly.

- Tư thế bú sai: làm trẻ không ngậm bắt vú tốt, không nhận đủ sữa, nên trẻ bỏ bú. Cần phải bế trẻ đúng tư thế, đầu và thân thẳng hàng, bụng áp sát bụng mẹ, đỡ vai mông trẻ, mũi trẻ phải đối diện vú mẹ,… có như vậy trẻ mới ngậm bắt vú tốt để có thể nhận đủ sữa mẹ.

Trẻ chậm lên cân dù mẹ nhiều sữa?

Mẹ nhiều sữa nhưng trẻ lại chậm lên cân, làm cho sữa mẹ bị oan là “nóng”, “chua” - điều này khiến nhiều bà mẹ chuyển sang cho trẻ bú bình. Thực chất của vấn đề là: thành phần sữa không giống nhau: sữa đầu bữa bú (gọi là sữa đầu - có màu trắng trong), nhiều nước, nhiều đường, nhiều đạm và vitamin; sữa cuối bữa bú (gọi là sữa cuối - có màu trắng đục), nhiều chất béo, đậm độ năng lượng. Tốt nhất là trẻ bú được cả “sữa đầu” lẫn “sữa cuối” thì sẽ nhận hết sự ưu việt của sữa mẹ. Nhưng vì mẹ nhiều sữa nên trẻ mới bú được sữa đầu thì đã no không bú nữa, do đó trẻ chỉ nhận được “sữa đầu” ít năng lượng, nên không tăng cân. Hoặc, do bà mẹ cho con bú một chút bên này, một chút bên kia nên trẻ cũng chỉ nhận được “sữa đầu”. Muốn trẻ lên cân tốt thì cần cho trẻ bú một lần hết một bên bầu vú, nếu còn đói thì bú thêm bầu vú bên kia, và cữ sau cho bú ngược lại (tức là bú bên kia trước). Nếu trẻ chưa bú hết 1 bầu vú mà đã no thì có thể vắt bớt sữa đầu ra ly, cho trẻ bú “sữa cuối” trước, sau đó đút cho trẻ uống thêm sữa đầu (vắt ra ly) nếu thấy trẻ còn đói. Dần dần sữa mẹ sẽ điều chỉnh, tiết ra vừa đủ với số mà trẻ cần.
 

Để tăng thêm sữa: Cho trẻ bú nhiều lần trong ngày, ít nhất 8 lần/ngày

- Bú cả ngày lẫn đêm.

- Không cho trẻ bú sữa ngoài hay những loại thức ăn nào khác, vì như vậy làm trẻ bú mẹ ít đi và hậu quả mẹ sẽ ít sữa thật sự (giống như cơ chế cai sữa: không cho bú, sữa mẹ sẽ dần dần không tiết ra nữa).

- Bà mẹ cần ăn uống đầy đủ, tức ăn thêm 1 chén mỗi bữa hoặc ăn thêm bữa tối trước khi ngủ. Có thể ăn những thức ăn mà bà mẹ tin tưởng sẽ tiết nhiều sữa như: chân giò hầm đu đủ xanh, xôi đậu, sữa hột gà hoặc chỉ là một bữa cơm có đủ canh, rau, thức ăn phù hợp với hoàn cảnh của bà mẹ, và nên uống nhiều nước.

- Bà mẹ cần yên tâm rằng mình đủ sữa cho con bú, vì nếu lo lắng sẽ ức chế các phản xạ tiết sữa và tạo sữa, làm cho trẻ bị thiếu sữa thật sự.

- Những người xung quanh: người thân, hàng xóm, nhân viên y tế,… cần hỗ trợ cho bà mẹ yên tâm là mình đủ sữa cho con. Bà mẹ cần được nghỉ ngơi, tinh thần thoải mái.

 
Quỳnh Thy (Theo Sức khỏe gia đình)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]