Phòng bệnh cho sản phụ (3): Khổ như tắc tia sữa

GiadinhNet - Hiện tượng tắc sữa khiến trẻ không thể bú được, trong khi bầu ngực của mẹ thì căng tức, đau rất khó chịu.

0
>
>
>
>
 
Nếu tình trạng tắc sữa không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến áp xe vú, trẻ mất hết cơ hội được đón nhận dòng sữa ngọt ngào từ mẹ.
 
Tắc vì bú không đúng cách

Sinh xong, hai mẹ con chị Hoa có sức khỏe tương đối tốt. Tuy nhiên, chị lại nghĩ rằng, những giọt sữa đầu là sữa bị chua, bú vào dễ bị đau bụng nên chị Hoa vắt bớt đi. Bé Bống lại hay day đầu vú mẹ, chị nghĩ ra cách đổi bên liên tục cho đỡ mỏi người lại đỡ đau đầu ti. Được 2 ngày thì sữa tự nhiên tắc ứ, ra nhỏ giọt, rồi không ra nữa, trong khi 2 bầu sữa thì căng tức, rất đau.

Nghe theo lời khuyên của một số người, ngày nào chị Hoa cũng ăn đu đủ xanh hầm chân giò, chân dê, xôi nóng, cháo móng giò nấu thông thảo ý dĩ... nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Bống thì cứ khóc ngằn ngặt vì không bú được sữa mẹ. Có hôm căng sữa quá, chị còn bị sốt nhẹ, đầu hâm hấp, ngực thì đau nhức. Khi đi khám, các bác sĩ cho biết, chị bị tắc tia sữa do cho con bú không đúng cách.

Theo BS CKII Nguyễn Thị Tú Anh, Trưởng khoa Y học cổ truyền, BV Trung ương Huế: Trường hợp mẹ sữa căng đầy nhưng con không bú được không phải là hiếm. Đông y gọi đó là "nhũ ung"- tên gọi khác của chứng tắc tia sữa. Đây là tình trạng sữa bị ứ đọng ở bên trong, không thoát ra ngoài được. Khi căng sữa, ngực mẹ sưng đau, kèm theo sốt nhẹ.

Y học cổ truyền quan niệm, nguyên nhân tắc tia sữa phần nhiều do khí uất ở can và nhiệt độc ứ trệ ở kinh vị, làm cho khí huyết bị trở ngại, gây ra bệnh. Theo cách lý giải này thì những người bị căng thẳng thần kinh, tinh thần không thoải mái, bị nóng trong người dễ bị tắc tia sữa.

Th.S Đỗ Thanh Hà, Trưởng khoa Phụ, BV Y học cổ truyền TƯ chia sẻ: Những bà mẹ sinh non, con nhẹ cân thường dễ bị tắc tia sữa, do trẻ bé, khó mút được sữa mẹ. Bên cạnh đó, một số phụ nữ có hiện tượng núm vú tụt, bé không bú được, cũng dễ bị tắc tia sữa. Ngoài ra, bà mẹ bị nứt cổ gà ở đầu vú, lúc con bú bị đau, ngại cho bú, hoặc trẻ bú quá ít, khiến việc tiết sữa hạn chế. Nguyên nhân thường gặp nhất là do lúc cho trẻ bú, trẻ mút làm đầu vú bị tổn thương, vi khuẩn xâm nhập vào, gây bệnh. Sữa ra không thông (do tia sữa bị tắc) tích tụ lại, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Một số người do lười hoặc ngại cho bé bú sữa ngay từ khi mới sinh ra, khiến sữa được hình thành không được "tiêu thụ", cũng bị tắc sữa.

Theo Thầy thuốc ưu tú Phùng Đình Khánh (Hội Đông y Việt Nam), những người có thể trạng yếu sau sinh, hoặc trong khi mang thai bị ốm yếu cũng dễ có nguy cơ bị tắc tia sữa. " Khi thấy bầu ngực căng cứng, sờ vào có cảm giác thấy cục  bên trong, rất đau thì đó chính là những túi sữa "tồn đọng" của lần xuống sữa trước mà trẻ bú không hết. Nếu không tìm cách làm thông tuyến sữa thì người mẹ sẽ rất đau đớn và sữa mới cũng không thể xuống để cho trẻ bú, BS Tú Anh chia sẻ.
 
Cho trẻ bú đúng cách, đúng giờ cũng là một cách phòng tắc tuyến sữa. (Ảnh: TL)
 
Phòng tránh từ lúc mang thai

Chăm sóc "bầu sữa" đúng cách

Mỗi ngày cần vệ sinh đầu vú sau mỗi lần cho bé bú, bằng khăn mềm chấm nước muối loãng hoặc nước ấm. Công việc này cũng cần được chăm sóc mỗi ngày ngay từ khi mang thai.
Cho trẻ bú ngay trong 24 giờ đầu để bé được hưởng sữa non vừa là một trong những cách hạn chế tắc, vừa là nguồn dinh dưỡng quý cho trẻ.

Cần cho trẻ bú đúng cách, đúng giờ. Nguyên tắc tiết sữa là phải bú hết sữa thì mới kích thích sữa mới. Do đó, cần cho bú hết từng bên là góp phần phòng chống tắc sữa.

(Theo tư vấn của Thầy thuốc ưu tú Phùng Đình Khánh)
Nếu viêm tuyến vú, gây áp xe vú toàn bộ tuyến vú, sưng mủ, sốt cao bắt buộc sản phụ phải can thiệp ngoại khoa. Theo Th.S Đỗ Thanh Hà, có nhiều phương án để giải quyết vấn đề này, như châm cứu, massage, chườm nóng, dùng các bài thuốc Nam. Trong đó, châm cứu và massage vẫn là những cách thường được dùng nhất.

Massage bằng tay để bầu ngực người mẹ mềm ra, túi sữa vón cục bên trong cũng tan đi, "mở đường" cho sữa mới ra ngoài. Đi kèm với massage là chườm nóng để cho bầu ngực mềm hơn, bổ trợ cho những động tác massage giúp "thông đường" tia sữa nhanh hơn. Lưu ý là các bước tiến hành cần được hướng dẫn bởi các chuyên gia y tế.

 "Trong dân gian có rất nhiều bài thuốc chữa tắc tia sữa, có hiệu quả đối với một số người. Nhưng không phải ai cũng có thể áp dụng được. Ngoài ra, thuốc Nam chỉ áp dụng chữa tắc sữa giai đoạn đầu, còn khi đã mưng mủ, sốt cao thì nên chuyển sang Tây y can thiệp", BS. Tú Anh khuyến cáo.

BS. Phùng Đình Khánh cho hay, "cửa ngõ" để sữa chảy ra chính là đầu vú, đây là phần mà vi khuẩn dễ xâm nhập, làm tắc tia sữa. Vì thế, cần chú ý vệ sinh phần ngực sạch sẽ, nhất là các kẽ của đầu vú. Dùng khăn sạch, mềm, nhúng nước ấm hoặc nước muối loãng để lau sạch. Trước khi cho bé bú, nên vắt vài giọt sữa đầu bỏ đi. Lau sạch đầu vú khi bé đã bú và vắt hết sữa thừa. Nếu bé không bú hết lượng sữa, mẹ cần vắt hết ra bình, để tủ lạnh cho bé bú dần. Việc vắt hết sữa sau mỗi lần bú sẽ đảm bảo sữa không bị ứ đọng lại bên trong, không gây tình trạng vón cục, gây tắc tuyến sữa ở mẹ.

"Với những bà mẹ bị núm vú tụt, ngay từ thời son trẻ hoặc mới lấy chồng, cần xoa bóp kéo đầu vú dài ra. Trong quá trình mang thai cần khám thai đầy đủ, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập nhẹ nhàng để phòng việc sinh con nhẹ cân, sinh non", Th.S Thanh Hà khuyến cáo.
 
Quỳnh An
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]