Phòng bệnh không lây nhiễm: “Đơn thuốc” tập thể dục

GiadinhNet - Hoạt động thể lực có khả năng phòng và chữa bệnh không lây nhiễm.

15.5972
Đặc biệt, nếu hoạt động thể lực phù hợp có thể tăng tuổi thọ con người lên 10 tuổi.

Tập thể dục rất tốt cho sức khỏe ở mọi lứa tuổi. Ảnh: Chí Cường

 
Bệnh từ việc ngồi nhiều
 

Các chuyên gia khẳng định không hoạt động thể lực là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe hiện nay bởi một loạt bệnh lý liên quan trực tiếp đến hành vi lười vận động này.

Ngày 16/4, các chuyên gia đến từ Viện Karolinska (Thụy Điển) đã tổ chức khóa tập huấn truyền thông thúc đẩy kê đơn hoạt động thể lực trong việc phòng và điều trị bệnh không lây nhiễm tại Hà Nội. Tại khóa học, các chuyên gia đã cung cấp nhiều nghiên cứu thuyết phục của thế giới về những mối nguy khi con người ngồi nhiều, lười vận động.

Nghiên cứu tại Australia về lối sống, tiểu đườngbéo phì trên gần 9.000 người lớn trong gần 7 năm cho thấy: Trong số 3% trường hợp tử vong thì 87 ca là do bệnh lý tim mạch, 125 ca là do ung thư. Ngoài ra, cứ mỗi giờ xem ti vi trong ngày sẽ làm số ca tử vong chung và do tim mạch nói riêng tăng 10 - 20%.

Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trên hơn 50.000 người cho thấy, không hoạt động thể lực làm tăng yếu tố nguy cơ tác động mạnh như hút thuốc lá, tăng lipit máu và tăng huyết áp (nguyên nhân thứ 4 gây tử vong ở các bệnh không lây nhiễm), còn nếu hoạt động thể lực giúp tăng tuổi thọ lên 6 - 9 năm.
 
Với bệnh lý tim mạch, nghiên cứu trên gần 10.000 nam giới (độ tuổi từ 20 - 82) của Viện Aerobics (Mỹ) trong 5 năm cho thấy, số tử vong ở đối tượng không hoạt động thể lực cao gấp 3 lần so với nhóm đối chứng tập thể dục. Các chuyên gia khẳng định không hoạt động thể lực là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe hiện nay bởi một loạt bệnh lý liên quan trực tiếp đến hành vi lười vận động này.

Cuối năm 2011, Trường ĐH Y Hà Nội, Viện Karolinska và Hiệp hội nghiên cứu hoạt động thể lực trong điều trị (Thụy Điển) phối hợp để cung cấp các bằng chứng khoa học về tác dụng của hoạt động thể lực trong phòng và điều trị bệnh không lây nhiễm.

Với mục đích hỗ trợ hệ thống chăm sóc sức khỏe y tế và nâng cao sức khỏe cộng đồng, dự án này đề xuất kế hoạch áp dụng phương pháp kê đơn chữa bệnh bằng cách tập thể dục để chữa các bệnh về tim mạch, huyết áp, đột quỵ, tiểu đường, béo phì... Những bệnh này được coi là gánh nặng đối với xã hội và đang phổ biến ở Việt Nam.
 
Tử vong bệnh không lây chiếm 70%

Trong hội thảo “Chiến lược phòng chống bệnh không lây” tổ chức tại TPHCM, BS Nguyễn Thị Hiệp, Viện Vệ sinh Y tế công cộng cho biết: Mỗi năm trên cả nước có khoảng 500.000 người tử vong thì có đến 350.000 người tử vong vì các loại bệnh không lây (chiếm 70%). Nếu không có giải pháp hữu hiệu để can thiệp, sức hủy diệt của loại bệnh này sẽ còn khủng khiếp hơn trong những thập niên tới.

Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia còn cho thấy, hiện nay mỗi người Việt Nam đã ăn một lượng thịt gấp 2,5 lần so với cách đây hơn 20 năm và gấp 1,2 lần so với 10 năm trước. Lượng trứng, sữa được tiêu thụ cũng tăng lần lượt gấp 9 lần và 2 lần so với cùng thời gian trên, trong khi lượng đường gấp tới 10 lần so với cách đây 20 năm.

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lối sống công nghiệp, văn phòng khiến một bộ phận không nhỏ người dân mắc phải chứng bệnh “lười vận động” kéo theo đó là những hệ quả không nhỏ đến từ các loại bệnh mãn tính không lây như béo phì, tim mạch, huyết áp, tiểu đường, ung thư…

PGS.TS Bạch Mai đưa ra lời khuyên: Đơn giản nhất là hoạt động thể lực bằng cách đi bộ với cường độ nhẹ 5 ngày/tuần với thời lượng tăng dần từ 5-10 phút lên 20-30 phút/ngày. Hay như việc vận động giảm nguy cơ rối loạn chuyển hóa tim mạch ở người thừa cân là: Giảm 2 tiếng ngồi một chỗ mỗi ngày, đi bộ nhanh khoảng 1.500 bước trong 2,5 tiếng chia làm 3 lần/tuần. Theo các chuyên gia đến từ Thụy Điển, mỗi người nên tập thể dục đủ 30 phút mỗi ngày là tốt nhất. Cường độ tối thiểu phải ở mức trung bình (như đi bộ nhanh).
 
Hoài Nam
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]