Phòng tránh suy dinh dưỡng cho trẻ (1): Ăn nhiều chẳng lớn?

GiadinhNet - Con bị suy dinh dưỡng luôn ám ảnh các ông bố bà mẹ, nên họ đã cố gắng cật lực "tẩm bổ"cho bé. Vậy nhưng ăn vào mà cứ như đi đâu hết, trẻ vẫn cứ còi cọc, chậm lớn.

15.5972
>
>
 
Sinh con, chăm sóc con lớn khôn là cả một quá trình đầy vất vả của bố mẹ. Nuôi thế nào cho khoa học để bé phát triển tốt nhất- đó là điều các bậc phụ huynh luôn quan tâm. Từ số này, GĐ&XH sẽ đăng loạt bài viết: "Phòng tránh suy dinh dưỡng cho trẻ" nhằm giúp cha mẹ có thêm thông tin, kiến thức trong việc chăm sóc dinh dưỡng cho con cái.

Giai đoạn 1-2 tuổi, trẻ rất dễ bị SĐ do thay đổi trong việc bú sữa mẹ, chế độ ăn dặm (Ảnh: Hồng Quang).

"Chất bổ chạy đi đâu hết"?

Dinh dưỡng cho trẻ
 
Nên

Cho trẻ bú mẹ từ lúc mới sinh đến 24 tháng tuổi. Trẻ được 6  tháng tuổi, các bà mẹ nên bắt đầu cho ăn dặm. Trong thời gian này vẫn phải cho trẻ bú.

Khẩu phần ăn trong ngày cần đủ 4 nhóm thực phẩm: bột, đạm, béo, vitamin và chất khoáng.

Cho trẻ tắm nắng đều đặn vào trước 9 giờ  sáng.
 
Không nên

Chỉ lấy nước hầm xương nấu cháo mà bỏ "cái".

Đun đi đun lại thức ăn.

Ép trẻ ăn một loại thức ăn trong mấy ngày liền.

Lạm dụng các loại thuốc bổ mà chưa có sự chỉ định của bác sĩ.

(Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia)
18 tháng tuổi, bé Hùng (Thanh Xuân, Hà Nội) chỉ nặng gần 10kg, cao 80cm. Một lần, chị Hiên - mẹ bé Hùng phát hiện ra con rất thích ăn cháo nấu từ nước xương hầm cà  rốt, khoai tây. Chị đã tích cực nấu đều đều cho con ăn. Do quá bận rộn, thời gian hầm một nồi cháo quá lâu, nên buổi sáng, chị hầm 1 nồi vừa đủ 3 bữa chính trong ngày và dặn cô giúp việc hâm nóng cho con ăn.

Tuy nhiên, được vài ngày "ngon miệng", cu Hùng đã tỏ ra không "hợp tác", thậm chí chán ăn. Nếu có ăn thì cũng nuốt chửng. Cháu hay quấy khóc về đêm. Chị Hiên kể: "Ban đầu tôi nghĩ là do nước hầm là một thức ăn đặc biệt bổ dưỡng, bởi sau khi hầm nhừ, tất cả những chất bổ tinh túy nhất của thực phẩm đã tan vào trong nước, phần còn lại chỉ là "xác". Đến lúc đưa con đi khám, mới lo lắng khi bác sĩ cho biết: Cháu bị suy dinh dưỡng thấp còi".

Cu Bi (Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội) từ lúc sinh ra đến 3 tuổi luôn trong tình trạng "còi dí". Lần nào đi khám dinh dưỡng, cân nặng của Bi cũng suýt soát đạt, còn chiều cao thì hụt đi một phần đáng kể. Nhà Bi khá giả, chị Huyền - mẹ Bi cho con ăn không thiếu thứ gì, ăn bất cứ lúc nào có thể, ai mách gì để con được tăng cân chị đều cần mẫn tìm kiếm cho con ăn. "Vậy mà không biết thực phẩm "chạy" đi đâu hết!"- chị Huyền tỏ ra lo lắng".

Theo Tiến sĩ Hoàng Kim Thanh - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Giáo dục dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp mang con đến khám tại Viện do sai lầm trong cách nuôi nấng.

Cứu vãn cân nặng

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chò - Chủ nhiệm Bộ môn Dinh dưỡng, Bệnh viện 103 (Học viện Quân y): Trẻ bị suy dinh dưỡng (SDD) thấp còi do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân dinh dưỡng chiếm 30%, di truyền chiếm 20%, còn lại là các nguyên nhân khác như yếu tố môi trường, xã hội...

Suy dinh dưỡng có thể gặp ngay từ thời kỳ mang thai nếu người mẹ không được chăm sóc tốt, hoặc sau khi sinh, trẻ không được nuôi một cách khoa học. Nhiều người sai lầm khi cho rằng: Chỉ có trẻ em ở vùng nông thôn khó khăn mới có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng thấp còi, còn ở thành phố hay những gia đình có điều kiện thì không gặp. Thực tế cho thấy, ngay cả những bà mẹ có trình độ học vấn cao, nhưng nếu thiếu kiến thức dinh dưỡng trong quá trình mang thai và nuôi con cũng có thể khiến con bị suy dinh dưỡng thấp còi. Trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn bổ sung sớm, thức ăn bổ sung nghèo protein, lipid, các vitamin và khoáng chất là những nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng SDD thấp còi.

Nguy cơ khi bị
suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng thể thấp còi là tình trạng chậm phát triển về chiều cao rất dễ gặp ở trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi và trong giai đoạn từ 24-36 tháng tuổi. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có 32,9% trẻ em Việt Nam bị suy dinh dưỡng thấp còi (khoảng 2,59 triệu trẻ em). Còn trên thế giới, theo số liệu của WHO, có đến 200 triệu trẻ em ở các nước đang phát triển bị tình trạng này. Những trẻ này lớn lên sẽ trở thành người lớn có chiều cao thấp; có nguy cơ dễ tử vong và dễ mắc các chứng bệnh hơn so với những đứa trẻ bình thường khác.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, trong giai đoạn 1-2 tuổi, trẻ rất dễ bị SDD do thay đổi trong vấn đề bú sữa mẹ, thay đổi về ăn dặm. Khi trẻ 2 tuổi sẽ chuyển đổi từ chế độ ăn riêng đến ăn chung với gia đình, nếu không chú ý trẻ dễ bị SDD. Ngoài ra, trong thời kỳ này, trẻ nhận kháng thể của sữa mẹ ít đi, do đó khả năng nhiễm bệnh cũng tăng lên. Đây là giai đoạn trẻ dễ bị các bệnh lý về nhiễm trùng như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn hô hấp... cũng là những nguyên nhân làm cho trẻ thấp còi.

Ngoài việc chăm sóc dinh dưỡng cho người mẹ trong quá trình mang thai và sau khi sinh con, cần phải tính đến cả thời kỳ trước khi mang thai. Thậm chí, ngay từ khi đến tuổi dậy thì, bé gái phải được chuẩn bị tiền đề về thể lực.

Chị Huyền- mẹ bé Bi chia sẻ: Hầu hết các bà mẹ chỉ mới quan tâm đến vấn đề cân nặng của bé mà quên đi rằng bé cũng cần được chăm sóc về cả chiều cao phù hợp với cân nặng và số tuổi. Vì thế, khi mới nghe bác sĩ nói rằng con mình bị SDD thấp còi, tôi đổ xô tẩm bổ, nhồi nhét con mình ăn thật nhiều hòng cứu vãn cân nặng và vô tình bỏ quên chiều cao của trẻ. Khi trẻ bị SDD thấp còi, không nhất thiết phải ép con ăn bằng được bao nhiêu cơm. Nếu ép, việc cho bé ăn không khác gì một "cuộc chiến" căng thẳng, bé sẽ sợ cơm, sợ cả việc ăn uống, sợ cả mẹ.

Việc điều trị cho trẻ bị SDD thấp còi cần được tiến hành sớm và kiên trì. Nếu trẻ được điều trị sau 2 tuổi, cơ may thành công sẽ thấp hơn nhiều so với thời gian trước đó và khi lớn lên, trẻ khó bắt kịp các bạn cùng trang lứa. Theo các bác sĩ, khi trẻ đã "trót" bị SDD thấp còi, cha mẹ cần vỗ về biểu lộ tình cảm trìu mến, yêu thương trẻ. Trẻ cần được khích lệ, chuyện trò, nô đùa... tạo cơ sở cho sự phát triển toàn diện của trẻ, tránh thô bạo trong cử chỉ lời nói của người lớn trước mặt trẻ.

Tiến sĩ Hoàng Kim Thanh Giám đốc Trung tâm truyền thông và giáo dục dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia:
Cần bổ sung đủ chất đạm động vật

"Thực tế cho thấy, một số giáo viên ở các trường mẫu giáo, mầm non, khi mới phong thanh nghe tin có người bị ngộ độc thực phẩm do rau xanh, các cô giáo phản ứng sai lầm bằng cách cắt hẳn món rau trong khẩu phần của các cháu và thay hoàn toàn bằng củ, quả. Ở lứa tuổi mầm non, nhu cầu dinh dưỡng cần ưu tiên chất đạm dặc biệt là đạm động vật có trong thịt, trứng, sữa, cá, tôm... Nhưng nếu lạm dụng cho các cháu ăn quá nhiều cũng không tốt. Đối với trẻ, cần phải cho ăn cả dầu và mỡ, nhất là mỡ tươi, tránh việc hiểu nhầm rằng người lớn cũng như trẻ em nên ăn hoàn toàn bằng dầu".

PGS.TS Nguyễn Thanh Chò, Chủ nhiệm Bộ môn Dinh dưỡng, Bệnh viện 103, Học viện Quân y:
Nước hầm xương có vị ngọt nhưng giá trị dinh dưỡng không cao
 
"Các phân tích thành phần dinh dưỡng đã cho thấy chất đạm (thịt, cá, tôm...) có nấu trong bao lâu thì vẫn chỉ có ở phần xác mà không tan được vào trong nước, chất xơ trong rau củ cũng vậy. Vì thế, muốn nhận đủ các chất dinh dưỡng, phải cho trẻ ăn cả phần cái (xác) của thực phẩm bằng cách xay hoặc cắt nhỏ, băm nhuyễn, nấu mềm... Phần nước hầm có một vị ngọt rất ngon nhưng lại không có giá trị dinh dưỡng bao nhiêu”.

 Quỳnh An
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]