Phương pháp mới phát hiện sớm ung thư phổi

Tại Hội nghị khoa học lần thứ 3 về Ung thư phổi của Hiệp hội Ung thư phổi châu Âu được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ),

15.6

(SKDS) -  Tại Hội nghị khoa học lần thứ 3 về Ung thư phổi của Hiệp hội Ung thư phổi châu Âu được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ), các nhà khoa học đã trình làng ba kỹ thuật mới và sáng tạo có thể phát hiện sớm ung thư phổi. Kỹ thuật này rất thú vị vì nguyên lý và sự đơn giản đến ngạc nhiên.

Chụp đa góc kỹ thuật số

Kỹ thuật chụp đa góc kỹ thuật số là một kỹ thuật mới để chụp ngực phát hiện sớm ung thư phổi. Thực chất đây là kỹ thuật chụp và tổng hợp nhiều hình ảnh X quang của kỹ thuật chụp X quang thông thường và tổng hợp nên hình ảnh không gian 3 chiều của phổi.

Tuy nhiên, kỹ thuật chụp đa góc kỹ thuật số khác xa với kỹ thuật chụp X quang ngực thông thường. Chụp X quang ngực thông thường chỉ cho ra hình ảnh trước - sau của ngực hay là hình ảnh bên - bên. Hình ảnh thu được chỉ là một mặt phẳng. Nhưng kỹ thuật chụp đa góc kỹ thuật số dùng nhiều tia X quang chụp ở các góc độ khác nhau và chúng được dùng để tái tạo hình ảnh không gian. Hình ảnh thu được là hình ảnh có hình khối và rất dễ quan sát.

Kỹ thuật chụp đa góc kỹ thuật số gần giống như kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính (chụp CT). Chúng chỉ khác nhau là các góc chụp của kỹ thuật chụp đa góc kỹ thuật số thường nhỏ hơn 360o còn trong chụp CT góc chụp là 360o.

Kỹ thuật chụp đa góc kỹ thuật số có giá trị rất cao trong phát hiện ung thư phổi. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và ứng dụng thử. Kết quả từ Trung tâm Phẫu thuật lồng ngực (Bệnh viện S. Croce e Carle, Italia) cho thấy, họ đã phát hiện được 268 người có bất thường ở phổi trong 1.500 trường hợp. Những người này trước đó đều bình thường. Trong số 268 người được theo dõi, có 16 người bị ung thư. Tỷ lệ phát hiện sớm ung thư phổi là 1,07%, tương đương với kết quả thu được từ chụp CT.

Điều đáng nói là kỹ thuật chụp đa góc kỹ thuật số chỉ mất có 11 giây để thực hiện. Điều đó cho thấy tính tiện dụng và nhanh chóng của kỹ thuật mới mẻ này. Và giá thành của nó so với chụp CT thì thấp hơn rất nhiều lần. Cùng một kết quả, giá thành hạ hơn, tốc độ nhanh hơn, kỹ thuật chụp đa góc kỹ thuật số đang được hy vọng là kỹ thuật mới thường quy hơn để theo dõi và phát hiện sớm ung thư phổi.

Xét nghiệm tìm protein BARD1

BARD1 là một protein của khối ung thư phổi. Bình thường nồng độ protein này trong máu không có hoặc rất thấp. Khi có ung thư phổi, nồng độ của chất này tăng lên cao. Xét nghiệm tìm ra loại protein này chứng tỏ trong cơ thể bệnh nhân đang có khối ung thư phổi phát triển.

Vậy là, chỉ cần dùng một xét nghiệm để phát hiện protein này thì coi như chúng ta có thể sàng lọc ung thư phổi khá tốt. Kỹ thuật xét nghiệm này dựa trên nguyên lý kháng nguyên kháng thể. Các kháng thể sẽ gắn vào phân tử BARD1 và chúng ta chỉ cần phát hiện ra kháng thể này là xong.

BARD1 có hai dạng đặc biệt là BARD1 beta và BARD1 pi. Hai dạng này có mối liên quan mật thiết không những với ung thư phổi mà còn với mức độ ác tính của bệnh.

Thử nghiệm giá trị của xét nghiệm này, các nhà nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Geneva cho biết, họ phát hiện được nhiều bệnh nhân ung thư phổi từ 100 bệnh nhân. Độ nhạy của xét nghiệm là 87% và độ đặc hiệu là 68%.

 Bard1 - một protein của khối ung thư phổi.

“Mũi nhân tạo” ngửi ung thư

Một vi mũi nhân tạo siêu nhỏ cỡ nano có khả năng bắt chước hệ thống khứu giác của người được ứng dụng để “ngửi” tìm ung thư phổi. Chiếc “mũi nhân tạo” này được phát triển bởi một nghiên cứu sinh tại Viện Công nghệ Israel.

Nguyên lý hoạt động của “mũi nhân tạo” là ngửi và dò tìm ra các chất hữu cơ dễ bay hơi tồn tại trong hơi thở của người. Vì người ta cho rằng người bình thường, khí thở ra là “lành mạnh” khác xa với người ung thư phổi khí thở ra có mùi bệnh lý. Đó là vì trong hơi thở của bệnh nhân có lẫn các tạp chất hữu cơ dễ bay hơi. Chiếc “mũi nhân tạo” chỉ việc phát hiện ra các hợp chất này thông qua bộ cảm biến đặt ngang với dòng khí thở ra, sau đó gửi mẫu phân tích đến bộ phân tích và sẽ cho kết quả bất thường.

Đây quả là thành tựu đáng chú ý, mặc dù nó được xây dựng ý tưởng từ năm 2007. Nó là một kỹ thuật phát hiện các tín hiệu ung thư sớm nhất bằng một kỹ thuật không xâm lấn. Nó thực sự có ý nghĩa nếu đạt được độ tin cậy chẩn đoán.

Để thử xem liệu chiếc “mũi nhân tạo” này có hiệu quả hay không, người ta tiến hành trên những bệnh nhân bị ung thư phổi thực sự. 74 bệnh nhân có hạch ở phổi được đưa vào đánh giá thăm dò. Kết quả cho thấy, chiếc “mũi nhân tạo” có thể phát hiện chính xác 88% những hạch ác tính. Nó có thể phân biệt được đâu là khối u lành tính và đâu là khối u ác tính. Độ nhạy của thiết bị này dao động từ 86 - 88% và độ đặc hiệu đạt 93%. Một con số cực kỳ cao và ấn tượng cho việc dò tìm các tín hiệu ung thư sớm.

NamPhong
(Theo European Society Medical Oncology)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]