Phương pháp trị ung thư gan bằng nút mạch hiệu quả như thế nào?

PGS Văn Như Cương dù ở tuổi 79 và vừa trải qua căn bệnh ung thư gan giai đoạn muộn nhưng sức khỏe của ông vẫn tốt.

0

Giáo sư Phạm Minh Thông kể về phương pháp nút mạch cho các bệnh nhân ung thư.

Tự mình đi hỏi bác sĩĩ về bệnh tật

Chúng tôi đến thăm PGS Văn Như Cương tại phòng làm việc của ông ở trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Trung Yên, Hà Nội. Vị thầy giáo già của biết bao thế hệ học trò vẫn khỏe mạnh, giọng nói nhẹn nhàng đầy truyền cảm. 

Nếu người lạ tiếp xúc với thầy lần đầu sẽ không biết thầy vừa chiến đấu với căn bệnh ung thư gan giai đoạn muộn. Đã gần 4 tháng “bệnh tan”. PGS Cương kể có rất nhiều người đến hỏi thăm sức khỏe của thầy và xin thầy kinh nghiệm điều trị bệnh ung thư gan. Trong đó có cả những người từ miền trung, miền nam gọi điện ra.

Từ vai trò của người thầy giáo, thầy Cương cười: “Tôi thành chuyên gia tư vấn bệnh mất rồi”. Mỗi lần nhìn vào đôi tay gầy và đường gân nổi lên, thầy lạc quan nói: “Tôi chỉ cần ăn khỏe lên cho béo hơn chút nữa là được”. Giọng trầm ấm, người thầy gần 80 tuổi kể về những ngày chiến đấu với căn bệnh ung thư của mình.

Từ tháng 7/2014, thầy Cương thấy mình hay có những cơn đau bụng ở hạ sườn, ăn không ngon miệng, mỗi bữa không ăn được nhiều. Thầy Cương được gia đình đưa đi kiểm tra sức khỏe và phát hiện thầy bị u xơ tiền liệt tuyến. Các bác sĩ đã cắt bỏ u xơ tiền liệt tuyến bằng phương pháp mổ nội soi. Tưởng chừng như thế đã xong nhưng được một thời gian, thầy Cương vẫn thấy mệt mỏi, đau bụng. Gia đình đưa thầy đi kiểm tra sức khỏe lần nữa, bác sĩ phát hiện thầy có vấn đề về gan. Tại Bệnh viện Việt Đức sau khi chụp CT và các xét nghiệm khác, bác sĩ chẩn đoán PGS Cương bị ung thư gan.

Lúc này, vợ con thầy Cương kể, gia đình còn giấu bệnh vì sợ chồng lo lắng. Thấy người nhà có vẻ không vui, họ lo lắng điều gì đó, cảm nhận sự thay đổi tâm lý của người thân, thầy Cương đoán bệnh của ông không lành rồi. Ông muốn biết sự thật về bệnh tình của mình. Trong khi bà Oanh và các con đang trên nhà thầy lang Nho thì thầy Cương ở lại bệnh viện đã xin gặp bác sĩ và hỏi thẳng: “Đề nghị bác sĩ cho biết bệnh của tôi như thế nào? Tiên lượng ra sao? Tôi muốn biết sự thật”. 

Bác sĩ đã nói cho thầy tình hình bệnh tật. Khối u to lại có huyết khối. Huyết khối này không thể động dao kéo vào vì có thể sẽ bị di căn sang bộ phận khác của cơ thể. Đã là ung thư gan thì không có tiên lượng tốt nhưng trường hợp của thầy Cương càng dè dặt hơn. Để điều trị bệnh ung thư gan hiện nay có biện pháp khác đó là "thắt nút" tĩnh mạch gan, chặn đường tiếp tế của khối u trong gan. 

Nghe đến phương pháp này, thầy Cương đã đồng ý lựa chọn ngay. Ông biết được Giáo sư Phạm Minh Thông- Trưởng khoa Chẩn đoán Hình ảnh Bệnh viện Bạch Mai là người đầu tiên ở Việt Nam thực hiện kỹ thuật này nên ông và gia đình ngỏ ý muốn mời Giáo sư Thông can thiệp nút mạch. 

Bác sĩ nút mạch cho thầy Cương

Giáo sư Thông cho biết “Khi tiếp nhận trường hợp bệnh của PGS Văn Như Cương, tổn thương gan khá nặng, khối u đã 7 - 8 cm, tắc tĩnh mạch cửa, khối u xâm lấn ra tĩnh mạch cửa chưa phải là muộn nhưng sớm nữa vẫn tốt hơn. Nếu không được chữa trị sớm, sẽ tắc hết tĩnh mạch và rất nguy hiểm đến tính mạng”. 

Nhận điều trị cho thầy Cương bản thân Giáo sư Thông cũng chịu áp lực do khối u lớn, gan bị tổn thương và điều quan trọng nhất mà giáo sư Thông cho rằng thầy Cương là “người nổi tiếng”.

Khi tiếp xúc với thầy Cương, giáo sư Thông tư vấn về phương pháp này và được thầy rất ủng hộ. Giáo sư Thông tâm sự: “Khác với nhiều người bị ung thư, thầy Cương không hề có tâm lý hoang mang mà coi như không có bệnh. Thầy bảo tôi không nghĩ tới bệnh này đâu, bác sĩ cứ làm đúng chuyên môn của mình”.

Các bác sĩ đã tiến hành nút động mạch. Giáo sư Thông cho biết đây là một trong các biện pháp điều trị ung thư gan qua đường động mạch với nguyên lý cơ bản là chấm dứt nguồn cấp máu từ động mạch tới khối u đồng thời đưa hóa chất diệt ung thư vào khối u.

Khi đưa thắt nút chính là bác sĩ sẽ luồn 1 ống có đường kính khoảng 1mm tù đùi vào động mạch gan rồi bơm hóa chất cùng dầu đặc biệt để khu trú trong khối u, làm tắc mạch máu gan và tiêu diệt khối u trong gan bằng các biện pháp đốt mạch khác. Lúc đó, mạch máu chỗ dẫn đến nuôi khối u bị chặn không còn vào nuôi khối u nữa. Có thể coi là khối u bị chặn mất đường sống. Các bác sĩ chỉ kê thêm kháng sinh chống viêm nhiễm chứ không uống thêm một chất nào khác.

Song song với biện pháp nút hóa chất động mạch, gia đình thầy Cương cho thầy sử dụng thêm thuốc đông y của ông Lang Nho và sử dụng thêm nước nấu từ nấm lim xanh. PGS Cương cho biết lúc đầu bệnh viện Việt Đức không cho sử dụng thuốc đông y khi đang điều trị Tây Y nên gia đình đã xin bác sĩ cho chuyển thầy Cương sang một bệnh viện tư nhân. Sau đó, thầy Cương được nút mạch thêm 2 lần nữa ở bệnh viện tư, gia đình mời GS Thông tới nút mạch hóa chất giúp thầy Cương. Sau 3 lần nút mạch, kết quả khả quan khi khối u được khống chế nhỏ dần đi.

Đến đầu tháng 1/2015, thầy Cương đến kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Việt Đức. Các bác sĩ ở Bệnh viện khi xem hình ảnh chụp CT của thầy Cương họ không tin vào mắt mình. Họ phải hội chẩn rồi chụp đi, chụp lại tới 4 lần, kết quả huyết khối đã không còn, khối u cũng trắng trên phim. Thầy Cương bảo “các bác sĩ ai cũng ngạc nhiên nói trường hợp của tôi rất hiếm thấy trong y học”. 

Nói về phương pháp nút mạch hóa chất, giáo sư Thông cho biết cho đến nay người bị ung thư gan điều trị bằng nút hóa chất động mạch có thể sống trên 10 năm, trên thế giới họ triển khai rất sớm, từ những năm 80 -90 của thế kỷ trước.

Ở Việt Nam thời điểm đó chưa có máy chụp mạch nên không làm được. Sau này Bệnh viện Bạch Mai có một chiếc máy chụp mạch các bác sĩ mới thực hiện được phương pháp này. Trong điều trị ung thư thì trên 5 năm đã được xem là thành công và với phương pháp này ngày càng có nhiều bệnh nhân mắc ung thư gan có thể điều trị thành công.

Phương Thúy

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]