Sai lầm khi bố trí đồ dùng trong nhà vệ sinh

Theo các chuyên gia, khi giật nước nhà vệ sinh không làm bắn vi khuẩn nhiều trong không khí phòng.

31.2119

Nhưng chính cách bố trí đồ dùng cũng như sinh hoạt không hợp lý lại là điều kiện để vi khuẩn phát triển mạnh hơn.

Những vị trí... nguy hiểm

Vì nhà vệ sinh chật nên nhà anh Nguyễn Văn Ngẫm (Chùa Láng, Hà Nội) phải đặt bồn rửa mặt đối diện ngay nhà vệ sinh, bên cạnh là giá treo khăn mặt. Phía sau cửa anh làm mắc treo quần áo đang mặc dở hoặc cần thay. Anh Ngẫm công nhận, cách bố trí này khiến mọi người trong nhà cảm thấy khó chịu. Bởi phòng luôn có mùi hôi, khăn và quần áo bị ẩm ướt. Đặc biệt nhiều lần quần áo bị mốc đen do để quên trong đó. Tuy nhiên, cách bố trí này không biết có quá mức mất vệ sinh hay không thì bản thân mọi người chưa chú ý.
 

Phòng vệ sinh, phòng tắm là nơi ẩm ướt, lại có bồn cầu nên rất dễ tồn tại nhiều vi khuẩn, vi nấm.

Cũng theo khảo sát của PV, trường hợp bố trí chưa khoa học vẫn diễn ra nhiều dù đó là nhà vệ sinh chật hay rộng, tiện nghi hay không. Ví dụ, có nhà bố trí nơi treo khăn mặt ngay dưới lỗ thoát nước nên đôi khi khăn rơi đã vô tình cuốn theo cả vi khuẩn. Hoặc khăn lau tay để ngay trên két nước nhà vệ sinh nhằm mục đích lau sạch sau khi đi cầu. Nhưng cách làm này lại vô tình mang vi khuẩn vào cơ thể nhiều hơn.

Theo BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên Bộ Y tế, nếu phơi khăn mặt hay để bàn chải đánh răng, cốc... gần bồn cầu sẽ là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn bám dính vào các vật dụng đó. Dù có để xa bồn cầu trong nhà tắm thì cũng không tránh khỏi việc bị vi khuẩn, vi nấm khuếch tán trong không khí và bám dính vào nhưng còn hạn chế phần nào.
 
"Nhà tắm, nhà vệ sinh ở ta thường không được chú ý khi thiết kế xây dựng, vì quan niệm cho rằng đây chỉ là công trình phụ nên không cần chú trọng. Với kết cấu như vậy, lại thêm điều kiện ẩm độ cao, nhiệt độ khoảng từ 30 - 350C là môi trường lý tưởng cho nấm mốc và vi sinh vật phát triển mạnh", BS Hoàng Xuân Đại nhấn mạnh.

Cách vệ sinh đồ dùng trong nhà vệ sinh

Ở một quan điểm khác, GS.TS Phùng Đắc Cam, trưởng khoa Vi khuẩn, Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ cho hay, lo lắng của nhiều người cho rằng khi giật nước bồn cầu sẽ làm bắn vi khuẩn đi khắp phòng vệ sinh. Điều này là có, nhưng chỉ ở mức thấp nên không đáng ngại với nhà vệ sinh đạt chuẩn. Tuy nhiên, nếu bố trí cũng như vệ sinh không tốt thì nguy cơ vi khuẩn xâm nhập mạnh sẽ cao hơn.  
 

Việc vệ sinh các đồ dùng là điều cần hết sức chú ý.

 
Theo các chuyên gia, để đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ, an toàn cần chú ý ngay từ khâu thiết kế đến bố trí đồ dùng. Cụ thể, khi thiết kế, xây dựng phải chú trọng để nhà tắm ở nơi thoáng đãng, có hệ thống thông gió để đảm bảo sự lưu thông không khí. Tốt nhất là có cả ánh nắng, để hạn chế việc phát sinh vi khuẩn và nấm mốc. Trong điều kiện không gian chật hẹp cũng vẫn nên bố trí hệ thống thông gió.

Việc vệ sinh các đồ dùng là điều cần hết sức chú ý. Bàn chải đánh răng dù có rửa sạch cũng không thể hạn chế vi khuẩn sinh sôi, nảy nở. Tốt nhất sau khi đánh răng nên rửa sạch, vẩy khô bàn chải và để nơi khô ráo. Hằng tuần nên ngâm bàn chải trong nước muối sinh lý hoặc dung dịch Cloramin B pha loãng 2% để diệt bớt vi khuẩn. Đối với khăn rửa mặt không nên treo đối diện hoặc ngay phía trên bồn cầu. Sau khi dùng phải vắt thật kiệt nước để khăn chóng khô, như vậy sẽ giảm bớt sự sinh sôi, nảy nở của vi khuẩn và vi nấm. Thường xuyên giặt khăn bằng xà phòng diệt khuẩn.
 
Bên cạnh đó, cũng nên luộc, hấp hoặc sấy ở nhiệt độ cao để diệt khuẩn hàng tuần. Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn cũng là cách làm hiệu quả để ngăn ngừa sự lây lan vi khuẩn và nấm mốc.

Theo BS Hoàng Xuân Đại
(Nguyên chuyên viên Bộ Y tế)
Bee
15.5947--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]