Sử dụng tấm lợp Fibro xi măng: Sống chung với chất độc gây ung thư

TS Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) nói rằng sử dụng tấm lợp fibro xi măng là đang sống chung với chất gây ung thư và Việt Nam đã có trường hợp ung thư liên quan tới amiang.. Tweet

15.5804

Trước nguy hiểm di hại về lâu dài, tổ chức Y tế Thế giói (WHO) đã khuyến cáo Việt Nam nên ngừng sản xuất và sử dụng amiang càng sớm càng tốt.

Trước luồng quan điểm vẫn có thể sản xuất và sử dụng liệu xây dựng tấm fibro xi măng chứa chất amiang mà không gây hại cho sức khỏe, PV đã có cuộc trao đổi với TS Lương Mai Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) về việc sử dụng phổ biến tấm lợp fibro ximang tại Việt Nam...

Có ý kiến cho rằng những khuyến cáo về việc dừng sử dụng amiang dựa trên những nghiên cứu từ nước ngoài của tổ chức Y tế thế giới (WHO) mà chưa có cơ sở thực tiễn tại Việt Nam?

Đối với amiang đã có nghiên cứu đề tài khoa học cấp bộ về các bệnh liên quan tới amiang tại các bệnh viện. Bộ Y tế cũng gửi các mẫu sang Nhật Bản, bên Nhật cũng đã khẳng định chắc chắn đã có trường hợp ung thư trung biểu mô. Ung thư trung biểu mô, hiện nay trên thế giới đã chứng minh rằng căn nguyên chủ yếu là do amiang, chiếm 80% ung thư trung biểu mô do amiang gây ra. Nếu nói nguyên nhân trực tiếp do amiang thì phải lấy được sợi amiang nằm trong vi mô phổi. Hiện nay, ở Việt Nam không được phép mổ tử thi sau tử vong thì rất khó để nói chính xác.

WHO đã nghiên cứu dịch tễ học và nghiên cứu thực nghiệm trên động vật khẳng định chắc chắn amiang gây ung thư thì Việt Nam có nên nghiên cứu lại hay không? Phải đặt lại vấn đề như vậy. Tuy nhiên hiện tại đã có hậu quả về amiang rồi, nếu đầu tư cho nghiên cứu thì rất tốn kém kinh phí và tốn rất nhiều thời gian. Thêm nữa, ung thư trung biểu mô hiện nay đã đang tăng dần trong thời gian nếu không có can thiệp kịp thời. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là nghiên cứu lại amiang là không cần thiết.

Amiang độc hại là rõ ràng nhưng có thể kiểm soát được độc hại của amiang trong sản xuất vật liệu xây dựng không?

Viện Bảo hộ lao động đã làm điều tra trong dự án của ILO với Nhật Bản hỗ trợ. Vấn đề an toàn vệ sinh lao động rất hạn chế ở các cơ sở sản xuất amiang. Trong điều tra nói rằng, nhận thức của người lao động rất hạn chế. Ngoài ra, khẩu trang phát là khẩu trang thông thường, không phải khẩu trang chuyên dụng.

Theo kết luận điều tra, thì việc kiểm tra sức khỏe cho công nhân vẫn còn hạn chế. Bản thân các nước đã dừng sử dụng amiang đều cho rằng việc kiểm soát không thể thực hiện được. Ở các nước vấn đề an toàn vệ sinh lao động rất cao vẫn cấm. Đó là lý do vì sao WHO và ILO phải khuyến cáo không nên sử dụng amiang.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn có nhiều nước đang sử dụng amiang, trong đó có những nước phát triển như Mỹ vẫn sử dụng thì không có lý do gì Việt Nam lại không sử dụng?

Theo thống kê của Cục khảo sát địa chất Mỹ trong thời gian gần nhất là năm 2011 thì hiện nay chỉ còn hơn 30 nước sử dụng amiang. Có lý do nói Mỹ vẫn sử dụng tuy nhiên Mỹ sử dụng cho các sản phẩm không đưa ra ngoài cộng đồng và số lượng sử dụng rất ít chỉ khoảng 1.000 tấn/năm chỉ bằng 0,03% so với số lượng sử dụng trước kia.

Còn chúng ta sử dụng các sản phẩm chứa amiang ngoài cộng đồng thì vấn đề kiểm soát tại cộng đồng sẽ thế nào. Hiện tại, sản phẩm chứa amiang được dùng nhiều mục đích khác nhau mà chúng ta không kiểm soát được. Ví dụ như đổ móng nhà, phá dỡ nhà có tấm lợp fibro xi măng thì bụi amiang phát sinh trong môi trường có thế gây bệnh.

Bà vừa có nói khi phá dỡ tấm lợp fibro xi măng khi bụi amiang phát tán gây ung thư, vậy hứng nước mưa uống từ tấm lợp amiang có thể gây ung thư không?

Tác hại chính của amiang chủ yếu qua con đường hô hấp khi bụi amianh phát sinh qua không khí do bụi của amiang. Nước mưa lấy từ mái lợp amiang thì phải kiểm chứng thêm, tuy nhiên tác hại chủ yếu qua đường hô hấp.

Có lý do cho rằng tấm lợp fibro xi măng được dùng rất nhiều ở vùng miền bởi giá thành cạnh tranh và độ bền cao và hiện nay Việt Nam vẫn chưa tìm được vật liệu khác thay thế. Khi đưa ra khuyến cáo nên dừng sử dụng amiang thì Bộ Y tế có nghĩ tới điều này?

Vấn đề này có lẽ nên để Bộ Khoa học Công nghệ đưa ra câu trả lời. Tại hội thảo do bộ Khoa học Công nghệ tổ chức thì bộ này cũng nói rằng đã có các vật liệu thay thế đảm bảo tiêu chuẩn thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài.

Hiện tại có quan điểm cho rằng, với điều kiện nay thì Việt Nam nên hạn chế gia tăng số lượng các cơ sở sản xuất amiang và tiến tới có thể cấm sử dụng nhưng cần lộ trình hợp lý. Quan điểm Bộ Y tế về vấn đề này như thế nào?

Thực ra cần có lộ trình có kế hoạch cụ thể cho mỗi một việc. Không mở rộng nữa nhưng tiếp tục sử dụng thì nguy cơ lúc nào cũng tồn tại. Đó là cái chúng ta cũng nghĩ đến. Rõ ràng chúng ta đang sống chung với chất đã được khẳng định là gây ung thư. Lựa chọn kinh tế và sức khỏe thì cũng nên cân nhắc.

Xin cám ơn bà!

Theo Báo Lao Động

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]