Tái tạo lưỡi từ da tay để chữa ung thư

(ĐSPL) - Tại bệnh viện FV TP.HCM, một bệnh nhân đã được cắt bỏ 1/2 lưỡi bị ung thư hủy hoại, sau đó dùng vạt da tự do vùng mặt trước cẳng tay của chính bệnh nhân để tái tạo lưỡi. Ca phẫu thuật hy hữu thành công đã giúp cho gia đình bệnh nhân thở phào nhẹ nhõm sau một thời gian dài đau đớn.

15.5976

Ca phẫu thuật kéo dài 8 giờ đồng hồ

Ngày 15/7, thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Quảng Đại, trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện FV TP.HCM cho biết vừa tiến hành tái tạo lưỡi thành công cho bệnh nhân Trần Đức Tuấn (43 tuổi) bị mọc một khối u ung thư chiếm 1/2 lưỡi. Trước đó, vào ngày 31/5, bệnh nhân Tuấn nhập viện trong tình trạng u sùi 1/2 lưỡi trái, kèm mệt mỏi, suy nhược vì không thể ăn uống được. Ngay sau đó, các bác sỹ bệnh viện FV đã thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm. Kết quả xác định ông Tuấn bị ung thư lưỡi giai đoạn IV kèm di căn hạch vùng cổ. Ung thư phát triển rất nhanh chỉ trong hơn 2 tháng khiến cho tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đang ngày càng suy kiệt.

Phóng to


Lưỡi của bệnh nhân trước khi mổ. (Ảnh minh họa -Nguồn: Dân Trí)

Trao đổi với PV, thạc sỹ, bác sỹ Đại cho hay sau khi xét nghiệm nhiều lần, các bác sỹ đi đến quyết định phải cắt bỏ phần lưỡi hỏng mới có thể giúp cho bệnh nhân thoát khỏi đau đớn đồng thời có thể ăn uống. Là người phẫu thuật chính trong ê - kíp phẫu thuật cho bệnh nhân vào ngày 27/6, thạc sỹ, bác sỹ Đại cho biết: “Bệnh nhân được gây mê qua lỗ mở ở khí quản. Việc này là cần thiết nhằm tạo thuận lợi cho phẫu thuật phức tạp vùng khoang miệng.

Phẫu thuật nạo vét hạch cổ hai bên được tiến hành nhằm loại bỏ tối đa có thể được toàn bộ hạch nghi ngờ di căn. Rất nhiều hạch cổ được lấy bỏ với những kích thước khác nhau từ 0,5-3,5cm. Sau đó, chúng tôi cắt bỏ 1/2 lưỡi cùng sàn miệng (bao gồm khối u) bằng dao sóng siêu âm vừa cắt vừa cầm máu tại chỗ, tránh tình trạng mất máu nhiều. Khối u ở lưỡi được lấy trọn vẹn và nạo vét hạch cổ hai bên đảm bảo biên lành (không còn dấu hiệu ung thư) qua sinh thiết tức thì ngay sau khi vừa cắt. Cuối cùng, phần lưỡi và sàn miệng bị cắt bỏ được tái tạo bằng vạt tự do vùng mặt trước cẳng tay với kỹ thuật vi phẫu mạch máu và thần kinh. Cuốn mạch nuôi phần lưỡi tái tạo bằng vạt sẽ nối với động, tĩnh mạch mặt ở vùng cổ”.

“Về phía dây thần kinh cảm giác của vạt da sẽ nối với thần kinh lưỡi được bảo tồn sau khi cắt bỏ khối u. Nhờ thế bệnh nhân sẽ nhanh chóng lấy lại được các chức năng nuốt, nói và, quan trọng hơn, bệnh nhân sẽ có cảm giác ở phần lưỡi tái tạo. Đây là phần tinh tế nhất của phẫu thuật tái tạo lưỡi. Đoạn lưỡi không phải là kỹ thuật quá khó. Tuy nhiên điều quan trọng hơn cả không phải là “cắt bỏ đi rồi xong” mà chính là đảm bảo chất lượng sống của bệnh nhân sau phẫu thuật. Chất lượng ở đây là vấn đề nói, nuốt, và cảm giác.

Điều chúng tôi mong muốn là sau khi cắt bỏ phần lưỡi bị ung thư, một lưỡi mới được tái tạo có thể giúp bệnh nhân nói chuyện, ăn uống và có cảm giác như lưỡi thật. Theo y văn, các bệnh nhân ung thư lưỡi được phẫu thuật lấy bỏ u, tái tạo lưỡi, xạ trị sau mổ, kết quả cho thấy tỉ lệ vạt da bị hoại tử là rất thấp. Chức năng nói và nuốt sau tạo hình lưỡi được phục hồi đáng kể. Với cách làm này, không những có thể đảm bảo lấy bỏ trọn vẹn khối u, giúp hồi phục được các chức năng của lưỡi, mà còn đảm bảo tính thẩm mỹ cho người bệnh. Ca mổ kéo dài 8 giờ đồng hồ và không có biến chứng nguy hiểm nào xảy ra. Đây là một thành công khá lớn của ê - kíp mổ”, thạc sỹ, bác sỹ Đại chia sẻ.

Phóng to

Thạc sỹ, bác sỹ Đại và ê-kip thực hiện ca mổ dài 8 tiếng.

 

Bệnh nhân khỏe mạnh và xuất viện sau 11 ngày mổ

Theo thạc sỹ, bác sỹ Đại, sở dĩ ca phẫu thuật thành công bỏi được kết hợp từ rất nhiều yếu tố. Trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân Tuấn được các bác sĩ kiểm tra kỹ lưỡng về tình trạng sức khỏe. Trong phẫu thuật, sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa ê-kíp mổ và ê-kíp gây mê với sự chuẩn bị kỹ càng các dụng cụ hồi sức, dự trù máu... rất quan trọng trong việc dự phòng và xử trí kịp thời các tình huống bất trắc có thể xảy ra. Do thời gian cắt lưỡi và tạo hình vi phẫu trung bình từ 8 đến 10 giờ, nên kỹ thuật này chỉ định cho người bệnh không mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, tổn thương mạch máu; sức khỏe còn tốt, để các bác sỹ thực hiện kỹ thuật nối mạch máu vi phẫu trong thời gian khá dài.

Với sự kĩ lưỡng và tận tình của các y bác sỹ, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cũng được hồi phục nhanh chóng. Hai ngày sau ca mổ, ông Tuấn đã có thể di chuyển vùng lưỡi. Năm ngày sau đó, ông có thể nói chuyện sau khi rút bỏ ống mở khí quản, dù hơi khó khăn do lưỡi vẫn còn phù nề. Ông thường xuyên đói bụng và đòi ăn, sức khỏe phát triển tốt. Bệnh nhân xuất viện 11 ngày sau mổ trong tình trạng khỏe mạnh, ăn uống tốt, thở bình thường và lạc quan với cuộc sống. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn phải dùng thuốc và tái khám theo lịch hẹn của các bác sỹ.

Phóng to

Tái tạo lưỡi cho bệnh nhân sau khi cắt bỏ phần lưỡi bị hủy hoại.

Trao đổi với PV về căn bệnh hiếm gặp này, thạc sỹ, bác sỹ Đại cho hay: Ung thư lưỡi là một trong những loại ung thư thường gặp ở khoang miệng. Ban đầu, bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng nên rất dễ bị xem nhẹ. Ung thư lưỡi là bệnh lý ác tính thường gặp vùng khoang miệng, phát sinh từ sự biến đổi ác tính biểu mô phủ lưỡi hoặc các mô liên kết cấu trúc lưỡi. Theo Hội Ung Thư Học Hoa Kỳ, 25-30% các trường hợp ung thư khoang miệng xuất phát ở lưỡi. Ung thư lưỡi thường xảy ra đối với bệnh nhân hút thuốc, uống rượu, vệ sinh răng miệng kém. Biểu hiện là vết loét hoặc sùi không đau, thường gặp xuất hiện ở vùng cạnh lưỡi. Nếu điều trị thuốc không thuyên giảm, trong vòng ba tuần, các vết thương cần phải được làm sinh thiết nhằm phát hiện sớm. Bệnh này thường tiến triển sùi, loét tại chỗ, di căn hạch tại vùng, ít di căn xa.

“Đối với bệnh ung thư lưỡi, phẫu thuật cắt lưỡi bao gồm khối u là lựa chọn điều trị thông thường nhất. Trong nhiều trường hợp, phẫu thuật lấy bỏ hạch cổ cùng bên ung thư hoặc cả hai bên là cần thiết. Nếu khối ung thư lưỡi lớn xâm lấn rộng, phẫu thuật sẽ bao gồm cả việc cắt bỏ sàn miệng và xương hàm dưới. Ở giai đoạn sớm có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật, ở giai đoạn muộn hơn cần phải kết hợp điều trị phẫu thuật, xạ trị và hóa trị nhằm kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật khó, không dễ thực hiện vì đòi hỏi phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn của một đội ngũ bác sỹ có tay nghề cao”, thạc sỹ, bác sỹ Đại cho hay.

: Phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư lưỡi

Bác sĩ Đại khuyến cáo: Để ngừa phòng ung thư lưỡi, người dân cần bỏ thuốc lá để tránh cho các tế bào khoang miệng tiếp xúc hóa chất gây ung thư. Không uống rượu quá nhiều. Tăng cường ăn các loại rau quả giàu vitamin.Khám răng miệng định kỳ sáu tháng một lần ở các cơ sở chuyên khoa, đồng thời vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng, đều đặn.Nếu thấy vết loét lâu ngày không khỏi, vùng cổ xuất hiện khối u hạch bất thường thì phải đến khám bác sỹ ngay

 
                                                                                                                                                                                    Thơ Trịnh
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]