Tằng hắng liên tục, bệnh gì?

Em cũng có cảm giác bị vướng cổ họng, nằm bên dưới trái cổ một chút, và thường xuyên phải tằng hắng mới thấy thoải mái được, có khạc ra đàm đặc màu trắng.

15.5818

Năm nay em 22 tuổi. Vài năm trước em ăn uống bình thường, nhưng nay ăn một chút hay hơi no là bị óc ách, chóng mặt, buồn ngủ nhưng không ngủ được, tay chân nhấc không muốn lên. Lúc nhỏ em có bị đau bao tử, nhưng đã trị hết.

Em cũng có cảm giác bị vướng cổ họng, nằm bên dưới trái cổ một chút, và thường xuyên phải tằng hắng mới thấy thoải mái được, có khạc ra đàm đặc màu trắng, nhiều hơn là khi ăn no. Em đi khám họng rất nhiều nơi, có chỗ nói bị viêm họng mãn, có chỗ nói em bị viêm amygdales, em đã mổ amygdales cách đây gần một năm song triệu chứng tằng hắng vẫn còn. Đôi khi em cũng bị thở hụt hơi.

Cho em hỏi bệnh bao tử có liên quan gì đến họng không và làm cách nào để chữa trị?

(Nguyen Anh Tuan)

>>  

Bạn Tuấn thân mến,

Thư bạn viết khá dài và mô tả khá chi tiết về chứng bệnh của mình. Chúng tôi rất thông cảm với những khó chịu mà bạn đang cảm nhận.

Các triệu chứng của bạn rất phong phú nhưng tựu trung tôi xin tóm tắt lại những vấn đề quan trọng nhất sau đây:

1- Ăn mau no, ăn vào mệt hơn lúc đói, bụng óc ách.

2- Cảm giác vướng họng tằng hắng khạc đàm kéo dài điều trị lâu chưa hết.

3- Sốt sụt cân, khó thở.

Cảm giác ăn mau no có thể do nhiều nguyên nhân: viêm dạ dày tá tràng, viêm gan, viêm tụy, hoặc do ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư tụy.

Một bệnh lý nữa cũng làm bệnh nhân có cảm giác ăn mau no là chứng hẹp môn vị. Hẹp môn vị (phần cuối dạ dày nối với đầu ruột non bị hẹp lại) khiến thức ăn không thoát khỏi dạ dày để xuống ruột non được, ứ đọng lại gây óc ách khó chịu. Bệnh nhân đôi khi phải tự kích thích gây nôn phần thức ăn còn ứ đọng trong dạ dày ra mới cảm thấy dễ chịu đôi chút.

Cảm giác vướng họng, tằng hắng mới thấy dễ chịu mà bạn mô tả có thể do viêm họng hoặc viêm mũi xoang. Trong trường hợp viêm xoang các chất tiết ở vùng mũi xoang chảy xuống gây viêm và kích thích vùng hầu họng và sàn sau họng rất khó chịu làm bệnh nhân thường xuyên phải khạc nhổ, tằng hắng. Tuy nhiên bạn đã được khám tai mũi họng, cắt amygdales rồi và BS tai mũi họng cho biết họng bạn bình thường thì phần nào có thể yên tâm.

Rất tiếc bạn không cho biết gần đây đã chụp X-quang phổi hay chưa nên chúng tôi chưa thể đánh giá về hệ hô hấp của bạn được. Bệnh phổi bản thân nó cũng hay gây ho khạc, sốt về chiều, sụt cân như bạn mô tả.

Cảm giác vướng họng còn có thể do chứng loạn cảm ở họng. Bệnh này có căn nguyên tâm lý, do những lo âu, căng thẳng trong cuộc sống mà ra nên cần có phương thức điều trị đặc biệt kết hợp giữa thuốc men và tâm lý liệu pháp.

Sau cùng, cảm giác vướng và khó chịu ở họng còn do chứng trào ngược thực quản. Trào ngược thực quản xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới mất trương lực, co thắt yếu nên thức ăn, dịch vị và chất axit từ dạ dày bị trào ngược lên thực quản, rồi lên họng làm bệnh nhân lúc nào cũng có cảm giác đau rát sau xương ức, ợ nóng và đau rát họng nhất là sau khi ăn no và ở tư thế nằm, khiến họ phải thường xuyên tằng hắng mới cảm thấy dễ chịu.

Sốt, khó thở, sụt cân có thể là triệu chứng và dấu hiệu của rất nhiều bệnh. Chúng tôi xin tạm nêu ra một số những nguyên nhân chính như sau:

1- Nhiễm trùng (lao, viêm phế quản phổi, nấm phổi, nhiễm ký sinh trùng ở phổi, hen phế quản bội nhiễm, AIDS...)

2- Ung thư (tất cả các loại ung thư như ung thư máu, ung thư phế quản, ung thư tiêu hóa như đã nói ở phần đầu)

3- Nguyên nhân nội tiết (đái tháo đường, cường giáp là những nguyên nhân gây sụt cân thường gặp nhất)

4- Và nguyên nhân tâm lý (như lo âu, trầm cảm và chứng biếng ăn tâm thần)

Bạn Tuấn thân mến,

Y khoa cũng khá phức tạp phải không bạn? Để chẩn đoán chính xác một bệnh không phải lúc nào cũng thật dễ dàng. Cần có sự kết hợp của ba yếu tố:

1- Triệu chứng mà người bệnh mô tả

2-  Những dấu hiệu mà thầy thuốc thăm khám được trên cơ thể người bệnh bằng cách hỏi, quan sát, sờ nắn, gõ, nghe tim phổi, đo huyết áp, đếm mạch, đo nhiệt độ, cân nặng.

3- Các xét nghiệm cận lâm sàng như siêu âm bụng, xét nghiệm máu, nội soi dạ dày tá tràng, X-quang phổi, điện tâm đồ...

Trở lại với trường hợp của bạn, chúng tôi nghĩ nhiều đến khả năng bạn đã bị viêm loét dạ dày tá tràng, có thể kèm theo hẹp môn vị do sẹo loét cũ ở môn vị hoặc viêm dạ dày thực quản trào ngược.

Đây chỉ là những cảm nghĩ bước đầu. Để giúp chẩn đoán được chính xác hơn chúng tôi khuyên bạn nên đến BV đăng ký khám chuyên khoa tiêu hóa để được bác sĩ thăm khám trực tiếp và làm thêm một số xét nghiệm về máu, nội soi dạ dày tá tràng, siêu âm bụng và chụp X-quang phổi.

Hi vọng rằng những ý kiến trên đây có thể giúp ích phần nào cho bạn.
AloBacsi.vn (Theo Tuổi trẻ)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]